Home Trung Học Phổ ThôngLớp 12 Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân – Văn học 12

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân – Văn học 12

by admin
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân

Đề bài : Em hãy phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân

Trong lịch sử Việt Nam ta từng có nhiều hình tượng cao đẹp về người mẹ tần tảo giàu đức hi sinh. Hình tượng ấy góp phần tạo nên truyền thống nhân đạo sâu sắc của văn chương Việt Nam. Nhắc đến nhân vật người mẹ trong văn xuôi hiện đại Việt Nam chúng ta không thể quên nhân vật bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Bằng tấm lòng yêu thương sâu sắc, bằng thái độ trân trọng vẻ đẹp cao quý, Kim Lân đã xây dựng hình ảnh người mẹ đậm đà vẻ đẹp truyền thống, đồng thời mang dấu ấn của những năm tháng khó quên của lịch sử dân tộc.

Hình ảnh bà cụ Tứ trong bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân

Hình ảnh bà cụ Tứ trong bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân

Ở truyện ngắn Vợ nhặt, nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở phần 3 khi Tràng cùng người đọc chúng ta đang hồi hộp chờ đợi sự phản ứng của cụ. Chính trong thử thách bất ngờ này mà vẻ đẹp và lòng nhân hậu, bao dung trong tình thương sâu sắc được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Thoạt đầu bà cụ Tứ ngạc nhiên, phấp phỏng trước thái độ khác thường của anh con trai hôm nay. Tại sao hôm nay Tràng lại chạy ra tận đầu ngõ đón mình, lại trách mình về muộn? Bà cụ càng ngạc nhiên hơn khi bước vào sân chợt thấy một người con gái lạ đứng ngay đầu giường con trai mình và người ấy cất tiếng chào u. Tiếp đó Tràng lại nhắc: “Kìa nhà tôi nó chào u”. Lâu nay Tràng nào đã được một người con gái nào thèm để ý đến, đã nói với mình chuyện vợ con gì đâu? Thấy mẹ chưa hiểu, Tràng bước lại gần giải thích rõ ” Nhà tôi mới về làm bạn với tôi đấy u ạ. Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả. Đến lúc này đương nhiên bà cụ cũng phải hiểu. Từ đây lòng người mẹ ngổn ngang với bao ý nghĩ. Kim Lân đã thật thấu hiểu nỗi lòng người mẹ ở tình thế này khi diễn tả sự bộn bề đan xen giữa mừng và tủi, giữa thương và lo. Bà cụ mừng bởi thế là con trai mình đã có vợ. Cái điều lâu nay cả hai mẹ con đều mong mỏi và chưa dám nghĩ đến ấy bỗng dưng lại đến và đến một cách nhẹ nhàng vô cùng. Nhưng điều mừng ấy lại kéo theo nỗi tủi. Bà cụ tủi cho số kiếp đứa con trai mình đành lấy vợ trong hoàn cảnh này, với cách thức này. Tràng đem vợ về giữa những ngày đói khát. Tràng lấy vợ mà chẳng hề có một nghi thức nào như người ta vẫn thường làm. Thậm chí bà cụ chỉ mong có vài ba mâm báo cáo với hàng xóm láng giềng mà đâu lo liệu nổi. Bà cụ cũng tủi cho số kiếp mình, làm cha làm mẹ mà chẳng lo liệu nổi cho con đành nhìn con đem vợ về như thế. “Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm gia, những mong sinh con đẻ cái, mở mày mở mặt sau này còn mình thì…”. Lời văn Kim Lân bỗng dưng nghẹn lại như cõi lòng cay đắng xót xa của người mẹ nghèo. Nỗi tủi hờn của người mẹ tự nhiên dẫn tới tình thương sâu sắc. Bà cụ thương con trai thì đã đành nhưng còn thương luôn cả người con dâu nhặt về. Phải tỉnh táo lắm, phải bao dung lắm mới có được suy nghĩ này. Người ta có gặp phải bước khó khăn đói khổ người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có được vợ. Vậy là bà cụ Tứ đã đặt người phụ nữ kia cao hơn con trai mình. Đây là chi tiết chứng tỏ lòng nhân hậu cao quý của người mẹ. Tình thương yêu sâu sắc dẫn đến nỗi lo tỉnh táo. Bà cụ lo vợ chồng chúng nó có nương tựa vào nhau mà qua nổi cơn đói này không. Người mẹ ấy ngậm ngùi tha thiết thốt lên “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Những cặp vợ chồng lấy nhau để xây dựng tương lai, nhưng vợ chồng Tràng ngay lúc lấy nhau đã đứng trước sự đe dọa của cái chết vì đói.
Khi đã hiểu ra cơ sự, vượt lên mọi nỗi tủi buồn lòng người mẹ nghèo khổ ấy sáng lên với niềm vui mới. “Ờ thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Nhìn thấy người con dâu đang cúi đầu đứng trước mặt mình tay vân vê tà áo đã rách bợt, bà cụ đã có những cử chỉ lời nói thật ấm áp, nhân hậu: “Con ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Trên đà vui vẻ, người mẹ ấy quên đi thực tại đói khổ mà chỉ toan tính, lạc quan về tương lai. Nào là chuyện mua nứa đan phên ngăn nhà, nào là chuyện sẽ đóng một cái chuồng gà, nuôi một đôi gà… tất cả đều được bà cụ nói ra trong tâm trạng vui vẻ. Người mẹ ấy cứ lấp lánh niềm tin vào tương lai khi nói ngoảnh đi ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy chốc sẽ có ngay một đàn gà.
Niềm vui theo bà cụ đến buổi sáng đầu tiên khi có nàng dâu mới. Buổi sáng ấy bà cùng người con dâu dậy sớm thu dọn nhà cửa sân vườn thật sạch sẽ. Ai cũng nghĩ rằng nhà cửa sáng sủa là cuộc sống sẽ tươi tỉnh lại. Niềm vui của những người nghèo khổ đã được thể hiện rõ ở bữa cơm sáng đầu tiên có nàng dâu mới. Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Chỉ có nồi cháo lõng bõng, một nhúm rau chuối thái rối, một ít muối và tất cả bày trên một chiếc mẹt rách. Nhưng bây giờ mọi người đều ăn rất ngon lành, phần vì đói, phần vì họ đang vui vẻ. Để kéo dài niềm vui cho các con và cho chính mình, bà cụ Tứ đã chuẩn bị trước một nồi cháo cám. Khi mỗi người đôi lưng cháo loãng đã húp xong bà cụ lật đật xuống bếp, lễ mễ bê lên một nồi cháo cám còn nghi ngút khói. Vừa múc cháo cám ra bát bà vừa đon đả mời các con. Những tưởng cháo cám sẽ kéo dài được niềm vui, song vị đắng chát của nó lại đánh sâp niềm vui vốn rất mong manh. Miếng cháo cám cứ nghẹn bứ trong cổ không sao nuốt nổi. Một nỗi tủi hờn len vào trong tâm trí ba con người cùng khổ. Đúng lúc ấy những âm thanh của cái chết đe dọa lại vọng đến bên họ. Ba mẹ tội nghiệp không giấu nổi niềm thất vọng ê chề khi thốt lên “Giời đất này không chắc sống qua nổi đâu các con ạ”. Những giọt nước mắt tủi hờn, xót xa lại trào ra dù người mẹ không hề muốn các con nhìn thấy mình khóc.

