Nêu những nét chính trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu
Đề bài: Nêu những nét chính trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu
Hướng dẫn làm bài
Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng,một nhà thơ chiến sĩ. Ông làm thơ trước hết là phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho lí tưởng của Đảng. Thơ ông đã kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỉ XX, nhưng đã có sự “cách tân”. Vì vậy, thơ Tố Hữu có một phong cách đa dạng và khá hấp dẫn.
Những nét chính về phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu (Nhà thơ Tố Hữu)
1.Phong cách nghệ thuật Thơ Tố Hữu nổi bật nhất là thơ trữ tình chính trị
THơ Tố Hữu bieur hiện lẽ sống lớn,tình cảm lớn,niềm vui lớn của con người cách mạng và cuộc sống cách mạng.Thơ Tố Hữu thường khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước,từ hoạt động cách mạng và tình cảm của bản thân tác giả.
Những vấn đề chính trị quan trọng như lòng yêu nước, lí tưởng cộng sản, tình cảm đồng bào, đồng chí, tình yêu nhân dân, đất nước… đã trở thành nguồn cảm hứng chân thành sâu xa và trở thành lẽ sống, niềm tin. Với Tố Hữu, những vấn đề chính trị đã trở thành cái riêng tư và được ông diễn đạt bằng ngôn ngữ tâm tình, ngôn ngữ của tình yêu, tình bè bạn, mẹ con một cách tự nhiên không bị gượng ép.
– Thơ Tố Hữu ít quan tâm đến mặt đời tư mà thường quan tâm và thể hiện những vấn đề như lẽ sống lớn, tình cảm lớn của cách mạng: lẽ sống cộng sản, lẽ sống dân tộc, niềm say mê lí tưởng, niềm vui chiến thắng, ân nghĩa cách mạng, lòng kính yêu Đảng, lãnh tụ, tình cảm quốc tế…
Vì vậy, đối với Tố Hữu, thơ trước hết phải là phương tiện đắc lực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho những nhiệm vụ chính trị được hình thành trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Với ông, thơ chính trị đã trở thành thơ trữ tình sâu sắc.
2. Thơ Tố Hữu giai đoạn sau (từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến lúc thống nhất đất nước) mang nặng khuynh hướng sử thi
Cái tôi trữ tình trong thơ Tố hữu Buổi đầu là cái tôi-chiến sĩ,rồi đến cái tôi-công dân,càng về sau là cái tôi nhân danh dân tộc,cách mạng.
Cảm hứng thơ Tố Hữu là cảm hứng sử thi-dân tộc chứ chứ không phải cảm hứng thế sự đời tư. Nổi bật trong thơ Tố Hữu là vấn đề vận mệnh dân tộc chứ không phải vấn đề số phận cá nhân, nói đúng hơn là số phận cá nhân hòa vào số phận dân tộc, cộng đồng.
– Thơ ông chủ yếu đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân (cái “tôi” công dân, về sau là cái “tôi” dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là những con người đại diện cho phẩm chất dân tộc, thâm chí mang tầm vóc lịch sử, thời đại như anh giải phóng quân, anh Trỗi, chị Trần Thị Lý…).
3. Thơ Tố Hữu tràn đầy cảm hứng lãng mạn, luôn luôn hướng người đọc tới một chân trời tươi sáng và tương lai xã hội chủ nghĩa
Thể hiện cuộc sống bằng cảm quan ấy, thế giới hình tượng trong thơ Tố Hữu là thế giới của sự cao cả, lí tưởng, của ánh sáng, gió lộng, niềm tin.
4. Thơ Tố Hữu có giọng tâm tình, ngọt ngào, tha thiết, giọng của tình thương mến
Nhiều vấn đề chính trị, cách mạng đã được thể hiện như những vấn đề của tình cảm muôn đời (biểu hiện rõ nhất là qua cách xưng hô, trò chuyện, tâm sự với đối tượng…). Giọng tâm tình, tiếng nói tình thương này có liên quan đến chất Huế của hồn thơ Tố Hữu, nhưng chủ yếu là do quan hệ giữa nhà thơ và bạn đọc; do quan niệm của Tố Hữu về thơ.
5.Không thể thiếu trong phong cách nghệ thuật Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc không chỉ trong nội dung mà còn cả trong nghệ thuật
Các thể thơ truyền thống và thi liệu quen thuộc được sử dụng nhuần nhuyễn, ngôn ngữ giản dị, vần điệu phong phú, nhạc tính dồi dào.
a. Thể thơ lục bát kết hợp với giọng cổ điển và dân gian thể hiện những nội dung cách mạng, làm phong phú cho thể thơ lục bát; thể thơ thất ngôn vừa trang trọng, cổ điển vừa biến hóa, linh hoạt, diễn tả được nhiều trạng thái cảm xúc.
b. Tố Hữu sử dụng từ ngữ lời nói quen thuộc với dân tộc, thậm chí cả những ước lệ, những so sánh ví von truyền thống nhưng dùng để biểu hiện nội dung mới của thời đại.
c. Về nhạc điệu thơ: Thơ Tố Hữu rất giàu nhạc điệu. Ông có biệt tài trong việc sử dụng các từ láy, dùng các vần phối hợp với thanh điệu… kết hợp với nhịp thơ, tạo thành các nhạc điệu phong phú cho các câu thơ, diễn tả được cảm xúc của dân tộc, tâm hồn dân tộc.
d. Tính dân tộc còn được biểu hiện ở thế giới hình tượng mang đậm đà bản sắc quê hương, con người rất đỗi Việt Nam.
Kết luận:
Đúng như Xuân Diệu đã khẳng định “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”, vì vậy, Tố Hữu xứng đáng là thi sĩ của nhân dân, là “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam”.