Đề bài: Trong chương trình “Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân – Phẳng hay không phẳng”, VTV1, 12/2/2016, nhà báo Lê Bình đã nhắc đến vấn nạn thực phẩm bẩn với một sự trăn trở:
“Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm sỉ, danh dự để có tiền. Sự kiếm tiền nào độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư – một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình.”
Anh (chị) suy nghĩ gì về nhận định của nhà báo Lê Bình? Trình bày quan điểm của mình trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay bằng một bài văn không quá 600 từ.
Dàn bài chi tiết Nghị luận xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm
1. Mở bài
Thịt heo có chất tạo nạc salbutamol, thịt bò được chế biến từ thịt heo tẩm hóa chất, thịt gà chết được nhuộm thành thịt gà vàng rụm,…Chưa khi nào người Việt băn khoăn hơn thế về việc lựa chọn loại thực phẩm nào cho bữa cơm gia đình.
Thực phẩm thiếu vệ sinh, an toàn lại một lần nữa được nhắc đến bởi nhà báo Lê Bình trong chương trình “Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân – Phẳng hay không phẳng”, buộc con người ta phải suy nghĩ về “quốc nạn thực phẩm bẩn “đang đe dọa trực tiếp đến từng cá nhân và toàn xã hội.
2. Thân bài
Giải thích nhận định
Nhận định của nhà báo Lê Bình đã làm nổi bật thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay (người nông dân tưới thuốc độc lên rau củ quả), hậu quả mà nó gây ra (hai giờ đồng hồ có 30 người chết vì ung thư) cũng như nguyên nhân của vấn nạn này (người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm sỉ, danh dự để có tiền).
Những chia sẻ đầy trăn trở ấy đã thôi thúc con người đào sâu vào vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động trong bối cảnh hiện tại.
Thực trạng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm
Liên tiếp gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người cảm thấy rất hoang mang. Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm… tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn.
Dẫn chứng:
Thịt heo nạc bất thường do lạm dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi, măng tươi được tẩm, nhuộm Auramine O – chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm.
Theo ông Vũ Đình Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: “Thực phẩm bẩn đang tuồn vào các siêu thị uy tín”. Như vậy, vấn nạn thực phẩm bẩn đang “hoành hành” từ các khu chợ thuận tiện cho việc mua bán thường nhật đến những siêu thị lớn gửi gắm niềm tin của người tiêu dùng.
Nguyên nhân
Doanh nghiệp, nhà sản xuất:
– Tâm lí muốn thu về lợi nhuận nhanh chóng bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn trong sản xuất, đối với người nông dân đôi khi còn là gánh nặng cơm áo gạo tiền. Sự thiếu hiểu biết về ảnh hưởng nghiêm trọng của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
– Sản xuất, canh tác, gieo trồng trong môi trường bị ô nhiễm trầm trọng từ đất đai, nguồn nước đến không khí.
Người tiêu dùng:
– Thiếu hiểu biết dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm một cách tràn lan, không chọn lọc.
– Tâm lí ham của rẻ vô tình tạo ra nhu cầu tiêu thụ lớn đối với thực phẩm kém chất lượng.
Cơ quan có thẩm quyền
– Chưa có biện pháp xử lí thích đáng đối với các trường hợp sản xuất không bảo đảm vệ sinh, buôn bán thực phẩm bẩn khiến vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn tiếp tục tái diễn.
– Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan pháp luật với tổ chức khoa học để đẩy nhanh quá trình phát hiện thực phẩm bẩn, ngăn chặn hoạt động sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bẩn.
Hậu quả của việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bẩn
Sức khỏe bị ảnh hưởng, tính mạng bị đe dọa khi sử dụng thực phẩm bẩn hàng ngày. Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội:“Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.
Tâm lí hoang mang, sự bất ổn có thể nảy sinh trong xã hội khi không còn niềm tin, tình thương giữa con người với con người.
Giải pháp ngăn chặn vấn đề thực phẩm bẩn
Nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn.
Đưa ra hình thức xử phạt đủ sức răn đe để loại bỏ việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7 đã đưa ra quy định cụ thể việc bỏ tù người sản xuất, kinh doanh “thực phẩm bẩn”.
Đẩy mạnh việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, biến đổi gen có lợi, an toàn cho sức khỏe.
3. Kết bài
Nhận định của nhà báo Lê Bình một lần nữa đã rung lên hồi chuông báo động về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trong thị trường, ẩn chứa những hậu quả nghiêm trọng thời gian vừa qua.
Giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn không phải là công việc có thể thực hiện một sớm, một chiều, bởi một cá nhân hay tổ chức riêng lẻ. Đây là một nhiệm vụ dài hạn đòi hỏi sự chung sức của cả cộng đồng để người ta thôi nghĩ về thực phẩm bẩn như một “quốc nạn”