Hãy phân tích đoạn thơ sau trong bài “Tràng giang” của Huy Cận
“Lớp lớp mây cao đùm núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Bài văn mẫu Phân tích đoạn thơ trong tác phẩm Tràng Giang
Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi xa nhưng trên thi đàn dân tộc vẫn phảng phất dư vị ngọt ngào của phong trào Thơ mới. Nổi bật lên trên nền trời nghệ thuật ấy là hồn thơ Huy Cận với tập thơ “Lửa thiêng” mang nỗi sầu trăm ngả…Đây là tập thơ hay toàn bích, nhuần nhị, đằm thắm hài hòa Đông – Tây, Kim – Cổ mà Tràng Giang là một trong những thi phẩm xuất sắc thể hiện nỗi sầu thiên cổ, nỗi nhớ quê vời vợi. Và nỗi nhớ quê được thể hiện sâu sắc nhất qua đoạn thơ”
“Lớp lớp mây cao đùm núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Theo lời kể của Huy Cận, Tràng Giang được gọi cảm xúc từ một buổi chiều thu năm 1939, khi tác giả đang đứng ở bờ Nam bến Chim. Trước cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước cảm thời đại đã dồn về, thi sĩ thấy cái tôi của mình quá nhỏ bé so với vũ trụ bao la nên đã gửi gắm cả vào ài thơ này.
Nếu như ba khổ thơ trên là nỗi buồn thương cho những con người thì giờ đây bài thơ khép lại trong nỗi nhớ quê hương. Và bức tranh thiên nhiên buồn nhưng đôi khi cũng mang những vẻ đẹp kì vĩ lạ thường:
“Lớp lớp mây cao chìm núi bạc
Chim nghiêng cảnh nhỏ bóng chiều sa”
Hoàng hôn đã buông xuống, phía chân trời xa kia, mây trắng hết lớp này đến lớp khác cứ chất chồng lên thành núi. Đây không phải là những ngọn núi bình thường mà là “Núi bạc”. Nó càng làm cho phong cảnh rộng lớn hơn, trang hoàng hơn so với những cảnh vật buồn tẻ. Với sự quan sát tinh tế của một tâm hồn thơ. Huy Cận đã nhận ra vẻ đẹp của đám mây để rồi sử dụng từ “đùn” thật đắc địa. Huy Cận từng nói đây là từ ông học được trong bản dịch thơ của Đỗ Phủ. “Mặt đất mây đùn cửa đi xa”. Đây là một chữ diễn tả được sức sống nội tại của tạo vật, không biết đâu là giới hạn cuối cùng của tạo vật.
Trên cảnh mấy trời hùng vĩ kia bỗng xuất hiện một cánh chim chiều: “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” Cánh chim là dấu hiệu duy nhất cho sự sống. Nhưng mầm sống nhỏ nhoi ấy lại xuất hiện vào khoảnh khắc “Bóng chiều sa” – Một buổi chiều buồn với ánh mặt trời dần dần tắt lịm và bóng tối đang lên. Nó làm cho niềm hi vọng nhỏ bé, mông lung của nhà thơ chợt lóe lên rồi bỗng vụt tắt. Với hình ảnh cánh chim, chòm mây, một lần nữa chất liệu thơ lại đậm đà màu sắc cổ điển. Bởi thơ ca xưa nay khi viết về cảnh chiều vẫn thường đi về những cánh chim, những chòm mây.
“Chim bay về núi tối rồi”
(Ca dao)
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”
(Chiều hôm nhớ nhà)
Và trong bài thơ “Chiều tối”, Bác Hồ cũng viết:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”
Đây là cánh chim trời trong thơ mới, nó nhỏ nhoi hơn, đơn lẻ, cô đơn hơn, nó xuất hiện trong thơ nhưng là một tương quan hoàn toàn đối lập, mây trắng thì chất chồng lên thành núi, hình ảnh của vũ trị to lớn vĩnh hằng còn chim nghiêng cánh nhỏ lại gợi biểu tượng về những sinh linh thật nhỏ bé giữa dòng đời, nó đang sa xuống phía chân trời như một tia nắng chiều rơi xuống.
Và cứ thế, hai câu thơ vừa đẹp trong hình ảnh lại rất linh hoạt trong nhịp bước của thời gian. Chợt hoàng hôn ập xuống theo độ nghiêng của cánh chim chiều. Đó cũng là lúc viễn khách giật mình bâng khuâng:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Lòng quê hay cũng chính là nỗi lòng nhớ quê hương. Hai chữ “Dợn dợn” có khả năng miêu tả nỗi lòng nhớ quê hương cứ dập dờn mãi mãi như sóng nước tràng giang. Nỗi nhớ ấy sâu nặng, thường trực trong lòng nhân vật trữ tình mà không cần một làn khói hoàng hôn nào như trong thơ Thôi Hiệu:
“ Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong lòng giờ đây trùm lên ngoại cảnh, tìm thấy sự tương đồng ở cảnh vật mỗi lúc một thấm sâu trong nỗi lòng thương cảnh. Và như thế, nỗi nhớ, tình cảm quê hương cứ lai láng chảy trên khắp bề mặt của khổ thơ cuối cùng.Một nỗi buồn thấm thía được diễn tả lớp lớp tầng tầng qua những vần thơ mỹ lệ, hàm súc. Và Xuân Diệu đã đánh giá rất cao nỗi buồn nhớ quê hương trong bài thơ : Tràng giang là bài thơ ca hát non sông do đó dọn đường.
Cho tình yêu Tổ Quốc” Nỗi buồn nhớ quê hương ấy chính là nỗi buồn của cả một thế hệ thanh niên trí thức trong những năm tháng mất nước. Nó giống như tư tưởng mà Chế Lan Viên từng viết:
“Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp
Giấy mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên, rủ bóng xuống tâm hồn”
(Người đi tìm hình của nước)
Có lẽ, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương là khởi thủy của tình yêu quê hương đất nước. Bởi “Dòng suối đổ vào sông, dòng sông đổ vào biển trường giang Vôn ga,con sông Vôn-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở thành lòng yêu Tổ Quốc.
Khổ thơ không chỉ đặc sắc về mặt nội dung mà còn đặc sắc cả về hình thức nghệ thuật. Đoạn thơ vừa mang nét đẹp cổ điển lại vừa mang nét đẹp hiện đại. Vẻ đẹp cổ điển được thể hiện qua lối thơ bảy chữ mang đậm phong vị Đường thi, qua cách dùng từ láy nguyên, qua việc sử dụng các thi liệu cổ điển quen thuộc như mây, chim… Và trên hết là cách vận dụng tứ thơ cổ điển, gọi cho bài thơ không khí cổ kính. Còn vẻ đẹp hiện đại chính là cách dùng từ ngữ sáng tạo, hình ảnh, những từ dùng độc đáo, mới lại như: Chim nghiêng cánh nhỏ, núi bạc…
Có thể nói, cùng với việc khắc họa hình ảnh thiên nhiên kỳ vĩ lạ thường, khổ thơ đã thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, nồng nàn của thi nhân. Chính tình yêu đó đã nâng cánh thơ ông, nhờ thế ông gặp gỡ vẻ đẹp nhân bản của thơ ca nhân loại. Đọc khổ thơ, ta thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn và sôi nguyện cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ Quốc yêu dấu.