Home Xem thêmMẹo vặt thi cử Kỹ năng sử dụng Atlat, biểu đồ “ăn” điểm môn Địa

Kỹ năng sử dụng Atlat, biểu đồ “ăn” điểm môn Địa

by admin

Sử dụng thành thạo Atlat và rèn luyện kĩ năng vẽ biểu đồ giúp thí sinh tự tin hơn khi bước vào phòng thi môn Địa lý. Những kĩ năng trên được cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ trước kì thi tốt nghiệp và đại học sắp tới.

Thành thạo kĩ năng vẽ biểu đồ

Theo cô Mai, chương trình địa lý lớp 12 chia thành 4 phần bao gồm: địa lý tự nhiên Việt Nam, địa lý dân cư, địa lý các ngành kinh tế và địa lý các vùng kinh tế. Trong đó, địa lý vùng kinh tế là một trong những phần rất khó. Mỗi vùng có đặc điểm tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội khác nhau, khiến thí sinh nhầm lẫn. Vì vậy, thí sinh cần phải lập dàn ý và nêu rõ thế mạnh của từng vùng. Ví dụ: khu vực Trung du miền núi phía Bắc có thế mạnh về lâm nghiệp, các cây dược liệu, chăn nuôi gia súc. Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về thủy sản, lương thực thực phẩm, các ngành kinh tế biển. Cần phải có dàn ý. Cũng theo cô Mai, thí sinh cần có tư duy logic. Mỗi vùng kinh tế cần trả lời được 4 câu hỏi: cái gì? ở đâu? như thế nào? vì sao?

ky-nang-su-dung-atlat-bieu-do-an-diem-mon-dia

Trong quá trình làm bài thi, việc xác định vẽ biểu đồ dạng nào rất quan trọng. Những thí sinh xác định sai kiểu vẽ phần lớn là do chỉ chú ý tới bảng số liệu mà không đọc kĩ yêu cầu của đề. Vì vậy, thí sinh cần phải xem yêu cầu của đề như thế nào để thể hiện cơ cấu và vẽ phù hợp.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên trường THPT Việt Đức (Hà Nội)

Cô Mai đưa ra một số bí quyết đạt điểm cao phần vẽ biểu đồ. Thí sinh nên chọn biểu đồ hình tròn trong trường hợp số liệu dưới 3 năm. Nếu số liệu khoảng 6, 7 năm thí sinh nên chọn biểu đồ miền. Nếu đề thi ra theo dạng 2, 3 sản phẩm nhưng có đơn vị tính khác nhau như điện (tỉ kwh), dầu mỏ (triệu tấn),… thì biểu đồ nên chọn là dạng cột và miền. “Thí sinh cần có thêm kĩ năng tính toán, chuyển số liệu sang dạng % chính xác. “Khi vẽ biểu đồ phải cân đối, kích cỡ biểu đồ vừa phải, trực quan, đẹp. Không cần cầu kì quá đối với với các kí hiệu để đạt điểm tối đa”, cô Mai cho biết.

Một số điều lưu ý khi vẽ biểu đồ

–  Đối với các biểu đồ hình cột: Đường biểu diễn, biểu đồ kết hợp cột và đường, biểu đồ miền:Trục giá trị (trục đứng) phải có mốc giá trị cao hơn giá trị cao nhất trong bảng số liệu, có mũi tên chỉ chiều tăng lên của giá trị. Trên đầu cột cần ghi rõ đơn vị thể hiện (tấn, triệu, %…), ghi rõ gốc tọa độ; trục định loại (trục ngang) phải ghi rõ đơn vị thể hiện (năm, nhóm tuổi…). Đối với các biểu đồ đường biểu diễn, miền, kết hợp đường và cột phải chia các mốc trên trục định loại tương ứng với các mốc thời gian. Riêng đối với các biểu đồ hình cột, điều này không có tính chất bắt buộc nhưng vẫn có thể chia khoảng cách đúng với bảng số liệu để dễ dàng quan sát được cả mặt quy mô lẫn động thái phát triển, phải ghi các số liệu lên đầu cột (đối với các biểu đồ cột đơn). Trong trường hợp biểu đồ cột đơn nếu có sự chênh lệch quá lớn về giá trị của một vài cột (lớn nhất) và các cột còn lại, TS có thể dùng các thủ pháp vẽ trục giá trị gián đoạn ở chỗ trên giá trị cao nhất của các cột còn lại. Các cột có giá trị lớn nhất sẽ được vẽ thành cột gián đoạn, như vậy, biểu đồ vừa đảm bảo tính khoa học và thẩm mĩ. Ngoài ra, biểu đồ phải có phần chú giải và tên biểu đồ. TS nên thống nhất kí hiệu chú giải trước khi vẽ các biểu đồ thể hiện các đối tượng khác nhau. Tên biểu đồ có thể ghi ở trên hoặc dưới biểu đồ.

