Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hưởng, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ giải đáp một số thắc mắc của các em học sinh về môn Lịch sử trong kỳ thi ĐH-CĐ sắp tới.
Được biết, năm nay đề thi của tất cả các môn ra theo hướng mở, chúng em rất lo lắng. Xin Thầy hãy chia sẻ về các dạng câu hỏi và đề thi của môn Lịch sử?
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng: Chủ trương của Bộ GD-ĐT không ra đề mang tính đánh đố học sinh nhưng không có nghĩa là các em chỉ học thuộc lòng. Có nhiều dạng câu hỏi khác nhau, các em lưu ý 6 dạng câu hỏi sau đây:
1. Câu hỏi có từ nào, gì, như thế nào – khi làm bài các em cần trả lời ngay vế đầu sau đó trình bày thêm kiến thức của mình.
2. Câu hỏi có từ trình bày và nêu nhận xét – câu trả lời không đòi hỏi những dữ liệu chính xác.
3. Câu hỏi chọn lọc sự kiện và nhận xét – câu trả lời không phải ghi nhớ chi tiết.
4. Câu hỏi về lý giải, khái quát vấn đề lịch sử – câu trả lời các em biết ghi nhớ các sự kiện cốt lõi.
5. Thí sinh biết đặc điểm cơ bản của lịch sử một nước, trình bày giai đoạn lịch sử – câu trả lời nêu nhận biết, những nét chính của giai đoạn.
6. Tổng hợp, so sánh, đánh giá – các em nhận diện để trả lời cho phù hợp.
Trong các kỳ thi môn Lịch sử, các em học sinh thường bị nhầm lẫn giữa các sự kiện, nhân vật, địa danh, hoặc các từ ngữ lịch sử. Vậy Thầy có cách nào giúp các em khắc phục hạn chế này?
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng: Lỗi này khá phổ biến, để tránh lỗi này các em nên dùng sơ đồ tư duy hoặc dùng công thức 5W: why, when, what, where và how.
Trong quá trình học bắt buộc các em phải học thuộc các chủ trương, hiệp định, tránh nhầm lẫn. Nên sử dụng sơ đồ hóa kiến thức, lập bảng hệ thống kiến thức để tránh nhầm lẫn các nhân vật, sự kiện.