Xã hội đang ngày một phát triển, cuộc sống của con người ngày càng trở nên văn minh, hiện đại hơn. Thế nhưng, mặt trái của phát triển là sự xuất hiện của những “căn bệnh” khiến con người ngày càng xa cách nhau hơn. Vô cảm là một trong só những căn bệnh đó. Dựa trên tình hình của xã hội, đề thi môn ngữ văn trong một số năm gần đây đã đề cập đến đề tài về bệnh vô cảm. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài văn mẫu chô đề bài nghị luận xã hội về bệnh vô cảm. Hi vọng đây sẽ là tài liệu giúp các em học sinh ôn thi hiệu quả.
Đề bài: Ý kiến của anh (chị) về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay.
Bài làm
Mở bài
Phát triển là một điều tất yếu của xã hội, thế nhưng, trong cái tất yếu đó lại kéo theo hàng loạt những vấn đề bức xúc và đáng quan ngại. Khi lũy tre làng được thay bằng những tòa nhà chọc trời, khi bát nước chè xanh xóm giềng cùng uống được thay bằng tiếng đóng cửa một cách vô tình, lạnh lẽo. Ấy là lúc con người cần nhìn lại về một căn bệnh đã nảy mầm từ lâu và đang không ngừng sinh sôi, nảy nở từng ngày theo cái nhịp sống hối hả của xã hội. Căn bệnh ấy được gọi là bệnh vô cảm.
Thân bài
Để hiểu rõ về căn bệnh đặc biệt này thì trước hết ta cần phải biết được khái niệm của nó. Trên thực tế, chẳng có một khái niệm sách vở nào về bệnh vô cảm. Theo nghĩa của từ có thể thấy, vô co nghĩa là không, cảm chính là tình cảm, cảm xúc. Theo đó, vô cảm có nghĩa là không tình cảm, không cảm xúc. Hay nói cách khác đó chính là một trạng thái, thái độ của con người. Thờ ơ, lạnh nhạt đối với những người, những việc xung quanh mình, chỉ lo vun vén cho bản thân, dửng dưng trước nỗi bất hạnh, sự đau khổ của người khác.
Vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi bệnh vô cảm được bắt nguồn do đâu hay chưa? Vô cảm chưa hề phát triển khi mà con người ta vẫn sống trong sự đoàn kết của làng, của xóm, của an hem họ hàng. Khi mà nhà này, nhà nọ vẫn chia cho nhau củ khoai, củ sắn, mớ tôm, mớ tép. Khi mà cứ tối đến, cảm xóm lại rồng rắn kéo nhau đến khoảnh sân của nhà duy nhất có ti vi rồi nói cười rôm rả. Ngày ấy, “người với người sống để yêu nhau”. Thế nhưng dòng đời hối hả, giá trị của đồng tiền lên ngôi, lối sống của con người của mỗi ngày một khác. Con người ta cứ mải miết chạy theo tiếng gọi của vật chất, của đồng tiền mà quên đi biết bao truyền thống tốt đẹp, quên đi biết bao giá trị của đời sống tinh thần. Sự phát triển của xã hội hiện nay, một mặt mang lại cuộc sống đủ đầy cho con người nhưng mặt khác lại đòi hỏi con người phải làm việc không ngừng nghỉ, nó làm nảy sinh tính ích kỷ trong mỗi người, nó khiến con người đề cao cái tôi mà quên mất cái ta. Tuy nhiên, đừng vội đổ lỗi tất cả lên hoàn cảnh khách quan, vô cảm cũng có thể bắt nguồn từ chính sự ích kỷ, từ nhận thức, tầm nhìn hạn hẹp của mỗi con người.
