Đề bài: Thông qua tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” em hãy nêu cảm nhận của anh (chị) về dòng sông Hương và cảm nhận tinh tế của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Bài làm:
Không mấy ai, nhất là những người nghệ sĩ đã từng đặt chân đến Huế, ngắm nhìn vẻ đẹp kiều diễm của dòng Hương Giang mà không nảy sinh trong mình một ý tưởng nghệ thuật. Đó có thể là một bức tranh, một bài thơ hay một câu hát “sông Hương nước chảy thuyền trôi lững lờ, em trao nón gửi và em đợi chờ”… Huống chi là Hoàng Phủ Ngọc Tường – một cây bút xuất sắc trên văn đàn Việt Nam về loại bút kí – đã sinh ra và lớn lên , gắn bó thắm thiết với mảnh đất cố đô, với dòng sông Hương thơ mộng. Với sự tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ, với tình yêu tha thiết xứ Huế và sự hiểu biết tường tận về sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả thành công vẻ đẹp kiều diễm của Hương Giang – biểu tượng của cố đô Huế trong bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.
Mở đầu bài kí, dòng sông Hương hiện ra trong tâm thức của nhà văn khi đang ngồi đọc Kiều trong khu vườn An Hiên. Sông Hương và Huế như cặp tình nhân lí tưởng của truyện Kiều: tìm hiểu và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, vừa có chất thơ vừa có chất nhạc, cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở. Bằng nghệ thuật liên tưởng, Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn khắc họa cái cổ kính, chất thơ đậm đà và cũng là cái đẹp vĩnh hằng của dòng sông sẽ sống mãi với thời gian cũng giống như sức sống bất tử của Truyện Kiều. Nếu như truyện Kiều là một tuyệt tác mà Nguyễn Du sáng tạo ra thì dòng Hương Giang cũng là một tuyệt tác do thiên nhiên kiến tạo. Để khắc học vẻ đẹp tuyệt vời của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm về thượng nguồn của dòng sông, để cho người đọc hiểu rõ bản chất sâu xa của dòng sông trước khi đổ vào thành phố Huế. “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những thác ghềnh, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.
Sông Hương vừa mang trong mình một vẻ đẹp kiêu hùng, hoành tráng vừa dịu dàng say đắm. Hai trạng thái tuy đối lập nhau lại bổ sung cho nhau tạo nên cho dòng sông một vẻ đẹp quyến rũ giống như ” Một cô gái Digan phóng khoáng và man dại”. Cô gái Digan mang tên Hương ấy đã được rừng già hun đúc cho mình một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Bằng thủ pháp so sánh và nhân hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thổi vào sinh thể sông Hương một tâm hồn.
Và cứ thế, càng ra khỏi rừng, càng tiến về gần thành phố, sông Hương càng mềm mại, uyển chuyển như tấm lụa, như người ta vẫn thường biết về dòng sông Hương đằm thắm, mộng mơ.
Với kiến thức địa lí chắc chắn kết hợp với óc liên tưởng, tưởng tượng phong phú của một tâm hồn nghệ sĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả thành công những khúc quanh và những cuộc gặp gỡ của sông Hương với những địa danh cụ thể: “từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Bắc Nam qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển qua hướng Tây Bắ, vòng qua thềm bãi đất Nguyệt Biều, Lương Quân” rồi “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ xuôi dần về Huế” sau đó, trong dư vang của Trường Sơn, sông Hương “trôi đi như hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đợt khởi như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo…”. Hai bên bờ sông là những lăng tẩm đồ sộ của vua chúa. Tất cả những cảnh sắc thiên nhiên, những gì đặc trưng cho Huế đều tỏa bóng xuống dòng sông. Dưới lòng sông còn phản chiếu về đẹp của văn hóa Huế, con người Huế. Hương Giang như khoác lên mình chiếc áo cổ kính, trầm mặc của quá khứ, của lịch sử xa xưa. Vận dụng những kiến thức địa lý, quan sát tinh tế, óc tưởng tượng phong phú, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo nên một trong những trang viết hay nhất về sông Hương.
