Đề bài: Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết cảm nhận và chấp nhận chứ không đến với những kẻ truy lùng hạnh phúc (khuyết danh).
Trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Bài văn mẫu Nghị luận xã hội: Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết cảm nhận và chấn nhận chứ không đến với những kẻ truy lùng hạnh phúc
Ai đó đã từng nói: Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có áo quần để mặc, có một mái nhà để che, và một nơi để nghỉ qua đêm thì bạn đã giàu hơn 75% thế giới… Nếu bạn thức dậy vào buổi sáng và thấy mình khỏe hơn hôm qua thì bạn đã may mắn hơn một triệu người không sống qua nổi tuần này… Được sinh ra lành lặn trên cuộc đời này đã là niềm may mắn mà tạo hóa ban tặng cho ta, vậy ta còn phải đi đâu mà tìm kiếm địa chỉ Thần hạnh phúc? Nó ở ngay trước mắt ta đó thôi, hạnh phúc chỉ đến với những ai biết cảm nhận và chấp nhận chứ không đến với những ke truy lùng hạnh phúc.
Hạnh phúc là gì mà khắp thế gian ai cũng mải miết kiếm tìm? Hạnh phúc là cảm giác vui sướng, mãn nguyện khi ta đạt được những mong ước tốt đẹp, lành mạnh của chính mình. Ta chỉ có thể đạt được hạnh phúc khi ta biết cảm nhận mà thôi, nghĩa là phải biết lắng nghe, đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống. Điều này đòi hỏi ta phải có một trái tim thật tinh tế và nhạy cảm. Còn chấp nhận là thái độ thỏa mãn, nâng niu, trân trọng và vui vẻ với những gì mình đang có. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được niềm vui bởi hạnh phúc thì không đến với những ke truy lùng chúng khắp nơi. Đó là những kẻ khao khát có được hạnh phúc đến điên đảo, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe để đạt được tham vọng.
Câu nói trên thực sự đã chỉ ra cho chúng ta một phương thức, một con đường tìm đến với niềm vui trong cuộc sống: hạnh phúc luôn luôn tồn tại và chờ đợi những ai biết trân trọng giá trị mình đang có, tham vọng quá đáng không bao giờ mang lại hạnh phúc thực sự. Câu nói trên có lẽ chính là kim chỉ nam cho những ai đang loay hoay trên con đường kiếm tìm hạnh phúc và có giá trị thức tỉnh những ai đang than thân trách phận. Thượng đế ban tặng hạnh phúc trước hết là cho những ai biết cảm nhận. Vì họ chính là người có trái tim nhạy cảm, biết lắng nghe, yêu thương, chia sẻ và biết đón nhận vẻ đẹp của cuộc đời. Nhờ đó mà tâm hồn họ luôn luôn rộng mở, nhẹ nhàng, thanh thản, thỏa mãn và vô cùng phong phú. Đó chẳng phải là hạnh phúc hay sao?
Đối tượng thứ hai mà luôn luôn cảm thấy vui vẻ, mãn nguyện chính là những ai biết chấp nhận. Nếu những người biết cảm nhận là những người có trái tim thì những ai biết chấp nhận là những người có một khối óc, một trí tuệ mẫn tiệp, nhìn sâu và xa hơn người khác. Không phải ai cũng nhận ra được giá trị của những gì mình đang có và không phải ai cũng hiểu được thế nào là cuộc sống đích thực, cuộc sống thì phải có cả chông gai lẫn đỉnh vinh quang, cả những gam màu xám bên cạnh những vì sao lấp lánh. Nếu không có những vực thẳm chông gai sao người ta biết được đỉnh vinh quang cao vời vợi, phấp phới tâm hồn, nếu không có màn đêm đen tối sao biết được ánh sáng lấp lánh của vì sao; bởi ở đời có ai nhìn thấy những vì tinh tú long lanh dưới ánh sáng ban ngày rực rỡ đâu? Chỉ có những người biết chấp nhận, có khối óc mới có thể nhận ra giá trị mình đang có, bao gồm cả giá trị của những bất hạnh, khó khăn hay thất bại.