– Đối với biểu đồ hình tròn: Cần thiết kế các chú giải trước khi vẽ các hình quạt thể hiện các phần của đối tượng. Thứ tự vẽ các hình quạt phải theo đúng thứ tự được trình bày ở phần chú giải. Nếu vẽ 2 biểu đồ trở lên cần phải thống nhất quy tắc vẽ, vẽ hình quạt thứ nhất lấy gốc từ tia 12 giờ (như mặt đồng hồ) rồi vẽ tiếp cho các hình quạt tiếp theo thuận theo chiều kim đồng hồ. Đối với trường hợp vẽ biểu đồ cặp hai nửa hình tròn thì trật tự vẽ có sự thay đổi. Đối với nửa hình tròn trên, TS vẽ hình quạt thứ nhất bắt đầu từ tia 9 giờ, từ đó vẽ tiếp cho thành phần thứ 2, 3… thuận theo chiều kim đồng hồ. Với nửa hình tròn dưới, TS cũng vẽ hình quạt thứ nhất từ tia 9 giờ và vẽ các thành phần còn lại ngược chiều kim đồng hồ. Nếu bảng số liệu cho là cơ cấu (%), TS vẽ các biểu đồ có kích thước bằng nhau (vì không có cơ sở để vẽ các biểu đồ có kích thước lớn, nhỏ khác nhau). Còn nếu trường hợp bảng số liệu là giá trị tuyệt đối, TS phải vẽ các biểu đồcó kích thước khác nhau một cách tương ứng (tính bán kính cho mỗi vòng tròn). Biểu đồ cần phải có phần chú giải, tên biểu đồ có thể ghi ở trên hoặc dưới biểu đồ).

Sử dụng Atlat hiệu quả để ghi điểm

Hiện nay, rất nhiều học sinh có thói quen không sử dụng Atlat. Đây là một thiệt thòi cho các em. Tất cả các câu hỏi liên quan tới việc phân bố sản xuất, đặc điểm từng ngành kinh tế,… thí sinh có thể dùng Atlat để trả lời, không tốn thời gian học thuộc lòng các số liệu. Cô Mai đưa ra ví dụ cụ thể: Đối với dạng đề, dựa trên Atlat của các trang nêu các điều kiện để phát triển vùng kinh tế, thí sinh có thể sử dụng Atlat trang khí hậu, Atlat trang đất đai, Atlat trang thủy văn, khoáng sản để xác định sự phát triển của các khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm.

Bất kì bài học nào cũng nằm trong mối quan hệ với nhiều bài khác. Vì vậy, trên lớp cần phải chú ý nghe giảng, về nhà ôn lại bài và trả lời toàn bộ câu hỏi trong sách giáo khoa. “Nên làm thêm một số dạng bài trong sách nâng cao và chuẩn bị bài giảng cho tiết học sau”, cô Mai nhấn mạnh.

Thí sinh không nên ôn theo kiểu đọc lần lượt từ đầu đến cuối bài, như vậy kiến thức lưu lại sẽ rất ít. Trong quá trình học, thí sinh nên xem mỗi bài có bao nhiêu mục lớn, từng mục lớn có những mục nhỏ nào và ôn theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Đánh dấu lại những ý, những câu, những từ, số liệu quan trọng. “Khi ôn tập lại, những chỗ đánh dấu này sẽ giúp các em nhanh chóng tái hiện toàn bộ bài học”, cô Mai cho biết thêm.

You may also like

Leave a Comment