Phân tích hình tượng sóng và em trong 3 khổ giữa bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh- một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở”
Bài văn mẫu Phân tích hình tượng sóng và em trong 3 khổ giữa bài thơ Sóng
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
(Xuân Quỳnh)
Tình yêu là đề tài không bao giờ cũ trong thi ca nhạc họa, mỗi nghệ sỹ luôn đem đến cho người đọc những cảm nhận vì tình yêu theo cách của riêng mình…Không mãnh liệt dạt dào như Xuân Diệu, không mộc mạc chân quê như Nguyễn Bính…Xuân Quỳnh đến với tình yêu bằng trái tim nồng hậu chân thành của người phụ nữ. Qua giọng thơ nhẹ nhàng, thiết tha của mình, Xuân Quỳnh đã chiếm trọn tình cảm của bao thế hệ trẻ yêu thơ mà đặc biệt là thơ tình. Thơ tình như tiếng nói của con tim, là linh hồn của cảm xúc do đó một bài thơ tình không đơn thuần là một câu chuyện mà nhà thơ muốn kể mà đó còn là một mảnh tâm hồn của mỗi nhà thơ. Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh cũng vậy, đó không chỉ là câu chuyện kể riêng về sóng mà đó còn là cả tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Đoạn thơ trên là một trong những đoạn thơ tiêu biểu nhất toàn bài, khi soi mình vào sóng, nhân vật trữ tình đã thông qua sóng để tự biểu hiện cảm xúc của chính mình:
“Con sóng dưới lòng sâu
…..
Hướng về anh một phương
…..
Dù muôn vời cách trở”
Ta biết rằng “Sóng” của Xuân Quỳnh được sáng tác vào năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diên Điền, là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ là tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh : “Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chan thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường”. Đặc sắc của bài thơ được thể hiện qua nhiều yếu tố khác nhau. Trước hết nó được thể hiện ở thể thơ năm chữ và nhịp 2/3 chủ yếu của bài thơ. Ta có thể cảm nhận được hình ảnh những con sóng chập chùng, vô tận trong mặt biển. Tiếp đến, nhà thơ đã sử dụng hình tượng nghệ thuật ẩn dụ “sóng”. Đây là một ẩn dụ sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh là hình ảnh ẩn dụ của trái tim người phụ nữ đang yêu, để từ đó ta thấy được những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Bên cạnh đó, đặc sắc của bài thơ còn được thể hiện qua kết cấu song hành giữa hai hình tượng “Sóng và em”. Hai hình tượng đan cài, quấn quýt lấy nhau thể hiện cái tôi trữ tình của bài thơ. Những đặc sắc ấy được thể hiện rõ nét qua ba khổ thơ trên. Đoạn thơ đã nói lên vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Đó là sự mạnh dạn tự thể hiện mình trong tình yêu, là nỗi nhớ cùng tấm lòng thủy chung và niềm tin bất diệt vào tình yêu.
Ở khổ thơ đầu tiên, hình tượng sóng được miêu tả có thực theo nghĩa đen. Sóng dưới lòng sâu, sóng trên mặt nước, sóng có ở cả ngày và đêm. Tuy nhiên, quan sát kỹ những con sóng, ta thấy hình tượng sóng không chỉ dừng lại ở nghĩa đen, điệp từ “con sóng” gợi âm hưởng dồn dập của những con sóng, gợi hình ảnh những con sóng đang “hăm hở”, “dạt dào”, xô bờ. Mượn sóng để biểu hiện nỗi nhớ trong tim người phụ nữ đang yêu, hình ảnh con sóng được nhà thơ cảm nhận với sắc thái nhân hóa “con sóng nhớ bờ”. Cũng giống như sóng, nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu đầy ắp với không gian, trải dài theo thời gian. Nỗi nhớ ấy từng được diễn tả trong ca dao:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”
Hay trong thơ Xuân Diệu:
“Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi”
Còn Hàn Mặc Tử cũng đã từng diễn tả nỗi nhớ bằng một niềm đắm say ngơ ngáo
“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi hóa dại khờ”
