Tuyển tập văn mẫu: Phân tích trích đoạn “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” của Sơn Nam
Tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam in tại Sài Gòn năm 1967, gồm mười tám truyện ngắn và một bài thơ viết thay lời tựa. Tập truyện viết về thiên nhiên và con người ở miền cực nam Tổ quốc, một thế giới hoang vu thuở khai thiên lập địa, dân cư thưa thớt. Những con người như sinh ra từ bùn lầy, gội mưa tắm nắng, vật lộn với thiên nhiên để sinh sống, thiên nhiên thì giàu có nhưng vô vàn cạm bẫy: trên rừng hùm beo rắn độc, dưới sông thì đầy cá sấu; vào mùa nước nổi, ruộng đồng như biển cả. Tác phẩm tập trung khắc họa người nông dân thật thà chất phác, trí dũng có thừa, dù nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời và đặc biệt là tinh thần nghĩa hiệp gắn với lòng yêu nước.
Cách thức trần thuật ngắn gọn, cách tạo tình huống li kì hấp dẫn, tính cách nhân vật được khắc họa đậm nét, tiếng địa phương được sử dụng vừa phải nên ngôn ngữ trong sáng giản dị… là điểm đặc sắc về nghệ thuật của truyện. Bắt sấu rừng U Minh Hạ là một trong mười tám truyện ngắn của tập truyện này.
Truyện Bắt sấu rừng U Minh Hạ kể về sự kiện bắt đàn cá sấu hung dữ đầy kinh nghiệm và mưu trí của nhân vật Năm Hên.
Truyện mở ra một cảnh tượng hoang sơ khủng khiếp của thiên nhiên, một thế giới kì bí, lạ lùng.
Mùa khô nước rút, giữa rừng tràm – vương quốc của loài sấu, chúng dồn lại trong ao chen chúc những vệt đen chi chít, có con nằm dài như chiếc xuồng, có con ngóng mỏ lên như họng súng thần công, có con sấu già – đốm đỏ ngay giữa tam tinh, nó là con sấu chúa khôn lắm – trợn mắt hướng về lũ người rồi bò thui lui về giữa lòng ao để thủ thế…Một cảnh tượng thật khủng khiếp, vẻ dữ dằn của thiên nhiên đã đe dọa cuộc sống bình yên. Người ăn ong trong rừng mang tin dữ về cho dân làng Khánh Lâm khiến mọi người ai nấy đều dáo dác. Một tai họa rình rập nhưng không ai dám ra tay tiêu trừ đàn sấu nguy hiểm.
Dân làng kéo nhau vào rừng chứng kiến đàn sấu tận mắt, quá kinh hãi họ im lặng rút lui.
Không khí căng thẳng bao trùm ngôi làng. Cách tạo tình huống đầy kịch tính, dân làng đang chờ vị cứu tinh.
– Bỗng đột ngột xuất hiện một nhân vật kì lạ. Người đàn ông vừa bơi thuyền ba lá đến bộ phận làng Khánh Lâm vừa hát những câu hát ảo não rùng rợn.
Hồn ở đâu đây
Hồn ơi! Hồn hỡi
Xa cây xa cối
Xa cội xa cành
Đầu bãi cuối gành
Hùm tha bắt sấu…
Tiếng hát gợi đến bao linh hồn oan khổ đã tiên phong mở đường khai phá mảnh đất phương Nam, lần lượt bị vùi xác nơi rừng xanh nước đỏ. Tiếng hát gợi nhớ tổ tiên và nỗi âu lo đang bị thiên nhiên đe dọa nên người già làng Khánh Lâm ai nấy đều sụt sùi.
Thì ra đây là vị cứu tinh mà dân làng đang mong đợi.
– Dân làng đón tiếp trọng thị. Câu chuyện bên bàn rượu – Năm Hên tự bạch.
– Nghe tin nơi nào có sấu phá hoại là đến, không cần mời, rất cực lòng khi thấy bà con bị sấu phá hoại.
