Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn bao gồm: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lí, vật lí, hóa học, sinh học, ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Thí sinh không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được Giám đốc sở GD – ĐT xem xét, quyết định cho phép chọn môn thi thay thế.
Tất cả thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ sử dụng chung cùng một đề thi cho mỗi môn. Tùy theo năng lực, nguyện vọng mà các em đăng ký dự thi các môn phù hợp với mục đích dự thi của mình. Cần lưu ý là các em có thể lựa chọn thi các môn lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT đồng thời để sử dụng vào các tổ hợp môn thi xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Đề thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên và vừa có các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vậy, các em có nhiều thuận lợi và giảm được áp lực thi cử so với những năm trước đây. Cách ra đề thi không yêu cầu học thuộc lòng, máy móc chi tiết như trước mà theo hướng mở, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Học sinh sẽ phải đổi mới cách học theo hướng ứng dụng, để biến kiến thức thành của mình.
Theo ông Trinh, đề thi sẽ đảm bảo được các trình độ khác nhau, đáp ứng được yêu cầu khác nhau. Các em cần tập trung vào ôn tập tốt, phù hợp với mục đích của mình.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, việc ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ có tác động nhất định đến việc dạy và học ở bậc phổ thông. Bởi về lâu dài, khi chương trình và sách giáo khoa phổ thông thay đổi, các bài thi sẽ là bài kiểm tra theo lĩnh vực. Khi đó sẽ hướng tới mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh chứ không đơn thuần cung cấp kiến thức như hiện nay. Như vậy, những thay đổi này đã đi đúng theo tinh thần đổi mới mà toàn ngành giáo dục đang đặt ra.
Thứ trưởng Ga dẫn chứng, hiện nay, việc đổi mới trong thi cử được thể hiện trong việc chuyển giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Ở một số trường đã xuất hiện các phương thức thi theo năng lực, sơ tuyển… đó cũng là cách đổi mới tiếp cận dần với cách thi của các nước tiên tiến trên thế giới. Các phương thức thi này sẽ được nhân rộng khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Liên quan đến băn khoăn về làm tròn điểm, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT cho biết, theo quy định trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, điểm từng bài thi không làm tròn, nhưng sau khi cộng tổng điểm ba môn sẽ được làm tròn đến điểm lẻ là 0,5 điểm. Nhưng theo quy định của Kỳ thi THPT quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển thì điểm thi của từng môn không làm tròn và tổng điểm thi của các tổ hợp môn thi cũng không làm tròn. Điều này sẽ được cụ thể hóa trong hướng dẫn thực hiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới.