Đề bài: Bình giảng đoạn thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gi đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
Bài văn mẫu Bình giảng đoạn thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi
Nguyễn Đình Thi là một trong những nhà thơ hiện đại có những bài rất thành công về đề tài đất nước và một trong những bài đó phải kể đến bài thơ Đất nước. Bài thơ được ông sáng tác trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp (1948 – 1955). HÌnh ảnh đất nước được nhà thơ ấp ủ đến độ chín để khái quát lên một đất nước tương lai: một đất nước hiền hòa bất khuất, một đất nước tình nghĩa anh hùng, một đất nước trưởng thành tỏa sáng. Trong các tượng đài đất nước ấy, có những hình ảnh không thể nào quên được: đó chính là hình ảnh đất nước đẹp giàu, được trải ra trong một không gian ba chiều từ trời xanh, cánh đồng, nương đồi đến những dòng sông đâu đâu cũng thơm ngát, bát ngát… Tất cả đều là của chúng ta. Đất nước còn ở truyền thống bất khuất từ xa xưa vẫn vọng về rì rầm trong tiếng đất. Và đất nước rực rỡ trong ánh hào quan chiến thắng: “Nước Việt Nam từ máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Trong tất cả nhưng hình ảnh ấy, với Nguyễn Đình Thi đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh đất mước Việt Nam vất vả đau thương trong chiến tranh với những câu thơ cô đúc vào loại hay nhất trong những sáng tác của mình:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Với 4 câu thơ, Nguyễn Đình Thi đã dựng lên một hình ảnh đất nước trong chiến tranh thật đậm nét và đầy ấn tượng. Hai câu thơ trên là hình ảnh đất nước đau thương do chiến tranh hủy diệt của quân thù. Hai câu thơ dưới là gương mặt đất nước anh hùng, tình nghĩa trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Tất cả đều được nói lên bằng những câu thơ cô đúc như kết tinh bằng tất cả những trải nghiệm của nhà thơ trong cuộc sống.
Thơ ca kháng chiến thường nói đến hình ảnh đất nước đau thương trong chiến tranh, nhưng mỗi nhà thơ lại có cách nói riêng tùy theo hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng của tác giả. Năm 1948, khi được tin quân giặc kéo đến tàn phá quê hương thân yêu, Hoàng Cầm đã thức trắng đêm để viết bài Bên kia Sông Đuống. Bài thơ là cả một nỗi xót xa căm hận trước những vẻ đẹp của quê hương bị quân thù tàn phá:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang.
Hình ảnh thơ thật cụ thể, bởi Tổ quốc chính là quê hương thân yêu, là một vùng đất ở Bên kia Sông Đuống – nơi có những truyền thống văn hóa – lịch sử – mãi mãi là một niềm từ hào của tác giả. Trong thơ Nguyễn Đình Thi, ta lại thấy được những hình ảnh khác như biểu tượng về đất nước đau thương. Đó là do cảm hứng thơ được ấp ủ, tích lũy trong những năm tháng và thực tế nhà thơ đã chứng kiến bao nhiêu cảnh quê hương bị quân thù giày xéo, hủy hoại, nay cô đúc trong những hình ảnh khái quát:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép dai đâm nát trời chiều.
Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã dựng lên thật đầy đủ, sâu sắc và gợi cảm hình ảnh đất nước đau thương trong chiến tranh. Quê hương bị hủy diệt bởi chiến tranh tàn bạo của quên thù. Những cánh đồng quê chảy máu là hình ảnh của nỗi đau vật chất, còn “dây thép gai đâm nát trời chiều” là cuộc sống tinh thần của nhân dân ta bị chiến tranh hủy diệt. Hai câu thơ với chỉ 14 chữ mà tác giả đã nói lên được một nỗi đau toàn diện, chất chứa căm hờn.
Nguyễn Đình Thi không nói đến cánh đồng quê cụ thể mà ở đây là “những cánh đồng quê” – đất nước đã “chảy máu”. Cánh đồng quê là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt để giành giật từng tấc đất, bảo vệ từng ngọn lửa. Biết bao máu đã đổ, biết bao người đã ngã xuống… Nhưng hình ảnh cánh đồng quê cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước. Từ bao đời, cánh đồng quê vẫn gợi lên vẻ đẹp bình yên của cuộc sống, bốn mùa chỉ xanh màu khoai lúa:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
Nay quân thù đem bom đạn trút xuống hủy hoại, tưởng như cánh đồng quê chảy máu. Qua cảm nhận của Nguyễn Đình Thi, những cánh đồng vô tri vô giác cũng hiện lên như một cơ thể sống, có máu thịt, có linh hồn. Máu chảy bao giờ cũng gợi cảm giác thiêng liêng mà xót xa, gợi sự ra đi của sự sống. Vì vậy hình ảnh “cánh đồng quê chảy máu” ở đây đã diễn tả sâu sắc, thấm thía nỗi mất mát đau thương. Nó khác hẳn với “những cánh đồng thơm mát” đang hồi sinh trong hiện tại. Đọc câu thơ, ta chợt liên tưởng đến nỗi đau mất mát mà Nguyễn Đình Thi từng bộc bạch trong “buổi chiều ở Vàm Cỏ”.