Chỉ có những người như vậy mới có khả năng thấu hiểu được quy luật bất biến của cuộc sống là tạo hóa luôn công bằng, không cho ai tất cả hạnh phúc mà cũng không lấy đi của ai tất cả mọi thứ. Vì vậy, ai cũng phải trải qua những điều mà người ta gọi là bất hạnh, khó khăn. Nhưng người có trí tuệ thì biết dùng những điểm mạnh của mình để bù đắp đi những thiếu sót, khó khăn đó của bản thân mà vươn tới thành công, hạnh phúc trong cuộc sống. Phải biết chấp nhận, phải có trí tuệ mới đủ khả năng nhận ra khó khăn vừa là chân thắng, vừa là chân ga, mới biết vui vẻ, thỏa mãn dẫu ngôi nhà của ta không lộng lẫy, sang trọng nhưng cũng đủ để thành chốn về bình yên sau môi chuyến đi xa, dẫu ta không may khuyết tật về thể xác nhưng lại được Thượng đế yêu thương cho ta một trái tim nhạy cảm, biết san sẻ yêu thương. Vui vẻ, thỏa mãn- đó chẳng phải là cảm giác hạnh phúc mà ta khao khát kiếm tìm hay sao?
Từ việc nhận ra được giá trị của những gì mình đang có, nếu biết chấp nhận, nếu có một khối óc biết nghĩ, cả bạn và tôi se đều thấy mình may mắn hơn người khác. Chúng ta có lẽ se thôi than phiền khi bố mẹ quá quan tâm, bao bọc, bởi ngoài kia còn biết bao người khao khát tới cháy lòng được một lần thôi nghe tiếng mẹ la rầy, trách móc. Cả bạn và tôi đều se cảm thấy mình thật may mắn làm sao, bởi khi tôi đang viết những dòng này, cuộc đời còn nhiều lắm những em nhỏ đang khao khát được khoác ba lô trên vai đến trường đi học, và biết đâu ở một nơi xa xôi nào đó, có một cậu bé với đôi bàn chân bại liệt khô gầy đang run run cố mà quặp cho được cây bút. Và biết đâu, cũng có một cô bé với mái tóc mây, bàn tay em đang run rẩy lần mò từng con chữ trên bảng chữ nổi, mà chẳng thể đọc chúng một cách dễ dàng như bạn đang đọc những gì mà tôi viết lúc này. Hạnh phúc luôn thường trực và chờ đợi tất cả chúng ta trong cuộc đời này, nó ẩn trong đôi dép lành lặn của tôi, trong đôi mắt sáng tỏ của bạn, trong chiếc xe đạp mà hằng ngày bạn được ngồi trên đó tới trường. Vậy nên biết chấp nhận, tôi thấy mình may mắn hơn người khác và chúng ta thấy mình đã tìm được hạnh phúc lớn lao nhưng rất đôi bình dị.
Có những tấm gương đáng để chúng ta noi theo giống như chú lính chì Nguyễn Thiện Nhân, em bị mẹ ruột vứt bỏ từ nhỏ, thậm chí còn bị thú rừng ăn mất chân phải nhưng em luôn thấy mình may mắn, hạnh phúc vì bên em còn có sự cưu mang, che chở của người mẹ Mai Anh. Chính cách mà em cảm nhận và chấp nhận cuộc sống đã trở thành nguồn cảm hứng để đạo diễn Đặng Hồng Giang làm nên bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân đầy xúc động. Hẳn chúng ta đã không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Ngọc Kí – người thầy phải dùng chân để viết chữ nhưng chưa một lần coi mình là kẻ bất hạnh hay chán nản, nhụt chí. Hay cái tên Nick Vujicic, một kẻ sinh ra đã không chân không tay nhưng liệu anh có gục ngã? Không, ngược lại anh còn trở thành một trong những diễn giả nổi tiếng thế giới và đi truyền cảm hứng, nghị lực sống cho bao bạn trẻ.