Từ đó, ta thấy được nỗi nhớ là một sắc thái tâm lý không thể thiếu trong tình yêu. Nếu như sóng nhớ bờ cả ngày và đêm thì em nhớ anh cả trong mơ còn thứ. Sóng nhớ bờ trong vô biên của không gian, trong vô hạn của thời gian thì em cũng nhớ anh trong vô biên của tâm hồn. Toàn bộ tâm hồn em. Cả sống thức, ngủ mơ đều hướng về anh. Ca dao từng viết:
“Đêm nằm lưng chẳng tới giường
Mong cho chóng sáng ra đường gặp anh”
Như vậy, nhân vạt trữ tình trông khổ thơ trên tự bộc lộ nỗi nhớ mãnh liệt trong tình yêu, sóng nhớ bờ khao khát bờ, em nhớ anh bởi khao khát anh, đó chính vẻ đpẹ tâm hồn người phụ nữ đang yêu khi đắm chìm trong nỗi nhớ, cũng chính là vẻ đẹp táo bạo của người phụ nữ hiện đại trong tình yêu. Tuy nhiên, hình tượng thơ cuối khổ thơ còn đem cho chúng ta một cảm nhận nữa: chính là một mạch cảm xúc luôn hiện hữu trong thơ Xuân Quỳnh, một bên là khao khát tình yêu, một bên là những dự cảm không lành, những lo âu về sự phai tàn đổ vỡ trong tình yêu. Nhân vật trữ tình thức không chỉ để nhớ mà còn thức như để trông giữ tình yêu, để tình yêu không tuột khỏi tầm nắm. Ý thơ gợi những dự cảm lo âu, những trăm trở đầy bất ổn của trái tim người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương gắn bó nhưng lại phải trải nghiệm nhiều cay đắng:
“Em đâu dám mong là vĩnh viễn
Hôm nay yêu mai có thể xa rời”
Hay: “Lời yêu mỏng manh như màu khói
Ai biết tình ai có đổi thay”
Hình tượng sóng khuất lấp, hình tượng em lại hiện ra:
“ Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam”
Từ láy chỉ hướng “Phương Bắc”, “Phương Nam” gợi sự xa xôi cách trở trong cuộc đời và tình yêu. Đã có lần, Xuân Quỳnh nói đến sự xa xôi cách trở ấy trong một bài thơ:
“Vừa thoáng tiếng còi tài
Lòng đã Nam đã Bắc”
Dân gian thường nói chồng Nam, vợ Bắc, vào Nam ra Bắc, ngược Bắc xuôi Nam, Xuân Quỳnh đã viết ngược lại so với quy ước tâm lý thông thường “Xuôi Bắc, ngược Nam” kết hợp với những động từ ngược hướng “Xuôi”, “ngược” càng gợi ra những khó khăn, vất vả, gian nan, hé mở sự éo le trắc trở trong tình yêu “Dẫu xuôi về…../Dẫu ngược về….” từ “Dẫu” đặt đầu câu, điệp lại hai lần cho thấy, dẫu xa xôi cách trở, dẫu cuộc đời này chồng chất những khó khăn thì người phụ nữ ấy vẫn cứng cỏi, kiên cường, mạnh mẽ trong tình yêu. Bản lĩnh gợi tâm thế của những cô gái trong ca dao xưa:
“ Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”
Khi tình yêu vượt qua những gian nan thử thách thì tình yêu ấy càng đẹp, càng quý hơn; bất chấp tất cả những trắc trở éo le trong cuộc đời người phụ nư vẫn tìm đến tình yêu chân chính. Một phẩm chất nữa của người phụ nữ trong tình yêu đã xuất hiện, đó là lòng chung thủy:
“Nơi nào em cũng nghĩ”
Hướng về anh một phương”
Sự kiểm chứng cho lòng thủy chung ở khổ trên được thể hiện tiếp nối với nỗi nhớ ở khổ trước và niềm tin về sự tốt đẹp ở tình yêu và đích đến ở khổ cuối cùng
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dẫu muôn vời cách trở”
Giống như những con sóng giữa đại dương bao la luôn hướng về bờ, giữa những ngược xuôi Nam Bắc của cuộc đời, em vẫn luôn hướng về anh, Xuân Quỳnh trải qua bao cay đắng trong tình yêu, chị vẫn tin vào sự tốt đẹp của tình yêu. Niềm tin ấy càng đáng quý đáng trân trọng
“Tiếng yêu từ những ngày xa
Trải bao cay đắng vẫn là vẹn nguyên”
Như vậy, qua ba khổ thơ trên, vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu được thể hiện rất rõ ràng, khi soi mình vào sóng, người phụ nữ đã mạnh dạn tự biểu hiện mình trong tình yêu. Đó là nỗi nhớ, những dự cảm, lo âu cùng tấm lòng thủy chung và niềm tin bất diệt vào tình yêu của mình trong tâm hồn người phụ nữ
Qua hình tượng “Sóng”, trên cơ sở khám phá sự tương đồng giữa sóng và em. Đoạn thơ đã diễn tả được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, nó tha thiết, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên sự thử thách của thời gian và sự hữu hạn của cuộc đời người để được dâng hiến và bất tử hóa tình yêu