ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 7
NĂM HỌC 2017-2018
Câu 1 (4.0 điểm)
Bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh có đoạn:
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.”
( Ngữ Văn 7, tập 1, NXBGD)
Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ trên.
Câu 2.(6 điểm).
Trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
Tờ giấy trắng
Có một lần, tại một trường trung học, ngài hiệu trưởng đến gặp các em học sinh để nói chuyện. Trong khi nói, ông giơ lên cho các em thấy một tờ giấy trắng, trên đó có một chấm tròn đen ở một góc nhỏ, và hỏi:
– Các em có thấy đây là gì không?
Tức thì cả hội trường vang lên:
– Đó là một dấu chấm.
Ngài hiệu trưởng hỏi lại:
– Thế không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng cả ư ?
Và ngài kết luận:
– Thế đấy, con người luôn luôn chú ý đến những lỗi nhỏ nhặt, mà quên đi tất cả những phẩm chất tốt đẹp còn lại. Khi phải đánh giá một sự việc, hay là một con người, thầy mong các em sẽ chú ý đến tờ giấy trắng nhiều hơn là những vết bẩn có trên nó.
Câu 3. (10 điểm)
Trong bức thư của bố gửi cho con, có đoạn: “En-ri-cô này! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó.”.
Đóng vai En-ri-cô, nhân vật trong văn bản Mẹ tôi của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, em hãy phát biểu cảm nghĩ của mình khi đọc được những dòng thư đó
————————-Hết—————————-
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 7
Câu 1 (4 điểm):
- Về kĩ năng:
– Nhận diện được các biện pháp tu từ và đặc điểm của nó trong đoạn thơ.
– Xác định được yêu cầu của đề; biết viết đoạn văn trình bày cảm nhận (suy nghĩ, đánh giá, bàn luận…) thể hiện cảm xúc của người viết về vấn đề, đề bài đặt ra; kết hợp hài hoà tình cảm và suy nghĩ.
– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng; không mắc lỗi diến đạt.
- Về kiến thức:
a) Chỉ ra và nêu đặc điểm của các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ: – Điệp ngữ: vì . Đặc điểm: điệp ngữ cách quãng. (0,5đ)
– Liệt kê: Vì lòng yêu Tổ quốc/ Vì xóm làng thân thuộc/ Bà ơi cũng vì bà/ Vì tiếng gà cục tác/ Ổ trứng hồng tuổi thơ. Đặc điểm: trình bày từ khái quát đến cụ thể. (0,5đ)
b) Viết đoạn văn cảm nhận: (3 điểm)
Những ý chính cần thể hiện:
– Xác định được vị trí, nội dung chính của đoạn thơ: Sau những kỉ niệm về bà hiện lên trong hồi tưởng, người chiến sĩ trở về với hiện tại và bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về mục đích chiến đấu. ( 0,5đ)
– Điệp ngữ cách quãng “vi” lặp lại bốn lần ở bốn dòng thơ liên tiếp gây chú ý cho người đọc, nhấn mạnh nguyên nhân chiến đấu của người chiến sĩ. ( 0,5đ)
– Trở về hiện tại, người chiến sĩ nghĩ nhớ ngay đến nhiệm vụ chiến đấu và mục đích cao cả của nhiệm vụ đó. Phép liệt kê theo trình tự từ khái quát đến cụ thể đã giúp tác giả đưa ra một loạt hình ảnh gợi cảm và có hệ thống: Tổ quốc, xóm làng, bà, tiếng gà, ổ trứng. Hệ thống đó nằm trong một tập hợp mà hình ảnh sau là “tập hợp con” của hình ảnh trước. Nhờ phép liệt kê, tình cảm của tác giả vừa được thể hiện ở diện rộng vừa có chiều sâu.(0,75đ)
– Điệp ngữ vì kết hợp phép liệt kê trên đây một cách nhuần nhuyễn không chỉ nhấn mạnh được mục đích chiến đấu mà còn lí giải một cách cảm động ngọn nguồn của lòng yêu nước, làm sáng lên một chân lí phổ biến. Liên hệ: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trẻ nên lòng yêu Tổ quốc”(I. Ê-ren-bua). Tiếng gà đã đồng vọng với tiếng của quê hương, gia đình, đất nước. ( 0,75 điểm)
– Đoạn thơ ngắn, diễn đạt tự nhiên với việc kết hợp hai phép tu từ đã hoàn thiện mạch cảm xúc của bài thơ, làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước của nhân vật trữ tình. (0,5đ)
Câu 2: (6,0 điểm)
Yêu cầu:
1, Kĩ năng: (1 điểm)
– Trình bày suy nghĩ thành một bài văn ngắn.