Hình ảnh bữa cơm trong buổi sáng đầu tiên bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân

Hình ảnh bữa cơm trong buổi sáng đầu tiên bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân

Đoạn văn miểu tả bữa cơm ngày đói của gia đình Tràng với chi tiết nồi cháo cám có ý nghĩa thật đặc biệt. Đây là những năm tháng cái đói đang hành hạ bao nhiêu người lao động nghèo khổ, đẩy họ đến thảm cảnh cùng đường và có lẽ mãi sau này hình ảnh bữa cơm ngày đói vẫn giúp các thế hệ người đọc Việt Nam hiểu được nạn đói khủng khiếp vào mùa xuân năm 1945. Mặt khác, đoạn văn này cũng mang giá trị nhân đạo sâu sắc chứng tỏ lòng đồng cảm đến xót xa với thân phận nghèo khổ của Kim Lân, chứng tỏ thái độ trân trọng với người mẹ giàu tình thương, quả là một người mẹ đáng kính trọng bởi toàn tâm lo nghĩ cho hạnh phúc của con cái. Xét về mặt nghệ thuật, chi tiết nồi cháo cám tạo bước ngoặt đột ngột cho tình huống truyện, đang tươi sáng câu chuyện từ đây câu chuyện bỗng sập xuống đen tối ngoài ý muốn của người mẹ tội nghiệp. Qua đó vẻ đẹp và tấm lòng của người mẹ càng hiện lên đẹp đẽ và đáng trân trọng hơn.
Qua truyện ngắn vợ nhặt, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong nạn đói 1945. Đó là một người mẹ hết lòng yêu thương con, hi sinh tất cả vì con. Dẫu chỉ là một nhân vật phụ, dẫu nhà văn không cố ý xây dựng nhân vật bà cụ trở thành nhân vật điển hình nhưng bằng tài năng, bằng vốn sống, bằng tình cảm thiết tha, trìu mến đối với tấm lòng người mẹ đã khiến hình ảnh bà cụ Tứ trở nên chân thành và cảm động hơn bao giờ hết. Và phải chăng, chính người mẹ già ấy là ánh sáng của thiên truyện ngắn đằng sau cái yếu tố bi thảm của những kiếp đời nghèo khổ. Ánh sáng ấy làm câu chuyện anh cu Tràng nhặt được vợ trở nên thấm thía, cảm động hơn, nâng truyện ngắn lên tầm cao, mang chiều sâu của một truyện ngắn thực hiện, nhân bản. Ánh sáng bắt nguồn từ nguồn sáng nhân văn, trân trọng con người, tin tưởng ở con người sẽ sống mãi trong lòng người đọc.

Trên đây là bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, các em cùng tham khảo nhé.

Chúc các em học tốt!

 

You may also like

Leave a Comment