Có rất nhiều người có suy nghĩ rằng, một bài văn nghị luận xã hội chỉ cần đầy đủ các ý là sẽ đạt điểm cao, tuy nhiên chỉ đủ ý mà không có dẫn chứng thì bài văn nghị luận xã hội chỉ là một bài văn diễn thuyết, diễn nôm mà không mang tính thuyết phục. Dẫn chứng đóng một vai trò không thể thiếu trong một bài văn nghị luận xã hội.
Trên thực tế, có rất nhiều học sinh nắm rất vững các kiến thức cơ bản, tự tin để giải quyết được các yêu cầu của một đề văn nghị luận xã hội. Tuy nhiên, các em lại gặp vấn đề trong việc đưa dẫn chứng cho bài văn của mình, phải luôn loay hoay trong các câu hỏi: đưa bao nhiêu dẫn chứng là đủ? đưa vào phần nào cho phù hợp? nên đưa những dẫn chứng như thế nào để mang tính thuyết phục cao?…Dưới đây sẽ là câu trả lời cho những câu hỏi vừa nêu.
Số lượng dẫn chứng
Việc lấy dẫn chứng cho một bài văn nghị luận xã hội có vai trò vô cùng quan trọng, kể cả nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí, hay nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống. Dẫn chứng đóng vai trò là “chất sống”, mang lại sự thuyết phục cũng như tính sinh động và hấp dẫn cho bài văn. Nếu bài văn nghị luận xã hội thiếu dẫn chứng thì những lí lẽ đưa ra chỉ là lý thuyết suông, mang tính chung chung, thiếu cơ sở. Do đó bài văn sẽ không thể nào thuyết phục hoàn toàn được người đọc. Tuy nhiên, nếu đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận xã hội quá nhiều, tràn lan thì lí lẽ của bài sẽ bị mờ nhòa, bài văn sẽ bị loãng đi đáng kể. Vậy, đưa bao nhiêu dẫn chứng vào một bài văn là đủ?
Việc đưa dẫn chứng vào một bài văn nghị luận xã hội không được quy định cụ thể. Số dẫn chứng đưa vào phải tùy thuộc vào độ dài ngắn của bài văn cũng như yêu cầu trực tiếp của đề ra. Trong một bài văn nghị luận xã hội không thể chỉ có một dẫn chứng nhưng cũng không nên đưa dẫn chứng tràn lan. Phải dựa vào các khía cạnh của bài văn để lấy dẫn chứng.
Phân bố dẫn chứng phù hợp
Thông thường, với mỗi luận điểm, lí lẽ chúng ta sẽ lẫy dẫn chứng để làm sáng tỏ cho luận điểm đó. Tuy nhiên nếu không lựa chọn đúng lí lẽ cần đưa và phân tích sâu dẫn chứng thì sẽ làm bài viết bị mờ nhòa hoặc đi sai trọng điểm. Do đó cần lựa chọn và phân bổ dẫn chứng trong toàn bài văn một cách hợp lí, đúng trọng tâm, trọng điểm. Trong cấu trúc một bài văn nghị luận xã hội không phải phần nào cũng cần đưa dẫn chứng, nhất là đối với nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống, chúng ta chỉ cần đưa nhiều dẫn chứng vào phần thực trạng. Còn đối với bài nghị luận về tư tưởng đạo lí, phần phân tích đòi hỏi phải có dẫn chứng đi kèm.
Đối với phần thân bài là trọng tâm của cả bài, do đó cần chú trọng đưa dẫn chứng vào phần này, tập trung phân tích để thấy được điểm nhấn của bài. Ngoài ra, phần kết luận thường đưa ra suy ngẫm, liên hệ với bản thân…do đó ở phần này cũng nên đưa dẫn chứng vào để tăng thêm tính thuyết phục và sinh động cho bài văn.
Những dẫn chứng mang tính thuyết phục cao
Trước hết, dẫn chứng đưa vào bài văn phải là những nhân vật, sự việc, hiện tượng tiêu biểu trong xã hội. Đó có thể là những vấn đề nổi cộm, đang được đông đảo mọi người quan tâm như: bạo lực gia đình, ô nhiễm môi trường…(đối với bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống).Cũng có thể là các nhân vật lịch sử, những người được nhiều người biết đến (Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nick Vujicic…)
Thứ hai, dẫn chứng đưa vào bài văn phải phù hợp với lí lẽ dẫn chứng mà nó làm sáng tỏ. Không thể trình bày lí lẽ, luận điểm một đằng rồi lại đưa dẫn chứng một nẻo.
Một số lỗi thường gặp khi đưa dẫn chứng
Đưa quá ít hoặc quá nhiều dẫn chứng cho bài văn dẫn đến tình trạng bài văn thiếu thuyết phục hoặc bị loãng.
Lấy dẫn chứng nhưng không phân tích dẫn chứng, điều này dẫn đến việc dẫn chứng không phát huy được hiệu quả.
Lấy dẫn chứng không cân đối, có những luận điểm có đến hai hoặc ba dẫn chứng nhưng có luận điểm lại chẳng có dẫn chứng nào. Dẫn đến bài văn thiếu hài hòa, mất cân đối.
Lấy dẫn chứng một cách chung chung, không tiêu biểu, nổi bật, sáo rỗng hoặc không liên quan đến vấn đề trình bày.
Hãy lấy dẫn chứng một cách thông minh để đạt điểm cao môn văn bạn nhé!