Buổi chiều úa máu
Ngổn ngang những vũng bom.
Nhờ biện pháp nhân hóa mà sức liên tưởng của nhà thơ còn mở rộng mênh mang, đó là hình ảnh khái quát sâu sắc về nỗi đau lớn trong chiến tranh. Và nỗi đau càng lớn thì tội ác quân giặc càng chồng chất. Chắc hẳn Nguyễn Đình Thi đã chứng kiến nhiều cảnh đồng quê bị tàn phá như thế nên đã khái quát lại thành hình ảnh “cánh đồng quê chảy máu” trong thơ đầy ấn tượng này. Và còn cả trời chiều cũng bị kẻ thù đâm nát:
Dây thép gai đâm nát trời chiều.
“Dây thép gai” là hình ảnh tàn bạo, man rợ của chiến tranh hiện đại. Hình ảnh này đã đi vào câu thơ Nguyễn Đình Thi với cách nói cũng rất hiện đại trong sự đối lập với “trời chiều”. “Trời chiều” là khoảng trời êm ả bình lặng. Ở đây đâu chỉ hủy diệt sự sống, kẻ thù đến gieo mầm ác, chúng đâu chỉ có đốt phá nhà cửa, giày xéo lên tấc đất, ngọn rau của quê hương mà còn hủy diệt cả đời sống tình cảm của con người . Nhờ có cách nói mới mẻ và sáng tạo mang dáng dấp những câu thơ hiện đại phương Tây, nhà thơ đã nói lên cái nỗi đau tận cùng và cũng tố cáo đến tận cùng tội cáo kẻ thù trong chiến tranh hủy diệt. Nhà thơ đã để cho một vật cụ thể, nhọn sắc (dây thép gai) đâm nát một cách êm ả, thơ mộng trừu tượng (trời chiều) nhằm tăng thêm sự dã man tàn bạo của giặc, tăng thêm sức tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Từ hình ảnh thực quan sát được trong một chiều hành quân qua vùng Bắc Giang, Nguyễn Đình Thi đã nâng lên thành một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng khái quát về sự đau thương của đất nước trong chiến tranh.
Nếu hai câu thơ trên là ngoại cảnh đất nước đau tương trong chiến tranh thì hai câu thơ dưới thể hiện tâm trạng của tác giả:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Câu thơ cuối là một câu thơ đẹp mang những nét rất riêng của Nguyễn Đình Thi:
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Hai chữ “bồn chồn” đã nói lên được bao điều về tâm hồn người lính lúc nào cũng dạt dào yêu thương và đầy ắp nhớ nhung. Trên cái nền của cảnh đất nước đau thương, của những gian lao trong chiến tranh, bỗng vụt sáng long lanh trong tâm tưởng của người chiến sĩ “đôi mắt người yêu”. Hình ảnh đó như ngôi sao xanh của hi vọng, của khác vọng soi tỏ bầu trời đêm, tiếp thêm sức mạnh và nâng bước cho người chiến sĩ trên đường hành quân diệt thù. Đây có lẽ cũng là một kỷ niệm thân thiết của nhà thơ nên trong thơ ông, hình ảnh này được trở đi trở lại nhiều lần:
– Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây.
– Chúng ta như hai ngôi sao
Hai bầu trời lấp lánh.
… Nhớ em đôi mắt hay cười.
(Bài thơ viết cạnh đồn Tây).
Tình yêu và tình cảm đất nước hòa nhập, thống nhất trong tâm hồn người chiến sĩ. Trong một bài thơ nổi tiếng khác của Nguyễn Đình Thi cũng có những câu thơ rất hay về sự kết hợp tuyệt vời hai thứ tình cảm ấy:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần…
Bốn câu thơ cô đúc hàm chứa bao nhiêu ý nghĩa. Nguyễn Đình Thi đã khắc họa đậm nét và sâu sắc gương mặt đất nước trong chiến tranh. Đó là hình ảnh đất nước đau thương, một đất nước anh hùng và thấm đẫm tình người trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ hiện thực mà nhà thơ được chứng kiến, Nguyễn Đình Thi đã xây dựng những hình ảnh khái quát và có sức gợi cảm lớn. Nếu nói răng trong thơ có họa thì đây là một đoạn tiêu biểu và cũng là một trong những khổ thơ hay nhất trong bài thơ Đất nước.