Đề bài: Cảm nhận của em về tình mẫu tử qua hình tượng con cò trong bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên.
Dàn bài chi tiết
Mở bài
+ Giới thiệu nhà thơ Chế Lan Viên và bài thơ Con cò. + Dẫn dắt về thành công của bài thơ: thể hiện tinh tế tình mẫu tử qua hình tượng con cò.
Thân bài
Bước 1. Tổng
+ Tình mẫu tử: là tình cảm ruột thịt, thiêng liêng, sâu nặng giữa mẹ và con. Đây là tình cảm có ý nghĩa phổ quát nhân loại và là đề tài lớn trong nhiều bộ môn nghệ thuật, trong đó có văn học.
+ Giới thiệu ngắn gọn về hình tượng con cò trong thơ ca và trong đời sống xưa nay của người Việt.
+ Khái quát vai trò, ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật con cò trong bài thơ.
Bước 2. Phân
– Tình mẫu tử thể hiện qua hình tượng con cò:
+ Con cò gợi những bài hát ru con mỗi ngày của mẹ.
+ Con cò là người bạn thân thiết, gắn bó với con từ thuở thơ ấu đến tương lai.
+ Cò đồng hành cùng bước chân khám phá thế giới và sự sáng tạo của con.
+ Cò chứa đựng bóng dáng cuộc đời của mẹ và quê hương.
– Con cò là hình tượng đa nghĩa và biểu tượng cho tình mẫu tử sâu nặng.
– Tại sao Chế Lan Viên sử dụng hình tượng con cò để diễn tả tình mẹ?
+ Con cò là hình tượng gần gũi với đời sống hàng ngày của mẹ và thường xuất hiện trong lời hát ru con.
+ Con cò thường gợi thân phận người lao động nhiều nhọc nhằn nhưng luôn giữ gìn nhân cách cao đẹp, trong bóng dáng con cò có bóng dáng của mẹ và đồng bào quê hương. + Con cò là con vật hiền lành và thường gắn với tuổi thơ.
Bước 3. Hợp
+ Nêu và chỉ ra tác dụng của nghệ thuật xây dựng hình tượng con cò và những biện pháp tu từ đặc sắc trong bài thơ giúp thể hiện tình mẹ.
+ Liên hệ, so sánh với các bài thơ hoặc tác phẩm văn xuôi khác cũng viết về tình mẫu tử; liên hệ với tình mẫu tử trong đời sống hiện nay.
+ Mở rộng, nâng tầm: Trong hình tượng con cò không chỉ có tình mẫu tử mà còn chứa đựng tình yêu quê hương xứ sở, niềm tin tưởng vào tương lai và mong mỏi về cuộc sống thanh bình, tươi đẹp ở người mẹ.
Kết bài
– Khẳng định vẻ đẹp và ý nghĩa cao cả của tình mẫu tử mẹ dành cho con. – Đánh giá cao hình tượng nghệ thuật con cò trong việc thể hiện thông điệp sâu sắc của nhà thơ. – Liên hệ với bản thân và đưa ra những gợi mở mới từ vấn đề.
Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về tình mẫu tử qua hình tượng con cò trong bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên
Giản dị nhưng sâu nặng, mộc mạc nhưng vĩnh hằng, đó là tình mẫu tử thiêng liêng. Có ai ở trên đời lại không thấy biết ơn vô ngần và rưng rưng xúc động mỗi khi nghĩ đến tình mẹ. Tình cảm cao quý ấy đã trở thành nguồn cảm hứng vô bờ trong những câu hát, những bức tranh, những thước phim, những bài văn, bài thơ… với cách thể hiện riêng của mỗi người nghệ sĩ. Đến với bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, chúng ta sẽ được cảm nhận tình mẫu tử qua một hình tượng thật gần gũi, hình tượng con cò.
Bài thơ Con cò ra đời năm 1962, giữa những ngày tháng còn đói khổ và gian truân của cả dân tộc Việt Nam. Bài thơ in trong tập Hoa ngày thường, chim báo bão (1967). Bài thơ xúc động và đẹp như một đóa sen hồng dâng lên người mẹ. Trong bài thơ viết theo thể tự do của một nhà thơ hiện đại, tình mẫu tử được diễn tả thật bình dị và thấm thía qua hình tượng con cò, một hình tượng quen thuộc và truyền thống đối với người Việt. Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống ở thành phố có thể không biết đến con cò nhưng nó đã quá quen thuộc với những người nông dân Việt Nam. Cánh cò bay lả bay la trên những cánh đồng ca dao, dân ca suốt nhiều đời. Hình tượng này song hành cùng hình tượng em bé và xuyên suốt bài thơ. Trước hết, hình tượng con cò gắn liền với những bài hát ru ngọt ngào như dòng sữa của mẹ dành cho con:
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng.”
