Home Đề thi - Đáp ÁnĐáp án đề thi vào lớp 10 Đáp án chi tiết+Đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2017-2018

Đáp án chi tiết+Đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2017-2018

by admin

Đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2017-2018

Câu 1: ( 1,0 điểm)

Phần in đậm trong các câu sau là thành phần gì?

a, Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “ Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”

(“Những ngôi sao xa xôi”- Lê Minh Khuê)

b, Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.

(“Lão Hạc” – Nam Cao. )

c, Nửa tiếng đồng hồ sau, chị Thao chui vào hang.

(“Những ngôi sao xa xôi” – Lê Minh Khuê)

 

d) Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.

(“Lặng lẽ Sa Pa” – Nguyễn Thành Long )

Câu 2: ( 3,5 điểm)

Cho đoạn trích:

“ Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”

(“ Truyện Kiều”- Nguyễn Du)

a, Đoạn trích là nỗi nhớ của Kiều về ai? Giải nghĩa cụm từ: “Quạt nồng ấp lạnh”?

b, Từ tấm lòng của Kiều, em hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về lòng hiếu thảo trong xã hội ngày nay?

c, Chép thuộc 8 câu thơ tiếp theo và trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ đó bằng một đoạn văn.

Câu 3: (5,5 điểm).

Truyện ngắn “ Lặng lẽ Sa Pa”- Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng đang ngày đêm xây dựng quê hương.

Em hãy phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện để làm sáng tỏ.

 

———————————— Hết ———————————

(Giám thị không giải thích gì thêm)

Đáp án gợi ý Đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2017-2018

Câu 1: (1 điểm)

Mỗi đáp án đúng cho 0,25 điểm tổng 1 điểm:

a, Thành phần khởi ngữ

b, Thành phần biệt lập gọi đáp.

c, Thành phần trạng ngữ.

d, Thành phần biệt lập cảm thán

Câu 2: (3,5 điểm)

a,( 0,5 điểm)

Đoạn trích là nỗi nhớ của Kiều về cha mẹ khi ở lầu Ngưng Bích. (0,25đ)

Nghĩa của cụm từ: mùa hè, trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ; mùa đông, trời lạnh giá thì vào nằm trước trong giường (ấp chiếu chăn) để khi cha mẹ ngủ, chỗ đã ấm sẵn . Chỉ sự phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ.( 0,25đ)

b, (1 điểm)

Yêu cầu biết viết đoạn văn nghị luận xã hội.

Nội dung cần đảm bảo những kiến thức cơ bản sau:

Lòng hiếu thảo là một trong đức tính tốt đẹp của con người, đạo lí làm người

+ Giải thích: Hiếu: là hiếu nghĩa,biết ơn người sinh thành dưỡng dục mình,biết cung kính bề trên. Thảo: là mở tấm lòng mình ,biết chia ngọt sẻ bùi với người thân nói riêng,với nhân loại nói chung. Hiếu thảo là sự biết ơn,là thái độ hành động thể hiện lòng cung kính tôn trọng và phụng sự đáp đền chân thật đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên (0,25đ)

+ Biểu hiện,ý nghĩa của lòng hiếu thảo: ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, biết ơn công sinh thành dưỡng dục, yêu thương, kính trọng, chăm sóc, báo đáp công lao.
Hiếu thảo với cha mẹ khiến con cái trưởng thành hơn, giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình , sống biết yêu thương, là động lực, sức mạnh để con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống. (Dẫn chứng trong cuộc sống, trong văn học) (0,5đ)
+ Phê phán những hành động bất hiếu ; bỏ rơi cha mẹ già , đánh đập đối xử tàn nhẫn  quên ông bà tổ tiên.(0,25đ).

c, ( 1,5 điểm)

+ Chép thuộc: (0,5 đ)

“ Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọ nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

( Trích “ Truyện Kiều”- Nguyễn Du)

+ Cảm nhận về đoạn thơ: ( 1,5 điểm)

Yêu cầu biết viết đoạn văn nghị luận về văn học, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không sai lỗi dùng từ, viết câu, chính tả.