– Diễn đạt lưu loát.
2, Nội dung: (5 điểm)
Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý sau:
– Đây là câu chuyện hấp dẫn thú vị về cách giáo dục của thầy hiệu trưởng đối với học sinh. Thầy đã dùng một hình ảnh cụ thể, đơn giản, gần gũi là tờ giấy trắng và chấm tròn đen để tác động đến học sinh.(1 điểm).
– Ý nghĩa của câu chuyện: Câu chuyện khuyên chúng ta cần có tấm lòng bao dung, vị tha đối với những người xung quanh mình, cần có cái nhìn giàu tính nhân văn.
(1 điểm)
– Bàn về ý nghĩa giáo dục: Cuộc sống đầy rẫy những cám dỗ, con người ai cũng có thể mắc lỗi lầm. Vì vậy đừng quá chú trọng vào lỗi lầm nhỏ của họ mà không thấy những ưu điểm, tích cực có trong con người họ.
( hs phân tích và lấy dẫn chứng).(1,5 điểm)
– Liên hệ hiện tại: Trong lớp học luôn có những bạn mắc lỗi. Vậy hãy biết tha thứ cho người bạn đó khi họ làm sai một lỗi nhỏ để bạn ấy có cơ hội làm lại và trở thành người tốt hơn. ( hs phân tích và lấy dẫn chứng). (1,5 điểm).
3, Biểu điểm
- Điểm 5->6: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, ý tưởng mới mẻ, sáng tạo.
- Điểm 3->4: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu của đề, bố cục rõ, lập luận chặt chẽ, bày tỏ được suy nghĩ riêng.
- Điểm 2: Đáp ứng được ½ yêu cầu trên, viết còn sơ lược. Văn chưa lưu loát nhưng diễn đạt được ý.
- Điểm 1: Nội dung sơ sài, còn lúng túng về phương pháp. Bố cục lộn xộn. Sai nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
Câu 3. (10đ)
a) Yêu cầu về kĩ năng: ( 2đ)
– Bài làm phải được tổ chức thành bài làm văn hoàn chỉnh.
– Biết vận dụng kĩ năng biểu cảm kết hợp với một số yếu tố khác như: tự sự, nghị luận
– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; hạn chế lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b) Yêu cầu về kiến thức: ( 8đ)
Trên cơ sở những kiến thức đã được học về kiểu văn biểu cảm kết hợp với các yếu tố tự sự, nghị luận, học sinh trình bày những cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, suy ngẫm của mình về nội dung những dòng thư của bố gửi cho En-ri-cô.
Học sinh có thể tổ chức bài làm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
– Đóng vai En-ri-cô giới thiệu hoàn cảnh tiếp xúc với bức thư và tâm trạng khi đọc được những dòng thư đó .(1,5đ)
– Nhập vai En-ri-cô để trình bày những cảm xúc, suy nghĩ nảy sinh từ những dòng thư đó ( 5đ). Cụ thể:
+ “Xúc động vô cùng” khi đọc thư của bố.( 1đ)
+ Nhận thức được tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả.
( 1đ)
+ Hiểu được tấm lòng của người bố. (1đ)
+ Thấy được lỗi lầm của mình khi “nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ”.( 1đ)
+ Suy nghĩ về việc khắc phục lỗi lầm. ( 1 đ)
– Nêu ấn tượng và những điều cảm nhận được từ những dòng thư của bố. (1,5đ)
* Giáo viên định điểm bài làm của học sinh cần căn cứ vào mức độ đạt được ở cả hai yêu cầu: kiến thức và kỹ năng.
c) Biểu điểm
- Điểm 9->10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, diễn đạt lưu loát, văn viết có cảm xúc, ý tưởng mới mẻ, sáng tạo.
- Điểm 7->8: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu của đề nhưng có ý chưa sâu sắc và còn mắc một vài lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 5->6: Đáp ứng được ½ yêu cầu trên, viết còn sơ lược. Văn chưa lưu loát nhưng diễn đạt được ý.
- Điểm 3->4: Nội dung sơ sài, còn lúng túng về phương pháp. Sai nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 1-> 2: Nội dung sơ sài, không nắm vững yêu cầu của đề, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
Trên đây là đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 7 kèm theo biểu điểm chi tiết. Chúc các em học tốt!