Những câu thơ giàu sức gợi đem lại cho ta hình dung đẹp đến nao lòng về những trưa hè êm ả, những chiều thu êm đềm, người mẹ hiền ngồi ru con thơ chìm vào giấc ngủ. Ru con, một hoạt động của cuộc sống thường ngày, đơn sơ nhưng ấp ủ biết bao yêu thương, chăm chút và nâng niu của mẹ dành cho con. Lời ru của mẹ ngân nga về quê hương, vẽ nên những cánh đồng và gợi hình ảnh con cò thật gần gũi. Cánh cò đã trở thành một phần trong kí ức cuộc đời của mẹ và giờ đây, lại đi vào cuộc đời con bằng những giai điệu của tình yêu thương êm dịu. Mẹ ru con bằng những câu ca dao, trong đó chất chứa cả bóng dáng thân phận những người nông dân dãi dầm mưa nắng, những lo âu về sự bất trắc và lam lũ của cuộc đời nhọc nhằn: “cò ăn đêm”, “cò xa tổ”, “cành mềm”, “sợ xáo măng”. “Cành mềm” là hình ảnh giàu sức gợi về những rủi ro, gian khó. Cùng với lời ru là sự vỗ về ấm áp của mẹ: “Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!”. Trong lời ru của mẹ, chú cò hiện lên như người bạn tốt gắn bó và đồng hành cùng con. Sự gắn bó ấy diễn ra tự nhiên từ “làm quen”, “đứng ở quanh nôi” đến “vào trong tổ” và “cùng ngủ”, “cùng đắp chung đôi” với em nhỏ. Hình ảnh ngộ nghĩnh và thanh bình gợi ra những tháng ngày ấu thơ trong sáng và thuần khiết vô cùng. Đôi bàn tay của mẹ bế bồng cả một thế giới tuổi thơ của đứa con bé bỏng. Chú cò tiếp tục sải cánh theo những giấc mơ bay bổng, những hình dung của mẹ về tương lai của con:
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn
Chú cò, người bạn thân thiết, lại đồng hành trên con đường đi học và trong cả hành trình thi sĩ của con. Tại sao mẹ lại hình dung con sẽ trở thành thi sĩ trong tương lai, phải chăng đó là con đường nhọc nhằn nhưng đầy sáng tạo và mang ý nghĩa tốt đẹp khi nâng niu vẻ đẹp tâm hồn con người? Chú cò trắng “lại bay hoài không nghỉ” cần mẫn và sát cánh với tất cả những gì mà con sẽ trải qua. Đến khổ cuối, tình mẫu tử sắt son bền chặt một lần nữa lại được cụ thể hóa bằng sự gắn bó của chú cò thân thương với cuộc đời người con.
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con.
Biện pháp điệp cấu trúc cú pháp cùng kết cấu câu khẳng định “Dù ở gần”, “Dù ở xa” hay “Cò sẽ tìm con”, “Cò mãi yêu con”… khiến những câu thơ ngắn nhưng đầy sức nặng của lời hứa, lời thề nguyện của tình mẹ dành cho con. Lời người mẹ thốt lên như chân lí trên đời và thay cho tiếng lòng của tất cả những bà mẹ trên thế gian:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
Quy luật đúng với muôn đời, muôn người, muôn nơi, đó là lòng mẹ chẳng bao giờ thôi dào dạt tình thương con. Trong những câu thơ cuối cùng, hình ảnh chú cò bay bổng với nhiều ý nghĩa rộng mở và cao xa. Cánh cò hiện lên “cũng là cuộc đời” nhiều lam lũ mà vẫn trắng ngần về phẩm chất, cánh cò “vỗ cánh qua nôi” cũng là cả thế gian cùng cất lên lời ca quanh chiếc nôi con nằm. Dẫu cho ngoài kia, bom đạn vẫn đang rơi, mồ hôi rỏ xuống những cánh đồng, cả dân tộc đang vươn mình khỏi vũng bùn tăm tối, em thơ vẫn say giấc nồng trong vòng tay của mẹ và trong niềm hi vọng tràn đầy của đất nước.
Con cò là hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ và giàu ý nghĩa biểu tượng. Người ta có thể cảm nhận trong hình tượng ấy bóng dáng quê hương quen thuộc, bóng dáng người nông dân lam lũ và bóng dáng cuộc đời mẹ hiền. Cả bài thơ, “con cò” không trực tiếp nói một lời thoại nào nhưng thực ra đã nói rất nhiều bằng biểu cảm khiêm nhường, hồn hậu và hành động cần mẫn, gắn bó và yêu thương của mình dành cho em thơ. Sự gắn bó của cò cũng là tấm lòng của mẹ, là sự song hành của quê hương xứ sở nâng đỡ đời con. Con cò không chỉ quan trọng với con mà còn rất có ý nghĩa với cuộc đời của mẹ. Bài thơ Con cò cũng là bài hát ru của mẹ với tình yêu thương sâu nặng và những hình dung bay bổng về hành trình cuộc đời con từ khi còn thơ ấu tới khi trưởng thành. Tình cảm thiêng liêng ấy được gửi gắm trong hình tượng cánh cò vừa truyền thống, vừa sáng tạo. Qua hình tượng này, tình mẫu tử hiện lên thật mộc mạc, giản dị nhưng thấm thía và bền chặt. Điều đó cũng lí giải tại sao hình tượng này lại được Chế Lan Viên lựa chọn làm nhan đề cho tác phẩm.