Đề bài: Suy nghĩ của anh/chị trước câu hỏi: “Học để làm gì ? ”. Hãy viết một bài văn khoảng 600 từ trả lời cho câu hỏi trên.
Hướng dẫn:
Giải thích câu nói:
Học: là quá trình tiếp thu những kiến thức ở trường, ở cuộc sống. Nhờ đó, ta được nâng cao hiểu biết, vốn sống, kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
“Học để làm gì?”: Là câu hỏi đầu tiên cần đặt ra khi ta bắt đầu quá trình học tập. Nó giúp chúng ta có định hướng rõ ràng về mục đích học tập để từ đó xác định nội dung học, phương pháp học phù hợp, hiệu quả.
Bàn luận:
Các mục tiêu của việc học:
Học để biết:
+ Học để biết là mục đích đầu tiên của việc học. Biết là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về tự nhiên, xã hội, con người. Con người từ chưa biết đến biết.Từ biết ít đến biết nhiều, từ biết sơ sài đến biết sâu sắc, từ chỗ biết một lĩnh vực mà có hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau…
+ Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, đa dạng về mọi lĩnh vực của cuộc sống, xã hội; tự làm giàu kho tri thức của mình trong các lĩnh vực tạo được vốn sống sâu sắc.
+ Điều có ý nghĩa quan trọng hơn là qua những kiến thức đó, con người có khả năng hiểu biết bản chất về con người và tự nhận thức về bản thân. Nói cách khác, nhờ học con người có thể “biết người”-“biết mình”.
Học để làm:
+ Học để làm là mục đích tiếp theo của việc học. Làm là vận dụng kiến thức, hiểu biết có được vào thực tế cuộc sống. Đây là nội dung thể hiện mục đích thiết thực nhất của việc học: “Học đi đôi với hành”.
+ Làm trước hết để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần cụ thể phục vụ nhu cầu sống của bản thân và góp phần tạo ra của cải cho xã hội.
+ Học mà không làm thì kiến thức có được không tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần mới cho bản thân và cho xã hội.
Học để chung sống:
+ Học để chung sống là một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. Chung sống là khả năng hòa nhập xã hội, kỹ năng giao tiếp, ứng xử.. để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ xã hội phức tạp của con người trong quá trình sống. Đây là hệ quả tất yếu của việc biết, làm.
+ Bởi lẽ “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách con người được hình thành, khẳng định, thử thách trong cuộc sống.
Học để tự khẳng định mình:
+ Học để tự khẳng định mình là mục đích sau cùng của việc học. Tự khẳng định mình là tạo lập được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.
+ Từ việc học, mỗi người sẽ có thể khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất…
Bài học nhận thức và hành động:
Việc học tập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần xác định vai trò của việc học tập một cách rõ ràng, cần xác định mình học những gì (nội dung thiết thực) và phải học như thế nào (lựa chọn phương pháp, cách thức học phù hợp, hiệu quả). Học là nhiệm vụ suốt đời.
*Mở rộng:
+ Học vấn do người siêng năng đạt được, tài sản do người tinh tế sở hữu, quyền lợi do người dũng cảm nắm giữ, thiên đường do người lương thiện xây dựng. FRANKLIN (MỸ)
Học tập vì ngày mai lập nghiệp.
Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.
Phê phán những cá nhân ỷ lại, lười học, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập.
Liên hệ bản thân.