Trong thế giới nhân sinh quan của mỗi con người có một thứ tình cảm thiêng liêng và cao cả hơn bất cứ thừ tình cảm nào khác, đó là tình yêu quê hương, yêu đất nước. Thứ tình cảm mãnh liệt ấy được thể hiện mãnh liệt nhất khi được đặt vào những hoàn cảnh éo le, khốc liệt nhất là những năm kháng chiến chống Mỹ. Chẳng những thế mà nhà thơ Nguyễn Mỹ trong “Cuộc chia ly màu đỏ” đã mạnh dạn thốt lên: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sồng xa nhau…”. Dưới đây là bài tham khảo nghị luận xã hội 200 chữ về tuyên ngôn tình yêu đó.
Nghị luận xã hội 200 chữ về tuyên ngôn tình yêu của con người Việt Nam trong những năm chống Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”
Nghị luận xã hội 200 chữ về tuyên ngôn tình yêu của con người Việt Nam
trong những năm chống Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”
Chia ly, xa cách người thân là điều mà không một ai mong muốn, nhưng những hoàn cảnh éo le buộc họ phải đối mặt với nó. “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”, câu thơ trong “Cuộc chia ly màu đỏ” ấy vẫn luôn là minh chứng sống động cho một thời lửa cháy nhưng vượt lên tất cả vẫn là tình yêu đất nước, là sự hy sinh tình cảm cá nhân để chiến đấu vì hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng. Những người con gái, con trai sẵn sàng rời xa giếng nước, gốc đa để bảo vệ giang sơn đất nước. Chia ly là đau buồn nhưng cần thiết. Trong cuộc sống, chia ly là chuyện tất nhiên. Chia ly ở đây có thể là xa cách về mặt địa lý, xa nhau vài nghìn cây số hay cách nhau cả nửa vòng trái đất nhưng cũng có thể là xa nhau mãi mãi, là cách biệt trần gian, một đi không trở lại. Cuộc chia ly nào mà không gây nhớ thương, xốn xang, thậm chí là đau lòng. Ai cũng từng chứng kiến những cuộc ra đi, và có khi người đó mãi mãi không trở về … Đó là những ký ức không quên trong lời ru của bà: “À ơi, cháu ngoan cháu ngủ với bà, bố mày đi đánh giặc xa chưa về”, rồi những cuộc tiễn đưa đẫm nước mắt những người con, người chồng lên đường ra mặt trận. Nhìn những giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt các mẹ, các chị, thử hỏi ai không cảm thấy xót thương, thấy hoài nghi: Vì sao lại có những cuộc ra đi ấy? Trong những năm chiến tranh khốc liệt, tình yêu quê hương, đất nước được đặt lên trên hết. Họ chấp nhận cả chia ly, xa cách để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính ấy không chỉ chịu đau đớn về thể xác mà còn chịu cảnh thiếu thốn tình cảm, nhớ thương quê nhà nhưng không vì lợi ích cá nhân mà họ quên đi nhiệm vụ, sẵn sàng gác nỗi nhớ, giữ chặt niềm thương để vững tay súng, chắc quyết tâm bảo vệ những người thân yêu. Trong số những cuộc chia ly ấy, có biết bao người ra đi mà không trở về, họ đã vĩnh viễn về với đất mẹ, nhưng những cuộc tòng quân vẫn cứ tiếp tục, những người thân yêu vẫn buộc phải xa nhau. Chia ly để nối liền đất nước, chia ly để mang hạnh phúc trở lại, thì những cuộc chia ly ấy cũng xứng đáng chứ sao? Ngày nay, sống trong thời bình, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ từ ký ức dội về, nhưng sẽ mãi không quên quá khứ đau thương, hào hùng ấy. Tiếp nối các thế hệ cha anh đi trước, thế hệ trẻ ngày nay sẵn sàng học tập, rèn luyện để bảo vệ thành quả đã phải đánh đổi không chỉ bằng những cuộc chia ly mà còn bằng cả máu xương. Hằng năm, những cuộc tuyển quân cho nghĩa vụ quân sự vẫn diễn ra đều đặn trong sự hồ hởi, quyết tâm của biết bao người. Hàng nghìn thanh niên hào hứng lên đường mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu đất nước để rèn luyện ý chí, sức vóc cống hiến cho Tổ quốc. Hàng nghìn học sinh, sinh viên vẫn rời xa mái trường, xa vòng tay của gia đình để đến với nền văn minh ngoại quốc mang theo hoài bão, ra đi để trở về xây dựng quê hương.