Home Trung Học Phổ ThôngLớp 11 Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

by admin

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI KHỐI 11
Năm học: 2017-2018
MÔN: NGỮ VĂN
(Thời gian: 150 phút)

Câu I (8,0đ):Bình luận về câu nói

Cháy lên để tỏa sáng.

Câu II (12,0đ):
Nhà văn I.X Tuốc- ghê- nhép cho rằng: Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác
.( Dẫn theo Khrapchenco. Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học. Nhà xuất bản tác phẩm mới, 1978).

Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ cái giọng riêng biệt của Xuân Diệu qua một số bài thơ tiêu biểu.

ĐÁP ÁN ĐỀ CHỌN HỌC SINH GIỎI KHỐI 11
Năm học: 2017-2018
MÔN: NGỮ VĂN

I Cháy lên để tỏa sáng.

1 Giải thích (1,0 điểm)
– Cháy: là niềm đam mê nhiệt huyết hết mình
– Tỏa sáng: làm nên thành tựu, nâng cao tầm vóc, giá trị bản thân, được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh.
-> Cả câu: Đề cao niềm đam mê nhiệt huyết làm nên thành tựu giúp bản thân mình tỏa sáng của mỗi người 0,25

2 Bàn luận (6,0 điểm)
– Con người cần “cháy” hết mình với công việc:
+ Có niềm đam mê, nhiệt huyết con người sẽ làm việc quên thời gian và mệt mỏi, tạo ra hiệu quả cao. Ngược lại, thiếu đam mê, làm việc gượng ép, miễn cưỡng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc.
+ Có đam mê con người đồng thời sẽ có khát vọng, ước mơ làm những điều đẹp đẽ, có ích thậm chí là kì tích, là những phát minh sáng chế đem lại lợi ích cho cộng đồng, nhân loại (như các nhà bác học say mê nghiên cứu, phát minh…)
+ Có đam mê người ta cũng sẵn sàng dâng hiến công sức trí tuệ cho cộng đồng thậm chí sẵn sàng hi sinh riêng tư vì cái chung (như AnhXtanh hi sinh hạnh phúc cá nhân cho việc nghiên cứu)
+ Khi có đam mê nhiệt huyết con người trở nên năng động, sáng tạo, có niềm tin vào bản thân, có ý chí quyết tâm vượt qua thử thách khó khăn để hoàn thành công việc hoặc thực hiện được ước mơ…(Bill Gates vì niềm đam mê máy tính mà sẵn sàng bỏ học ĐH trong sự can ngăn của nhiều người… nhưng ông quyết tâm vượt qua và ông đã thành công).
– Thành công từ những đam mê sẽ giúp con người “tỏa sáng”:
+ Nâng cao tầm vóc, giá trị bản thân
+ Được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh
– Tuy nhiên:
+ Không nên đam mê thái quá để mình bị cuốn theo một vòng xoáy nào đó không dứt ra được mà vòng xoáy đó lại ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của ta (ví dụ mê chơi game mà chểnh mảng học hành); con người quá say mê làm giàu hay làm việc gì đó muốn khẳng định bản thân một cách nóng vội thì cũng dễ dẫn đến tham lam, phạm tội…
+ Phê phán những người học tập, làm việc thiếu lòng nhiệt tình; không có ước mơ và cũng không có động lực và quyết tâm thực hiện ước mơ hay hoàn thành công việc…

3 Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)

– Cháy hết mình, đam mê nhiệt huyết với học tập, lao động là yếu tố quan trọng giúp con người thành công, khẳng định được vị trí của mình trong cuộc sống và xã hội nên con người cần nuôi dưỡng đam mê.
– Con người cần phải học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện kĩ năng sống tích cực, bồi đắp tâm hồn để thắp sáng đam mê. 0,5

Câu 2 :Bình luận ý kiến của nhà văn I.X Tuốc- ghê- nhép và làm sáng tỏ cái giọng riêng biệt của Xuân Diệu qua một số bài thơ tiêu biểu

1 Giới thiệu vấn đề ( 1,0 điểm)
– Nhà văn I.X Tuốc- ghê- nhép cho rằng: Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác.
– Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Qua sáng tác của mình, ông đã in được dấu vào nền văn học với một giọng riêng biệt, độc đáo hiếm thấy. 0,5

 

2 Giải thích ý kiến (2,0 điểm)
– Tài năng văn học: Khả năng văn học, sự giỏi giang, điêu luyện của người nghệ sĩ ngôn từ trong sáng tạo nghệ thuật. Tài năng văn học còn là cách nói hoán dụ để chỉ những nhà văn nhà thơ có tài.
– Nói : Là thể hiện thành lời một nội dung nào đó, giọng : Là cách phát âm, cách nói. Tiếng nói của mình, cái giọng riêng biệt của chính mình : Là cách diễn đạt, cách thể hiện độc đáo của một cá nhân về vấn đề nào đó.
– Không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác: Duy nhất, không thể có người thứ hai giống mình.
=> Nhận định là cách nói hình ảnh có tính chất đúc kết về cái quan trọng của những tài năng văn học lớn. Đó là: Một nghệ sĩ có tài phải là người có phong cách riêng độc đáo, không lẫn với bất cứ ai, không giống với bất cứ người nào. 1,0

3 Bình luận ý kiến (3,0điểm)
– Phong cách nghệ thuật của nghệ sĩ là một cái gì đó bền vững, xuyên suốt, lặp đi lặp lại trong các sáng tác trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Nói cách khác phong cách là biểu hiện tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân người sáng tạo.
– Phong cách nghệ thuật biểu hiện ở cái nhìn có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt, ở hệ thống hình tượng, ở các phương diện nghệ thuật…
– Điều quan trọng trong tài năng của người nghệ sĩ là cái riêng biệt, độc đáo mà không ai có thể bắt chước, làm theo. Đây vừa là yêu cầu, vừa là tiêu chuẩn để đánh giá vị trí của nghệ sĩ ấy trên văn đàn. Cái riêng ấy sẽ giúp họ ghi được dấu ấn trên nền văn học, được người đọc yêu mến, tôn vinh. 1,5
4 Phân tích một số bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu để làm rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của ông. (5,0 điểm)
– Thơ Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất cho ý thức cá nhân của cái tôi thơ mới nhưng đồng thời cũng mang đậm bản sắc riêng của cái tôi trong thơ Xuân Diệu. Đó là cái tôi tích cực, mãnh liệt, lúc nào cũng thèm yêu, khát sống, khát khao tận hưởng, cống hiến ngay trên thiên đường trần thế này. Cái tôi mang giọng điệu vồ vập, vội vàng, cuống quýt…Dù khi vui hay khi buồn đều nồng nàn, tha thiết.
– Cái nhìn của Xuân Diệu là cái nhìn tình tứ nên thiên nhiên luôn hiện ra với vẻ đẹp xuân tình.
– Thơ Xuân Diệu tiêu biểu cho tinh thần lãng mạn. Mỗi tiếng thơ như một cơn lũ cảm xúc tuôn chảy, câu nọ gọi câu kia, hình ảnh này gọi hình ảnh kia trong một hơi thơ dồi dào, lôi cuốn.
– Mỗi thi phẩm của Xuân Diệu đều có một cấu tứ khá chặt chẽ, không chỉ phơi trải tình cảm một cách đơn thuần, thi sĩ còn đưa ra những quan niệm, những triết lí về tình yêu, tuổi trẻ, hạnh phúc, thời gian…
– Xuân Diệu có những nỗ lực, có những cách tân thơ tiếng Việt bằng sự bền bỉ học hỏi và vận dụng cấu trúc thơ phương Tây, sáng tạo những điệu nói, những cách nói mới, phát huy được triệt để các giác quan trong cảm nhận.
Lưu ý: Học sinh chọn các bài thơ tiêu biểu như Vội vàng, Thơ duyên, Đây mùa thu tới… để minh họa cho từng đặc điểm trên của phong cách thơ Xuân Diệu.

5 Đánh giá (1,0 điểm)
– Phong cách độc đáo chính là yếu tố quyết định tài năng và sức sống của tác phẩm văn học.
– Xuân Diệu đã khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn bởi giọng điệu riêng biệt của chính mình mà không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác 0,5

 

You may also like

Leave a Comment