Home Trung học Cơ SởLớp 9 Em hiểu như thế nào về câu tục ngữ “Một con sâu làm sầu nồi canh”

Em hiểu như thế nào về câu tục ngữ “Một con sâu làm sầu nồi canh”

by admin

Em hiểu như thế nào về câu tục ngữ “Một con sâu làm sầu nồi canh”

Bài làm
Trong mối quan hệ giữa người với người ở phạm vi gia đình, hay xã hội đều có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Một các nhân là thành viên của gia đình, mỗi gia đình là một thành viên của xã hội cho nên mỗi cá nhân phải có ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tập thể gia đình, xã hội mà mình đang sống, không làm điều xấu ảnh hưởng đến danh dự của tập thể. Để nhắc nhở chúng ta bài học ấy, tục ngữ có câu “Một con sâu làm sầu nồi canh”. Đây là điều mà chúng ta cần tìm hiểu.
Câu tục ngữ sử dụng cách nói ví von, người xưa mượn “nồi canh” và “con sâu” để diễn đạt ý mình. Một con sâu nếu vô tình rớt vào nồi canh thì nồi canh đó coi như bỏ đi, không ai dùng đến. Từ đó suy rộng ra về con người: Nếu các nhân nào làm điều gì xấu ắt sẽ gây ảnh hưởng đến tập thể, đến gia đình. Đây là lời nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể.

mot con sau lam sau noi canh van mau

Văn mẫu – Em hiểu như thế nào về câu tục ngữ “Một con sâu làm sầu nồi canh”

Tại sao một cá nhân lại có ảnh hưởng đến tập thể như vậy?. Bởi lẽ cá nhân là thành viên của tập thể, góp phần tạo nên tập thể. Ngược lại, tập thể là tổ ấm, là môi trường sinh sống của cá nhân, cá nhân được trưởng thành cũng là do tập thể nuôi dưỡng. Do vậy, là một thành viên trong tập thể thì ta phải góp phần làm tập thể tốt hơn. Không cống hiến được nhiều thì ít chứ ta đừng sống một cách vô trách nhiệm, không giúp ích gì được cho ai mà còn làm hại đến tập thể. Thói thường khi có một người nào trong gia đình hay trong nhà trường làm điều xấu thì cả nhà, có khi cả dòng họ, cả trường học cũng chịu tiếng xấu chung. Bởi người ta thường nói “cái nhà đó, dòng họ đó” hoặc “học sinh trường đó” làm điều xấu, ít khi người ta nêu tên cá nhân người làm xấu mà không gắn liền với tập thể. Như vậy, dù muốn hay không bản thân ta cũng không thể tách rời tập thể mà đang sống. Cho nên điều hay hơn hết là ta phải cố gắng sống tốt, sống đẹp để tập thể được tiếng thơm lây. Ta đừng sống vị kỉ thấp hèn, làm điều xấu để làm hại đến thanh danh của tập thể. Nếu những tên tuổi của các vị tướng Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi,…. đến những vị vua Lê Lợi, Quang Trung… làm cho ta tự hào về dân tộc mình bao nhiêu thì những cái tên Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh… Nguyễn Bá Nghi.. lại làm ta xấu hổ về dân tộc mình bấy nhiêu. Điều đó khiến ta thấm thía hơn câu nói “Một con sâu làm sầu nồi canh”
Tìm hiểu ý nghĩa tác dụng của câu tục ngữ ta càng thấy rõ giá trị giáo dục của nó. Mỗi chúng ta phải luôn nhớ rằng mình là người có nguồn, có cội có tổ tiên,ông bà, có gia đình, cha mẹ, anh em. Mình là thành viên của tập thể, của đất nước nên phải có bổn phận giữ gìn và phát huy mặt tốt của gia đình, của tập thể, của đất nước, phải ý thức giữ gìn danh dự, tiếng tăm,phẩm giá, đừng làm điều xấu mà hại đến gia đình, đến đất nước. Muốn được như vậy, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần phải có ý thức rèn luyện nhân cách,giữ gìn đạo đức và bồi dưỡng tài năng để sau này tạo được sự nghiệp góp phần xây dựng gia đình, đất nước ngày một tốt đẹp hơn.
Tóm lại, câu tục ngữ là bài học quý cho mỗi chúng ta. Nó thể hiện được ý thức đạo đức của mỗi con người. Ta nên lấy câu tục ngữ làm phương châm sống cho mình, phải tự nghiêm khắc với chính mình để tránh làm những điều sai lầm đáng tiếc phải ân hận về sau. Ta sẽ phấn đấu đến cùng để không bao giờ trở thành “con sâu” trong “nồi canh” mà sẽ là “hoa sen thơm ngát giữa đầm”.

Trên đây là bài phân tích câu tục ngữ “Một con sâu làm sầu nồi canh”. Các em cùng tham khảo nhé.

Chúc các em học tốt!

You may also like

Leave a Comment