Atlat được xem là một trợ thử đắc lực cho học sinh trong các kỳ thi của môn Địa lí. Tuy nhiên, rất nhiều em vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của Atlat cũng như chưa nắm vững các kỹ năng cơ bản để sử dụng nó một cách hiệu quả nhất để bài thi của mình đạt điểm tối đa. Hãy tham khảo các bí quyết dưới đây để phát huy hết tác dụng của Atlat trong những kỳ thi sắp tới.
Một số điểm cần chú ý khi sử dụng Atlat
Một là cần nắm vững cấu trúc của Atlat: có thể thấy cấu trúc của Atlat gồm 4 phần chính tương đương với các chương trong sách giáo khoa là: Hành chính (vị trí địa lý và sự phân chia hành chính); Địa lí tự nhiên; Địa lí kinh tế – xã hội; Địa lý vùng kinh tế.
Hai là nắm vững nội dung từng trang Atlat gồm : nội dung chính, nội dung phụ, chú giải ở mỗi trang và chú giải chung của cả Atlat.
Ba là nắm chắc các kí hiệu trong bản đồ: các kí hiệu chung của Atlat đều được thể hiện ở trang 3. Việc nắm chắc được các kí hiệu sẽ giúp học sinh nhận biết được các đối tượng cụ thể trên tưng bản đồ, bởi có một số bản đồ trong Atlat không được in chú thích kèm theo như bản đồ khoáng sản (trang 18), bản đồ công nghiệp chung (trang 21)…Bên cạnh đó, nắm vững các kí hiệu cũng sẽ giúp các em tiết kiệm được thời gian khi làm bài thi mà không phải lật giở từng trang để tìm.
Bốn là biết khai thác các biểu đồ có trong Atlat: Thông thường, trong một số bản đồ (nhất là bản dồ ngành kinh tế) sẽ có một đến hai biểu đồ (cột, đường, tròn). Học sinh có thể khai thác các biểu đồ đối với các bài có liên quan. Đây chính là một cách hữu hiệu giúp các em giảm được một phần số liệu cần phải nhớ trong phần lý thuyết.
Các bước khai thác Atlat khi làm bài
Bước 1: điều đầu tiên và quan trọng nhất là học sinh cần đọc kỹ đề bài và nắm được các yêu cầu của đề bài. Chỉ khi xác định được yêu cầu của đề mới có thể có hướng đi phù hợp.
Bước 2: xác định trang và một số trang liên quan cần sử dụng đến Atlat. Cần chú ý rằng, trong cùng một yêu cầu của đề bài nhưng có thể chúng ta cần phải kết hợp nhiều bản đồ với nhau, vì thế phải xem câu hỏi có một vấn đề hay nhiều vấn đề để sử dụng đủ số bản đồ.
Bước 3: học sinh cần xác định các loại kỹ năng mà mình cần làm việc với bản đồ. Có thể là kỹ năng nhận biết, kỹ năng đọc hiểu, cũng có thể là kỹ năng xác định vị trí, xác định các mối quan hệ tương hỗ…
Bước 4: tiến hành xác định và kahi thác các kí hiệu thông tin từ Atlat. Cần khai thác một cách triệt để các nội dung liên quan, từ nội dung chính cho đến các nội dung phụ (biểu đồ, bảng số liệu, tranh ảnh xung quanh bản đồ).
Bước 5: Tổng hợp lại những nội dung mà bạn khai thác được từ bản đồ , kết hợp với những kiến thức đã học để trình bày thành bài thi hoàn chỉnh. Cần trình bày đúng trình tự, hợp lý, khoa học để bài thi đạt điểm tối đa.
Không chỉ sử dụng Atlat trong kỳ thi mà các teen nên kết hợp dùng nó khi ôn tập lý thuyết để dễ dàng ghi nhớ nội dung bài học bằng cách tạo ấn tượng sâu hơn.