Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”
Bài văn mẫu bình giảng đoạn thơ trên trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi
Bài thơ Đất nước trích trong tập thơ Người chiến sĩ đã được tác giả Nguyễn Đình Thi thai nghén suốt bảy năm ròng, từ năm 1948 đến năm 1955. Tác phẩm được lấy nền từ cảm hứng trữ tình sử thi và xoay quanh cái trục chính là cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ về đất nước. Đất nước thể hiện tình yêu, sự hân hoan và lòng tự hào dân tộc với chủ quyền của đất nước:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”
Khơi nguồn cho cảm hứng và suy ngẫm về đất nước là cảm giác trực tiếp trong một buổi sáng mùa thu gợi nỗi nhớ về Hà Nội
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa”
Những ngày thu đã xa ấy là mùa thu trong hoài niệm của Hà Nội đẹp mà buồn, một nỗi buồn man mác. Nỗi buồn ấy dường như hiện lên trong cái se lạnh của hơi may, từ hình ảnh những chiếc lá rơi đầy trong phố vắng và những con đường, ngõ phố bỗng dài ra, xao xác những chiếc lá rơi trong thềm vắng:
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Từ hoài niệm về mùa thu Hà Nội, tác giá dẫn người đọc vào cảm xúc về mùa thu đất nước trong khung cảnh hiện tại của chiến khu Việt Bắc:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa nùi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Đang từ những câu thơ 7 chữ, nhịp thơ trầm buồn khi viết về mùa thu Hà Nội trong hoài niệm, miêu tả cảnh thu Việt Bắc với “mùa thu nay”, giọng điệu câu thơ thay đổi hẳn. Câu thơ chuyển sang thể 5 chữ với nhịp điệu nhanh, rộn ràng. Đoạn thơ được tấu lên như một khúc giao hưởng của ngôn từ. Niềm vui rạo rực của tác giả tỏa ra các câu chữ bắc buộc nhịp điệu phải biến hóa rạo rực, cuồn cuộn cảnh sắc thiên nhiên trong treo, tươi sáng với những màu sắc và âm thanh náo nức:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”
“Mùa thu nay” là mùa thu năm 1948, một thời điểm đáng ghi nhớ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, thế chiến lược của ta đã chuyển sang cầm cự, chuẩn bị tổng phản công. Đứng giữa một vùng chiến khu được giải phóng, nhà thơ chợt nhận thấy “mùa thu nay khác rồi”. Tuy vẫn là sông núi đất trời này nhưng mùa thu nay khác mùa thu xưa. “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” nhưng ai cũng mang trong lòng cái lạnh của gió “hơi may” trong tiết trời Hà Nội. Giờ đây nhà thơ được tự do đứng vui nghe giữa trời cao đất rộng, kiêu hãnh và sảng khoái biết chừng nào. Tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy đều dội vào lòng tác giả, cộng hưởng thành một niềm vui bất tận. Bầu trời như trở nên trong xanh hơn, núi đời rừng tre như thắm sắc hơn, hữu tình hơn khi có cả nắng và ánh nắng như cũng tươi hơn. Cả một trời thu như được thay áo mới. Các từ ngữ “phấp phới”, “áo mới”, “trong biếc” cùng với biện pháp láy âm như phối thanh đã tạo nên một thứ nhạc điệu riêng của tâm hồn từ gió thu, trời thu đến tiếng thu. Tất cả như đều đổi khác, không khí thu trong biếc nên các âm thanh trở nên vang vọng ngân gia, tiếng nói tiếng cười cũng thiết tha mới lạ.
Nỗi lòng của tác giả như hòa nhập vào cảnh sắc thiên nhiên, với niềm vui của cuộc đời:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Đây là đoạn thơ được Nguyễn Đình Thi lấy ở bài Đêm mít tinhviết trước đó mấy năm,. Có người nói đoạn thơ này tác giả đọc ưng khẩu trong lúc phát biểu trong đêm mít tinh ở Việt Bắc. Đọc đoạn thơ này, ai cũng có cảm tưởng như được nhìn thấy tác giả đang đứng giơ tay cho người đọc, người nghe thấy được cảnh bát ngát đẹp tươi của một vùng không gian rộng lớn, một vùng đất mới được giải phóng, vẻ đẹp tiềm năng của đất nước được trải ra với không gian ba chiều: chiều cao, chiều rộng, chiều dài. Từ trời xanh, núi rừng, ruộng đồng đến những ngả đường, dòng sông đâu đâu cũng bát ngát, thơm mát, tất cả đều là “của chúng ta”. Từ “những” được lặp lại có tác dụng liệt kê những vẻ đẹp của Tổ quốc. Cụm từ “của chúng ta” vang lên đầy tự hào, yêu mến và sâu lắng.
“Xưa là rừng núi là đêm” (Tố Hữu). Sống trong cảnh nô lệ, ta chỉ có đêm đen tối tăm với muôn vàn những gian lao, khổ ải chứ làm gì có sông núi, trời xanh này, núi rừng này, ruộng đồng này, dẫu cả Tổ quốc chưa về tay ta, nhưng cũng biết bao sung sướng. Chính vì thế cụm từ “của chúng ta” được lặp đi lặp lại, thể hiện nỗi niềm hưng phấn vui say. Cũng tâm trạng ấy, trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu viết:
Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta.
Nhưng đất nước không chỉ ở cái cụ thể hữu hình như trời mây, sông núi mà đất nước còn ở những cái rất trừu tượng, vô hình: đó là phong tục tập quán, là nền văn hiến, là truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt chiều dài bốn nghìn năm lịch sử. Nguyễn Đình Thi dường như đã nhận thấy những giá trị của dân dộc đang vọng nói về “rì rầm trong tiếng đất”:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Nhịp thơ đang cuồn cuộn, sôi nổi đến đây bỗng chững lại trong không khí trang nghiêm, lắng đọng có tính chất suy tư khái quát. Cụm từ “nước chúng ta” đứng tách ra làm nên một câu thơ chắc khỏe, đĩnh đạc đầy trang trọng và tự hào. Nhà thơ như nghe thấy trong tiếng đất những âm thanh rì rầm không dứt, những tiếng nói triyền thống, quá khứ đang vọng về như thôi thúc, động viên, nhắn nhủ lớp cháu con phải quyết tâm giữ gìn đất nước. Con người Việt Nam vống sống thủy chung theo đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Thế hệ hôm nay được kế thừa Đất nước do bao thế hệ đi trước trao lại. Nguyễn Đình Thi nhắc lại lời những người đã khuất, nhắc lại lời “vọng nói về….” như dẫn dắt người đọc lắng lòng trở lại lịch sử bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc và biết ơn, trân trọng những thế hê đi trước. Có thể nói cảm hứng giữa hiện tại và truyền thống được nhà thơ thể hiện thành công bằng những đoạn thơ vừa trữ tình, vừa trí tuệ.
Đất nước là bài thơ được viết trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Pháp. Các ý thơ được liên kết bằng tâm trạng để bộc lộ chủ đề. Cảm xúc của tác giả được thể hiện trong bài thơ dù nói cụ thể hay khái quát, dù tạo sắc hay tạo hình, tạo nhạc, bao giờ cũng chân thật, đằm thắm, thiết tha. Đất nước của Nguyễn Đình Thi thật xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất viết về đất nước và đoạn thơ bình giảng là một trong những đoạn tiêu biểu, đẹp nhất của bài thơ.