Nội dung cần đảm bảo các ý cơ bản:

– Đoạn thơ thể hiện tâm trạng của Kiều sau khi bị Mã Giám Sinh lừa, nàng quyên sinh không thành và bị Tú Bà giam lỏng tại lầu Ngưng Bích. (0,25 đ)

+ Tâm trạng của Kiều được thể hiện qua cái nhìn trước cảnh vật: nhìn ra phía trước Kiều thấy cảnh cửa bể thấp thoáng cánh buồm xa xa như hư như thực, Kiều thấy mình buồn, lẻ loi trước tương lai mờ mịt; nhìn xuống phía dưới chỉ thấy những cánh hoa trôi bị dập vùi tan tác, nàng lo lắng nghĩ đến thân phận như cánh hoa trôi dạt vô định; nhìn phía xa chỉ thấy những nội cỏ rầu rầu đang héo rũ, úa tàn mà lo sợ cho tương lai của chính mình; mọi cảnh vật như nhòa đi trước mắt Kiều chỉ còn nghe thấy tiếng sóng vỗ ầm ầm mặt duềnh, nàng ngồi trên lầu mà tưởng như ngồi giữa biển khơi, nàng bàng hoàng, kinh hãi như dự cảm giông tố sắp ập đến cuộc đời mình.(0,5đ

+ Nguyễn Du đã dùng các hình ảnh ẩn dụ, liệt kê, sử dụng các từ láy giàu sắc thái biểu cảm để miêu tả cảnh vật với không gian từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong đoạn thơ gợi tả  thật sinh động, sâu sắc bức tranh ngoại cảnh và bức tranh tâm cảnh. Điệp từ “ buồn trông” tạo âm hưởng trầm buồn diễn tả tâm tâm trạng buồn đau của Kiều.(0,5 đ)

  • Đoạn trích khẳng định tài năng sáng tạo nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Du . (0,25 đ).

Câu 3: (5,5 điểm).

* Yêu cầu :

  • Biết viết văn nghị luận văn học. Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi diễn đạt về từ, câu, chính tả.
  • Nội dung đảm bảo các ý cơ bản:

* MB: Giới thiệu , dẫn dắt nêu vấn đề: tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, vẻ đẹp của con người lao động qua nhân vật anh thanh niên(0,25 đ)

* TB: (5 đ).

+ Giới thiệu chung về anh thanh niên: ngoại hình nhỏ bé, 27 tuổi, làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn …con người bình dị như bao người lao động khác.(0,5đ)

+ Một thanh niên giàu nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh sống và làm việc hết sức gian khổ, khắc nghiệt: quanh năm “chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”; công việc đều đặn, gian khổ: rét, mưa tuyết, nửa đêm…; cô đơn, vắng vẻ. (1đ)

+ Với công việc anh là người say mê, yêu nghề qua suy nghĩ và việc làm đầy tỉ mỉ, chu đáo với tinh thần trách nhiệm cao. Anh cho rằng công việc là niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời: “ ta với công việc là đôi”, “ nếu bỏ nó đi cháu buồn đến chết mất” . (1đ)

+ Trong cuộc sống anh luôn là người tự chủ, sống có hoài bão lí tưởng. Cuộc sống một mình nhưng căn nhà luôn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Anh trồng hoa, nuôi gà tìm niềm vui trong sách, tự làm giàu đời sống vật chất và tinh thần của mình. Anh suy nghĩ, quan niệm đầy đúng đắn về ý thức trách nhiệm với quê hương “ mình sinh ra là gì? mình đẻ ở đâu?mình vì ai mà làm việc?…”, thấy “ từ hôm đó cháu sống thật hạnh phúc” khi biết công việc của mình góp phần cho chiến thắng của quân đội ta => Hạnh phúc của anh là được cống hiến cho quê hương. (1đ)

+ Với những người xung quanh anh chân thành, cởi mở, khiêm tốn: biết vợ bác lái xe mới ốm dậy anh chu đáo biếu củ tam thất, nồng nhiệt đón khách, tặng hoa cho cô gái, biếu làn trứng ăn trưa cho ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe; Anh nhiệt thành giới thiệu về những người khác mà anh thật sự khâm phục: ông kĩ sư vườn rau SaPa, người cán bộ nghiên cứu khoa học về sét. Anh cảm thấy đóng góp của mình là nhỏ bé.(1đ)

+ Đánh giá: Với nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tình huống hết sức ngắn ngủi, qua cảm nhận, cách nhìn của các nhân vật khác, tác giả Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công bức chân dung đẹp về nhân vật anh thanh niên tiêu biểu cho những con người lao động thầm lặng xây dựng quê hương. Dù họ làm bất cứ công việc gì ở họ đều chung những phẩm chất đáng quí: nghị lực, lạc quan, yêu nghề, chân thành, khiêm tốn, luôn khao khát được làm việc được cống hiến cho quê hương.(0,5đ

  • KB: ( 0,25đ).
  • Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật, của con người lao động.
  • Bày tỏ cảm nghĩ của bản thân.

Trên đây la Đáp án+ Đề thi môn Văn Vào lớp 10 tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2017-2018, các em tham khảo nhé, chúc các em thi tốt.

You may also like

Leave a Comment