Đề bài: Em hãy phân tích hình tượng nhân vật viên quản ngục trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Huấn Cao.
Bài làm:
Năm 1940, tập truyện “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân ra đời thể hiện một bút pháp tài hoa, độc đáo, giàu màu sắc lãng mạn. Nó gồm có 12 truyện, nhân vật chính phần lớn là các nhà nho, những kẻ sĩ một thời “vang bóng” và có khi nhân vật phụ cũng để lại những ấn tượng không thể quên trong lòng độc giả. “Chữ người tử tù” là một ví dụ.
Nếu như nhân vật Huấn Cao là biểu tượng về cái đẹp, cái thiện, khí phách của một người anh hùng thì nhân vật viên quản ngục được sáng tạo ra để hiện thực hóa sức mạnh ấy. Một tình huống đầy kịch tính được mở ra: giữa chốn ngục thất, người mà y luôn ngưỡng mộ giờ đây lại là một tử tù, còn y là cai ngục. Ở bình diện xã hội, họ là những kẻ đối địch nhau ; ở bình diện nghệ thuật, họ lại là tri âm, tri kỉ của nhau. Kẻ cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình lại là một nghệ sĩ tài hoa tầm cỡ “thiên hạ đệ nhất thư pháp”, kẻ đại diện cho luật pháp của triều đình lại là người có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” ngưỡng mộ tài thư pháp ấy. Cuộc “kì ngộ” khiến cho lòng yêu cái đẹp trong quản ngục sống dậy mãnh liệt tới mức ông có thể bất chấp cả tính mạng và địa vị, mong sao có được chữ ông Huấn.
Thú chơi chữ tao nhã thanh lịch thật đối nghịch với hoàn cảnh công việc của viên quản ngục. Sự tương phản gây gắt đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, cao quý của viên quản ngục. Điều này cho thấy viên quản ngục là người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Khi nhận được phiến trát trong sáu tên tử tù có Huấn Cao, y vừa mừng vừa lo, tìm hiểu suy nghĩ đến không ngủ được, trong lòng y có ý nể trọng và cảm thấy thương tiếc vô cùng. Chuẩn bị đón một tử tù “đặc biệt”, y sai lính quét dọn buồng giam và điều lạ nhất khiến độc giả suy nghĩ là khi y nhận tù sao lại nhìn sáu tên tử tù với cặp mắt “hiền lành” và có biệt đãi đối riêng với Huấn Cao làm bọn lính nghi ngờ. Đó là sự trân trọng tài năng, nhân cách và sự kính nể một tài năng như Huấn Cao của viên quản ngục.
Mấy ngày Huấn Cao bị giam ở nhà ngục này, quản ngục luôn sống trong tình trạng vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Y thừa biết “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Thế nhưng, y không dừng lại cái việc bất chấp nguy hiểm mà biệt đãi Huấn Cao và những người bạn tù của ông. Y không phải là kẻ tiểu nhân dùng những thủ đoạn như thế nhằm “dụ dỗ” Huấn Cao mà y làm điều đó đơn giản vì y muốn đối xử tốt với người y ngưỡng mộ. Vào buồng giam để gặp Huấn Cao nhưng bị đuổi khỏi buồng giam một cách thẳng thừng “ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều là nhà người đừng đặt chân vào đây”. Đến lúc này, độc giả nghĩ rằng, viên quản ngục sẽ nổi nóng mà bỏ ra ngoài hay có thể sẽ đánh đập Huấn Cao cho đỡ tức và sẽ không biệt đãi Huấn Cao như thế nữa. Nhưng, độc giả lại phải ngạc nhiên khi viên quản ngục lễ phép lui ra ngoài “xin lĩnh ý” và từ ngày đó thì viên quản ngục lại biệt đãi Huấn Cao và những người bạn của ông hơn trước. Điều này cho thấy viên quản ngục là người có tâm hồn cao quý với cách cư xử điềm đạm, đúng mực.
Ngoài ra, viên quản ngục còn có một phẩm chất khiến người đối diện không thể không suy nghĩ là y không dùng quyền thế, tiền bạc mà “mua” chữ của Huấn Cao mặc dù điều đó viên quản ngục thừa sức để làm. Ngược lại, y dùng “thiên lương” để cảm động một anh hùng khí phách ngang trời. Và chính những điều đó đã làm cho Huấn Cao nhận ra cái sở thích cao quý của viên quản ngục mà chấp nhận cho chữ.
Và, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đó diễn ra. Trong cảnh tượng đó, viên quản ngục thể hiện sự kính cẩn, khúm núm, run run khi đứng trước một “nghệ sĩ đa tài” và có lẽ cũng bởi vì sắp được nhận một “báu vật” hiếm có trên đời. Về bản chất, đó là sự ngưỡng mộ trước cái đẹp một cách hoàn toàn tự nguyện. Hành động biệt đãi ông Huấn cũng là xuất phát từ lòng say mê đó. Nhưng đến cuối tác phẩm thì không còn là chuyện say mê, tôn thờ mấy cái chữ đẹp nữa, mà cao hơn thế, đó là sự trân trọng, tôn thờ nhân cách cao quý của một bậc tài danh. Bị cái đẹp và nhân cách cao thượng của ông Huấn thuyết phục, viên quản ngục thực sự cảm động cũng giống như ông Huấn Cao đã cảm động trước “sở thích cao quý” và tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục. Đó là điểm gặp gỡ để trở thành tri âm, tri kỉ của hai con người cách nhau quá xa về vị thế xã hội. Sự tri kỉ ấy được đánh dấu bằng tiếng nói nghẹn ngào : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” và kèm theo một cái vái lạy. Vì vậy, ông được coi là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”.
Nhân vật viên quản ngục là một sáng tạo rất mực sinh động của Nguyễn Tuân, để vừa tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật Huấn Cao, lại vừa thể hiện vẻ đẹp của một con người được cái thiện dẫn đường. Ngoài ra, nhân vật viên quản ngục còn hội đủ phong cách của truyện: lãng mạn mà vẫn hiện thực, là tiếng nói của thiên lương, của tinh thần dân tộc.
Trên đây là bài phân tích hình tượng nhân vật viên quản ngục trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Huấn Cao. Các em cùng tham khảo nhé.
Chúc các em hoc tốt!
Xem thêm