Không chỉ nhận ra giá trị mình đang có, không chỉ thấy mình may mắn hơn nhiều mảnh đời khác, mà nếu có một khối óc biết chấp nhận, cả bạn và tôi đều se ý thức được rằng một cuộc sống đúng nghĩa là cống hiến đi đôi với hưởng thụ chính đáng. Vì thế mà se chẳng bao giờ ta mệt mỏi hay kiệt quệ sức lực vì chỉ biết lao đầu vào guồng quay xô bồ, bất tận của cuộc sống. Lao động để tạo ra của cải, để cho bản thân một cuộc sống đầy đủ về vật chất rồi, ta còn biết dành thời gian để chăm sóc sức khỏe, tự thưởng cho bản thân, nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho phong phú, tươi xanh bằng các hoạt động như: tập thể thao, đọc sách, tự đi chợ rồi nấu một món ăn mình thích… Vậy là dồi dào, viên mãn cả về sức khỏe, vật chất lẫn tinh thần.
Còn với những ke truy lùng hạnh phúc khắp nơi, hạnh phúc se luôn luôn trốn chạy. Trên thực tế, những kẻ truy lùng hạnh phúc khắp nơi không hề có khái niệm đúng về hạnh phúc, thứ mà họ có, chỉ có hai từ tham vọng: là giàu sang, là vật chất hay thứ gì đó lớn lao lắm. Đã không hiểu thế nào là hạnh phúc, thì có khi nào họ đã may mắn, ở trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn kẻ khác mà nhận ra đó là hạnh phúc và rồi hài lòng, mãn nguyện đâu? Hơn nữa, đã là một kẻ đầy tham vọng, thì không dễ gì hài lòng với những gì mình đạt được. Thứ mà họ nhận được chỉ là nôi đau khổ, hậm hực vì không thỏa mãn; họ quá bận bịu, quay cuồng để nghĩ xem làm cách nào đạt được tham vọng, thậm chí là dùng mọi thủ đoạn sai trái. Vậy thì còn thời gian nào dành cho những khoảnh khắc lắng lòng mình lại mà cảm nhận, mà hưởng thụ chính đáng? Và liệu, đó có phải là hạnh phúc mà họ đang ráo riết truy lùng?
Tuy nhiên, cảm nhận và chấp nhận không có nghĩa là ta cho phép mình tự mãn, thỏa hiệp, mặc cho số phận an bài. Cảm nhận và chấp nhận thôi chưa đủ, chúng ta còn phải hành động, cố gắng, nô lực không ngừng thì mới có được hạnh phúc đích thực bởi trên đời này, không có thành quả nào tự nhiên mà có cả. Qua câu nói trên, ta thấy mình cần nhận thức sâu sắc về cách để dựng xây hạnh phúc cho chính mình, hạnh phúc là những gì đơn giản, gần gũi nhất quanh ta, hãy mở lòng và đón nhận cuộc sống này. Đồng thời, ta cũng không quên hành động, nô lực không ngừng để hạnh phúc với ta càng thêm ý nghĩa. Hãy đặt ra các dự định cụ thể, liên tục nâng các mục tiêu của mình lên để cầu tiến chứ không cầu toàn, khát vọng chứ không tham vọng.
Tôi không đồng ý để ai đó chặt đứt một ngón tay của tôi rồi cho tôi mười ngàn đô, tôi không đồng ý để ai đó biến tôi thành bà lão tám mươi tuổi với một trăm ngàn đô, cũng không đồng ý để ai đó giết tôi rồi cho mình hơn một một tỉ đô-bây giờ tôi là người giàu có với hơn một tỉ đô (Lấy đại ý từ Người giàu có nhất). Tôi là người hạnh phúc và chúc cho các bạn của tôi cũng vậy!