Bạn thấy vô cảm đang diễn ra ở đâu? Thật ra, nó đang diễn ra trên mọi mặt của cuộc sống. Vô cảm được biểu hiện ra một cách đa sắc, đa màu khi mà con người ta không những vô cảm với cuộc sống, với xã hội, với đồng loại mà còn vô cảm với chính người thân, bạn bè và thậm chí là với cả bản thân mình. Bệnh vô cảm đang diễn ra hàng ngày và được biểu hiện ra bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Biểu hiện đơn giản nhất của vô cảm chính là thờ ơ với cuốc sống, với những gì diễn ra xung quanh, chỉ quan tâm đến việc của mình, dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Không nhường ghế cho người lớn tuổi trên xe buýt, thấy người bị cướp giật nhưng chẳng hề mảy may, thấy người gặp tại nạn nhưng ngoảnh mặt làm ngơ, khi đồng bào miền Trung ruột thịt vẫn đang trong cảnh màn trời chiếu đất, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm thì chỗ này chỗ nọ vẫn diễn ra những bữa tiệc xa hoa, ăn chơi trác táng, vung tiền qua cửa sổ. Vô cảm là khi, một người lái xe gào khóc khản hơi vì nguồn sống của cả gia đình mất dần từng phút mà vẫn có bao người thản nhiên ôm bia của người khác về làm của riêng, hành động ấy được người ta đặt cho cái tên đầy chấm biếm “hôi bia”. Vô cảm còn đáng sợ hơn khi con người ta bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp việc dẫm đạp lên người khác để có được tiền tài, địa vị, danh vọng cho bản thân mình. Ở một mức độ cao hơn, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, cho xã hội là thái độ vô trách nhiệm. Sự vô trách nhiệm ấy diễn ra trên nhiều lĩnh vực của xã hội như xây dựng, giao thông vận tải hay ý tế. Ta đau lòng biết bao khi những đứa bé sơ sinh bị tước đi quyền được sống chỉ vì sự vô trách nhiệm của những người vẫn thường được gọi là “những thiên thần áo trắng”. Ta phẫn nộ làm sao khi đọc những tin tức về vụ án tiêu cực PMU 18 làm chấn động đất nước và cả nước ngoài. Vô cảm như một thứ “vi rút”, nó xâm chiếm, nó lây lan, nó len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và ngấm dần vào con người để đến nỗi người ta xem đó là điều hiển nhiên mà chẳng hề thấy xấu hổ.
Là một căn bệnh không thể gây ra cái chết ngay lập tức, nhưng vô cảm lại có thể tạo nên “cái chết” về lâu về dài đối với con người. Nó gặm nhấm con người ta, ăn mòn con người ta đến tận xương tủy. Nó biến con người trở thành những người sống vô trách nhiệm, ích kỷ, tham lam. Vô cảm là mảnh đất hứa để biết bao căn bệnh khác sinh sôi nảy nở. Nó sẽ là khởi nguồn đối với các loại tệ nạn xã hội. Vô cảm không chỉ tác động đến một nhóm người mà nó ảnh hưởng đến mọi tầng lớp, lứa tuổi, ảnh hưởng đến toàn xã hội và sự phát triển của đất nước. Những truyền thống tốt đẹp như: “lá lành đùm lá rách”, uống nước nhớ nguồn”… của dân tộc ta từ trước tới nay sẽ bị mai một nếu cứ để cho vô cảm được đà lấn tới.
Cuộc sống chỉ thực sự ý nghĩa khi yêu thương và được yêu thương. Để chữa được bệnh vô cảm, trước hết cần xuất phát từ bản thân mỗii cá nhân, bởi chỉ có con người mới tự vượt qua được cái “bản ngã” trong mình. Hãy sống một cuộc sống thực sự ý nghĩa bằng việc thay đổi bản thân, bằng việc sống một cuộc sống có lý tưởng, có mục đích. Hãy mở rộng tấm lòng của mình để yêu thương người khác và để được người khác yêu thương, bởi trong cuộc sống, cho đi chính là nhận lại. Chỉ cần có một trái tim nhân hậu, một tấm lòng luôn luôn rộng mở thì bệnh vô cảm chẳng thể nào tồn tại được.
Ta vẫn thấy biết bao tấm lòng nhân ái, yêu thương đồng loại giữa cuộc đời này. Đó là những ngôi nhà tình thương đang được dựng nên ngày một nhiều trên khắp đất nước, đó là những xe hàng cứu trợ cho đồng bào miền Trung vẫn nói đuôi nhau chạy đều, là những chiếc áo, chiếc chăn cho bà con nơi rẻo cao những ngày mùa đông rét mướt; là tin tức ta vẫn thường thấy về những anh hùng trong mùa bão lũ, họ đã chẳng tiếc thân mình để đổi lấy cuộc đời của bao người khác… Vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những hành động cao đẹp để đủ thấy rằng, vô cảm sẽ được đẩy lùi bằng chính những hành động của con người.
Kết bài
Là thế hệ mang trong mình dòng máu của cha ông với bao truyền thống tốt đẹp, là thế hệ gánh trên vai trọng trách xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh. Chính vì thế, mỗi học sinh phải không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để trở thành con người với đủ Đức, Thể, Tài. Phải trở thành con người sống có lý tưởng, hoài bão,và hơn hết là sống bằng tình yêu – tình yêu gia đình, quê hương, đất nước và đồng loại. Hãy chung tay để lên án mạnh mẽ với căn bệnh vô cảm, đồng sức, đồng lòng trong cuộc chiến đấu để loại bỏ căn bệnh này ra ngoài xã hội, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.