Qua vùng ngoại vi, sông Hương trực tiếp đổ vào trong lòng thành phố Huế mềm mại, chậm rãi như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Nhà văn đã giải thích về đặc điểm chảy chậm của sông Hương trên bình diện khoa học, tục tiễn. Sông nếu chỉ dừng ở đấy thì chẳng khác gì những nhà địa lý, nhà khoa học. Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường – với tư cách là một nhà văn xuất sắc đã giải thích về lưu tốc của dòng sông trên một phương diện hoàn toàn khác: đó là tình cảm. Phải chăng vì quá yêu và gắn bó với cố đô thân thương mà dòng sông trở nên chậm rãi, lững lờ, không muốn rời xa Huế. Sông Hương muốn dành cho Huế một điệu nhạc slow tình cảm riêng của một nỗi lòng vấn vương lưu luyến.
“Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương dã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Nhà văn đã gắn âm nhạc Huế với sông Hương. Bởi nhã nhạc cung đình Huế không phải chơi ở đâu cũng hay và thời gian nào cũng tuyệt. Điều thú vị và hay nhất của nhã nhạc cung đình Huế là phải chơi trên mặt nước của dòng sông Hương này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bên âm thanh của mái chèo khuya, vì thế mà sông Hương và nhã nhạc cung đình Huế tuy hai nhưng hòa nhập vào chung trong cơ thể của một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Từ đó nhà văn khẳng định rằng sông Hương tạo nên giá trị của nhã nhạc cung đình nói riêng và nền văn hóa lâu đời của Huế nói chung, văn hóa Huế sinh thành,phát triển và bền vững là nhờ có sông Hương.
Hoàng Phủ Ngọc Tường với kiến thức sâu rộng về văn hóa Huế đặc biệt với nhã nhạc cung đình đã xem xét và đánh giá nét đẹp của sông Hương trên phương diện văn hóa. Sông Hương đem đến cho van hóa Huế một nét đẹp rất riêng, không nơi nào có.
Rời khỏi thành phố, sông Hương chếch về hướng chính Bắc và xa dần. Nhưng như nhớ lại điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng Đông – Tây để gặp lại thành phố một lần cuối. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhân cách hóa con sông lên thành nỗi vương vấn và một chút lẳng lơ của tình yêu. Ông đã ví sông Hương như nàng Kiều trong đêm tình tự, thề thốt với Kim Trọng một lời hẹn ước. Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường sông Hương đã hiện lên với tất cả vẻ đẹp vè ngoại hình và tâm hồn của một chủ thể đang sống – đúng hơn là của một thiên nữ trong tình yêu- tình yêu với Huế với tất cả sự mãnh liệt, ồn ào, dịu dàng, say đắm, vấn vương.
Hoàng Phủ Ngọc Tường kết thúc bài kí về sông Hương bằng một thần thoại: vì yêu quý con sông nên người dân hai bên bờ sông đã nấu nước của hàng trăm loài hoa đổ xuống dòng sông để nước mãi đẹp và thơm lâu đời, để xây đắp văn hóa và lịch sử.
Bằng lòng yêu mến, say mê dòng sông đất nước, và ngòi bút giàu chất trí tuệ, chất văn hóa với ngôn ngữ trong sáng, chọn lọc và tinh tế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ lại một dòng sông Hương mang một vẻ đẹp kiều diễm, huyền ảo, đa dạng, gắn bó với con người và lịch sử, văn hóa của xứ Huế. Nếu tên tuổi của Văn Cao gắn liền với dòng sông Lô hùng tráng, Hoài Vũ mãi là nhà thơ của con sông Vàm Cỏ Đông đêm ngày cần mẫn chở phù sa, nếu nhắc đến Hoàng cầm là ta khắc ghi hình ảnh dòng sông Đuống “trôi đi một dòng lấp lánh” thì với Hoàng Phủ Ngọc Tường sông Hương đã “làm tổ” trong trái tim bạn đọc với “Ai đã đặt tên cho dòng sông”?. Thiên bút kí tuyệt vời này đã thêm một lần nữa tôn vinh vẻ đẹp của dòng sông Hương nói riêng và hàng trăm dòng sông khác- những dòng sông của đất nước ta ” Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu / Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát” (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Trên đây bài cảm nhận về dòng sông Hương và tình cảm của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông. Các em cùng tham khảo nhé.
Chúc các em học tốt!