Phần 1: Đọc hiểu văn bản
Trước khi các em mở phong bì thư để xem điểm số của mình, chúng tôi muốn các em dành chút thời gian đọc những dòng ngắn ngủi dưới đây.
Bên trong phong bì là điểm số. Đó là con số mà các em đã trông đợi bấy lâu nay. Tuy nhiên, nó cũng có thể là con số mà các em không hy vọng mình đạt được. Nếu thật điều đó xảy ra, thì việc các em cảm thấy thất vọng là hoàn toàn tự nhiên. Các thầy, các cô sẽ thấy tiếc vì điều đó, và cũng cảm thấy thất vọng thay “cho các em”. Nhưng các em hãy lưu ý rằng, chúng tôi hoàn toàn không thất vọng về các em.
Có một điều đáng tiếc là trong cuộc sống, mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách mà chúng ta mong muốn. Và rồi khi có chuyện xảy đến, chúng ta sẽ mất ít nhiều thời gian để sắp xếp lại cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mình.
Các thầy cô đều hiểu rõ từng người trong các em đã học tập rất chăm chỉ và có thái độ tốt. Không một điểm số nào có thể tước bỏ điều đó khỏi các em. Thực sự là chúng tôi tin rằng thái độ và nhân cách con người các em còn quan trọng hơn rất nhiều bất kỳ một điểm số nào. Hai điều đó sẽ đi theo các em tới bất kỳ ngôi trường nào có đủ may mắn được nhận các em vào học trong tháng chín sắp tới. Việc này thực sự vô cùng quan trọng.
Các em là những cá thể chỉ có một ở trên đời và chúng tôi rất tự hào về các em. Hãy khiến chúng tôi tiếp tục được cảm thấy tự hào dù sắp tới các em có theo học ngôi trường nào đi chăng nữa. Mong các em đừng dễ dàng bỏ cuộc khi mọi việc trở nên khó khăn. Hãy lớn lên và trở thành những con người trưởng thành tốt bụng, biết quan tâm, hào phóng và đáng yêu – những người sẽ tạo nên những sự khác biệt tích cực trong thế giới này nhờ chính cách các em sống cuộc sống của mình.
Một lần nữa, các em hãy nhớ đây chỉ là điểm số của một kỳ thi mà thôi. Nó không thể nào đo đếm được sự tuyệt vời của các em. Dù bất kỳ điều gì xảy ra trong vòng vài phút tới, ngày hôm nay các em cũng phải tự biết chúc mừng chính bản thân mình.
Gửi tới các em với rất nhiều tính yêu.
(Lá thư gửi kèm danh sách kết quả học tập của trường tiểu học Harmony Hill ở Lisburn, Bắc Ireland)
Câu 1: xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt của văn bản
Câu 2: Thông qua lá thư, nhà trường định hướng phụ huynh và học sinh có thái độ như thế nào trước điểm số và kết quả học tập?
Câu 3: Tại sao nhà trường lại chia sẻ rằng: “đây chỉ là điểm số của một kỳ thi mà thôi. Nó không thể nào đo đếm được sự tuyệt vời của các em”?
Câu 4: Điều nhà trường muốn thế hệ trẻ tương lai thực sự cần rèn luyện và hướng tới là gì? Ý nghĩa của những điều đó?
Bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ vai trò của điểm số
Phần 2: Nghị luận xã hội
Với anh/chị, điểm số có thực sự quan trọng? Ý kiến của anh/chị về điều này. (Trình bày trong khoảng 200 chữ).
Bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ vai trò của điểm số
Không ai phủ nhận được vai trò của điểm số trong việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đó là cách thức được áp dụng trên toàn thế giới trong tất cả các cấp học. Cũng giống như muốn đo được giá trị của hàng hóa thì phải sử dụng đến tiền bạc. Từ điểm số người ta chia ra cá cấp độ giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Học sinh nắm được vị trí, năng lực của mình ở đâu để phấn đấu, cha mẹ nắm được tình hình học tập trên lớp của con em, thầy cô đánh giá đúng thực chất khả năng của học sinh, nhà tuyển dụng có thể từ đó mà biết cách sử dụng nhân sự sao cho phù hợp. Thậm chí với nhiều người, điểm số còn quyết định sự thành bại của một con người trong những bước ngoặt quan trọng. Dù chỉ hơn nhau 0.25 điểm thì đã có người đỗ đại học, có người trượt. Vì điểm thi quan trọng như vậy nên mỗi học sinh càng cố gắng, nỗ lực để đạt được nó, tạo ra sự ganh đua quyết liệt, sôi nổi trong học tập. Điểm số vô tình tạo ra sự áp lực rất lớn đối với mỗi học sinh, buộc học sinh phải quyết tâm học tập bằng mọi giá, thậm chí là gian lận trong thi cử. Cha mẹ so sánh điểm số của con mình với con người ta khiến bản thân học sinh tự ti không dám thể hiện. Thầy cô đánh giá học sinh theo một tiêu chuẩn chung nhưng mỗi học sinh lại giỏi theo một cách khác nhau. Albert Einstein từng nói rằng: “Mọi người đều là thiên tài”. Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng nó là kẻ kém cỏi. Điểm số thực sự không phải tất cả nhưng không có nghĩa bạn không cần phải học gì cả. Học không chỉ là tiếp thu kiến thức mà quan trọng hơn là rèn luyện kỹ năng, phẩm chất. Học không chỉ để biết mà còn để làm, để cùng chung sống, để khẳng định mình. Vì vậy, hãy học những điều thiết thực và phải biết vận dụng được vào thực tiễn cuộc sống. Bản thân cha mẹ, thay vì hàng ngày hỏi con những câu hỏi như “hôm nay được mấy điểm”, hãy hỏi xem hôm nay con làm được gì, ở trường có gì vui không? Các cơ sở giáo dục cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá, thi cử không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn kiểm tra cả năng lực phẩm chất, hãy coi trọng một sản phẩm ứng dụng học sinh tạo ra hơn là con số trên giấy. Đơn vị tuyển dụng phải luôn đề cao kĩ năng kinh nghiệm lên trên bất cứ loại bằng cấp điểm số nào. Có vậy, chúng ta mới giải quyết được bài toán khó này.