– Ông theo nghề bắt sấu là để trả thù cho anh, vì bà con, không bao giờ vì tiền bạc, người khác có thể làm giàu bằng nghề này nhưng ông không màng phú quý.
Con người rất mực tình cảm, nghĩa hiệp, tâm hồn trong sáng vô tư và mục đích sống, hành động giản dị mà cao đẹp. Cách giãi bày tâm sự cho thấy tính cách bộc trực, thẳng thắn và khiêm tốn: Tôi đây không tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói đó là bùa phép để kiếm tiền.
– Năm Hên bắt sấu:
Trong khi cả làng bó tay ngồi nhìn đàn sấu to lớn, hung dữ thì ông bảo bắt sấu trên cạn bằng tay không. Ông chỉ cần một người dẫn đường, phụ việc và mang theo một chiếc thuổng. Dân làng rất đỗi ngạc nhiên và hồ nghi. Nửa buổi nhìn vào rừng chỉ thấy cột khói đen bay lên rồi tắt. Dân làng tụ tập hồi hộp căng thẳng chờ đợi và chuẩn bị tiệc ăn mừng.
Kết quả bất ngờ, thật ngoài sức tưởng tượng. Mới xế chiều, Tư Hoạch bơi xuồng về báo tin, kéo theo cả đàn sấu bơi theo. Làm sao mà có được cảnh tượng này?
Cách tổ chức trần thuật, kết cấu chi tiết kiểu che giấu mật mã càng kích thích trí tò mò, làm câu chuyện càng căng thẳng hấp dẫn chờ đợi giải mã.
Khi kịch tính lên đỉnh điểm: mọi người bơi xuồng ra sông, tận mắt chứng kiến hỏi thăm rối rít thì Tư Hoạch mới chậm rãi tường thuật, giải thích. Cách “mở nút” này đã làm nổi bật mưu trí, cái kì tài của Năm Hên và mọi người tôn ông ấy là “bực thánh”. Người dân Cái Tàu, Rạch Gía mang ơn ông suốt đời.
Thấy chiến công mà chưa thấy dũng tướng quay về, cách kết cấu này càng kích thích trí tò mò, chờ đợi. Bỗng Năm Hên xuất hiện nhưng ở một bộ dạng khác.
– Năm Hên tay huơ huơ nhang nghi ngút khói, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu vừa đi vừa hát càng gợi không khí kì quái rùng rợn.
Năm Hên ở lại cúng bái là muốn giải oan cho linh hồn tổ tiên theo tục mê tín của người Việt, người mà bị thú dữ ăn thịt thì oan hồn vẫn còn theo con thú đó nên khi nhìn thấy đàn sấu bị kéo về, có người đã khấn vái lâm râm vì mưu sinh mà bỏ mạng nơi này. Điều này cho thấy sự đồng cảm của Năm Hên đối với những người bất hạnh bị sấu ăn, là mối tình sâu nặng với tổ tiên.
Sự xuất hiện có phần bí ẩn rồi khi kết thúc truyện nhân vật lại xuất hiện hơi kì quái trong khúc hát gọi hồn lặp lại nên tạo được không khí chung của truyện: thế giới thiên nhiên hoang sơ áp đảo con người.
Năm Hên là nhân vật có tính cách Nam Bộ rõ nét: sống hồn nhiên đơn giản, bộc trực, khẳng khái, giàu tình cảm, nghĩa hiệp và mưu trí.
Nghệ thuật tạo tình huống và lối kết cấu dẫn dắt truyện hấp dẫn, cốt truyện đơn giản cô đọng. Qua câu chuyện bắt sấu rừng U Minh Hạ của Năm Hên, tác giả đã miêu tả thiên nhiên vùng miệt vườn cực Nam hoang sơ, đầy bí hiểm đe dọa, từ đó làm nổi bật tài trí của người lao động trong việc chinh phục thiên nhiên để bảo vệ và phát triển cuộc sống.
Trên đây là bài phân tích trích đoạn “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” của Sơn Nam. Các bạn cùng tham khảo nhé.
Chúc các bạn học tốt!