Đề bài: Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng hành động nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói A Phủ (trích “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài) và nêu đánh giá của em về hành động ấy.
Bài làm
Trong một tác phẩm văn xuôi tự sự, tình huống có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính ở đây, tính cách và bản chất của các nhân vật được bộc lộ đầy đủ hơn bao giờ hết. Bởi vậy, xây dựng tình huống trở thành nhiệm vụ tất yếu của nhà văn, trở thành nơi thử thách của một ngòi bút. Ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, khi xây dựng hình tượng nhân vật Mị, Tô Hoài thường đặt nhân vật vào tình huống thử thách éo le để khám phá vẻ đẹp sức sống của người phụ nữ lao động Tây Bắc. Trong đó tình huống Mị chứng kiến cảnh A Phủ bị trói dẫn đến hành động giải thoát táo bạo chính là tình huống tiêu biểu nhất.
Đó là một đêm mùa đông giá lạnh trên miền núi cao. Mị không ngủ được và trở dậy đốt bếp lửa sưởi. Ngọn lửa bập bùng sáng nên cô hé mắt trông thấy A Phủ còn sống. Nhưng lần này Mị vẫn thản nhiên hơ tay thổi lửa. Chuyện A Phủ bị trói nào có lạ lùng đối với Mị và người nhà thống lí, đã mấy đêm nay cô thấy như thế rồi. Chỉ vì mải mê bẫy nhím mà A Phủ để hổ ăn mất một con bò nhà thống lí. Pá Tra độc ác không cho anh mượn súng đi bắt con hổ mà bắt A Phủ trói đứng vào một cây cột. A Phủ bị trói bằng một sợi dây mây rồi bị bỏ đói ngoài trời lạnh. Truyện nhà này đánh người, hành hạ người dã man như thế đâu phải là lần đầu khiến Mị phải nghĩ. Mặt khác, chuyện A Phủ sống chết có liên quan gì đến Mị. Nhưng đến lần thứ hai Mị trở dậy đốt bếp lửa sưởi. Ngọn lửa sáng lên, Mị trông sang chợt thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hõm má đã xám đen lại” của A Phủ Bây giờ Mị bắt đầu chập chờn nghĩ, một chàng trai bản lĩnh ngang tàn như A Phủ đâu có dễ khóc. Đã mấy đêm nay bị hành hạ, bị bỏ đói thế mà anh vẫn mở to đôi mắt trừng trừng căm phẫn. Nhưng đến lúc này, có lẽ A Phủ đã hiểu ra mình sắp đi đến cái chết oan ức rồi, mạng sống của mình sắp phải đánh đổi bằng một con bò của nhà giàu rồi. Rất tự nhiên, Mị nhớ lại chuyện bị trói năm trước, cũng dòng nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không sao lau đi được. Vậy mà nước mắt đã gợi nhớ, dòng nước mắt nơi A Phủ đã đánh thức tình thương yêu, sự đồng cảm của người phụ nữ chịu nhiều cay đắng, bất hạnh. Từ đây Mị đã liên tưởng đến cái chết và đã so sánh cái chết của người ấy. Mị đã trở thành người nhà nó rồi thì chỉ đợi ngày rũ xương ở đây thôi, còn người kia việc gì phải chịu cái chết đau đớn, vô lý đến vậy. Chính từ sự so sánh này Mị mới nảy ra ý định sẽ chết thay cho người ấy. Nghĩ đến cảnh mình lại bị trói đứng vào cái cọc ấy Mị không khỏi cảm thấy sợ. Nhưng một bên là nỗi sợ thường tình, một bên là tình thương sâu sắc. Cuối cùng tình thương đã chiến thắng. Mị đã đi đến một quyết định táo bạo: cắt dây trói giải cứu cho A Phủ. Quyết định này mới trước đó vài ngày, cô chưa dám nghĩ đến. Cho đến khi cắt hết dây trói trên người A Phủ, Mị vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện cùng chạy với A Phủ, nhưng đến lúc đứng lặng trong bóng tối nhìn theo A Phủ vừa chạy vừa lăn xuống dốc thì đột nhiên Mị không muốn chết nữa. A Phủ đang chạy khỏi nhà thống lí, đang rời xa cõi chết để đi về phía tự do thì làm sao mình phải ở lại mà chấp nhận cái chết tủi nhục ở nơi này, tại sao mình không làm được như A Phủ?. Cô chạy theo A Phủ và nói trong cơn gió thốc lạnh buốt “ở đây thì chết mất”. Đây là lời thốt lên tự nhiên từ khát vọng hạnh phúc chính đáng của người phụ nữ. Như vậy giải thoát cho A Phủ đồng thời Mị cũng giải thoát cho chính mình. Trong phút chốc, sợi dây trói của cường quyền, thần quyền bị cắt tung bởi sức sống tiềm tàng của người phụ nữ ấy.
Như vậy, quá trình diễn biến tâm trạng và hành động của Mị diễn ra trong một tình huống thử thách đặc biệt. Ngòi bút Tô Hoài vừa hồi hộp dõi theo diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm mùa đông giá lạnh ấy để diễn tả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những hành động của vẻ bộc phát bất ngờ ấy lại rất hợp lí tự nhiên. Sự hồi sinh của tâm hồn nhân vật được nhà văn miêu tả tinh tế, phù hợp với tính cách của Mị. Trước tiên, đó là sự đồng cảm sâu sắc giữa hai thân phận. Nếu như Mị là con dâu gạt nợ thì A Phủ là người ở trừ nợ. Họ phải đem tự do, tuổi trẻ để trả nợ cho nhà giàu. Nếu như Mị từng bị đứng trói vào cột trong đêm tối, từng có những giọt nước mắt tủi hờn thì A Phủ giờ đây cũng thế. Nhưng sở dĩ Mị có những hành động giải thoát quyết liệt ấy là vì trong con người Mị luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, âm thầm và dai dẳng những khát vọng hạnh phúc, tự do. Sức sống tiềm tàng ấy đã trỗi dậy vào một đêm mùa xuân thì không thế lực nào có thể đè nén nổi. Nó cứ âm thầm tồn tại để rồi bùng lên mạnh mẽ. Không phải bất cứ người phụ nữ nào ở vào hoàn cảnh Mị cũng có được những hành động như cô.
Tô Hoài đã đem đến cho người đọc một hình tượng giàu sức sống của người phụ nữ miền Tây Bắc từ đêm đen nô lệ vươn ra ánh sáng tự do, một cô Mị xinh đẹp tài hoa mà không ít lần định tìm đến cái chết, một cô Mị tưởng như chai lì mê muội đi trong đau khổ mà luôn tiềm tàng sức sống. Thành công của nhân vật này chứng tỏ vốn sống phong phú của Tô Hoài về cuộc sống và con người Tây Bắc, chứng tỏ tình cảm sâu sắc của nhà văn đối với họ. Mặt khác, sức sống của hình tượng nhân vật Mị cũng thể hiện khả năng xâm nhập vào đời sống nội tâm, nắm bắt những biến đổi phức tạp, tinh tế trong tâm hồn con người của nhà văn Tô Hoài.