Dàn bài “Nạn bạo hành trẻ em và phụ nữ” chi tiết
Bài làm
Mở bài:
Ngày nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên phấn đấu cho một chế độ công bằng và văn minh, dân chủ và giàu mạnh. Ấy thế mà trong xã hội vẫn tồn tại một hiện tượng làm nhức nhối trái tim và lương tri của những người lương thiện. Đó là hiện tượng bạo hành trẻ em và phụ nữ. Vậy thế nào là bạo hành, hậu quả của nó và thái độ, trách nhiệm của chúng ta ra sao trước vấn nạn này?
Thân bài:
1. Thế nào là bạo hành? Đó là hành động và lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn… bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
2.Thực trạng bạo hành trẻ em trong xã hội
Vừa qua, những phương tiện thông tin đại chúng đã gay gắt lên án những vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các địa phương trong cả nước, ở các môi trường sống khác nhau: Trong gia đình, trong các quán ăn và cả trong học đường. Chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết và chưa quên trường hợp thật đau lòng của cháu Đan Trân, trường mầm non Thiên Thơ, bị cô bảo mẫu Lê Vi, vì muốn cháu ngừng khóc mà dán băng keo vào miệng và dẫn đến cái chết bi thương. Và còn đây là một câu chuyện làm bàng hoàng mọi người. Bé Hảo mới 4 tuổi đã bị ngay người mẹ “đứt ruột” đẻ ra mình bạo hành. Thấy con nghịch tờ tiền, bà mẹ đã dùng kéo cắt ngón tay để “Cảnh cáo”, một lần bé Hảo không may trèo cây bị ngã. Trước sự việc đó, bà mẹ chẳng những không cứu con, mà thậm chí còn có một hành động tàn ác hơn cả dã thú. Dùng dao phạt đứt gót chân con. Hậu quả là bé Hảo bị mất 41% sức khoẻ, trên mình đầy rẫy vết thương và phải sống như một người tàn phế. Còn đây là cô bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà, Đồng Nai đã dùng bạo lực đánh đập, tát, vả… những đứa trẻ còn rất non yếu do bà ta trông giữ, đến độ bà phải lãnh án tù. Và ở trường nọ, có một thầy giáo dạy ngoại ngữ thấy học sinh mình học quá kém, thầy không hề tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em vô cùng éo le, nhà nghèo, bố đạp xích lô, mẹ đi bán vé chui, một mình em gánh trên vai việc chăm sóc ba em nhỏ, nên việc học tập đã bị sa sút, để mà thông cảm và tìm cách giúp đỡ. Đằng này, thầy lại buông lời xỉ vả, xúc phạm: “Ba mày ngu, mẹ mày ngu nên sinh ra mày ngu vậy đó”. Chưa hết, thầy còn lăng mạ, ấn dùi đầu em học sinh ấy để cả lớp cười chê về “tấm gương xấu” này. Hình thức bạo hành trong nhà trường còn có nhiều biểu hiện, thiên hình vạn trạng như cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã bị chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến nỗi em bị thương nặng phải đi viện v.v. .. Ấy là những việc “nổi tiếng”, vì hậu quả nghiêm trọng gây thương tích, chết người nên công luận lên tiếng và mọi người mới biết. Còn những kiểu bạo hành âm thầm “hành” mà không “bạo” như mắng nhiếc, doạ dẫm, “khủng bố” tinh thần và thể xác, không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta, thì ai mà thống kê hết được?
3. Thực trạng bạo hành phụ nữ trong xã hội
Cùng với việc bạo hành trẻ em, là bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra trên khắp mọi miền đất nước và ngày một gia tăng, khá nghiêm trọng. Đó là hiện tượng người vợ bị chồng đánh đập, bị sỉ nhục, đe doạ, hoặc bị bỏ mặc không quan tâm, hoặc bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội… hoặc bị chồng ép phải sinh con theo ý muốn của mình v.v… Ta hãy nghe phóng viên Nguyễn Huy (báo Thể thao – văn hoá) kể “Gần chục năm nay, căn nhà nhỏ phường Mân Thái (Đà Nẵng) của gia đình chị D đã xảy ra những trận đánh đập, chửi rủa của chồng sau những cơn say… cứ rượu vào là chẳng biết vợ con gì hết. Hết đánh vợ con thì lại rầm rầm chửi bới. Không chỉ nhà chị chịu khổ, mà bà con lối xóm cũng khó chịu vì tình trạng mất trật tự”. Và đây là những dòng nhật ký của một đứa con viết về tình trạng người bố vũ phu đánh đập, hành hạ mẹ mình “Nhìn cái thân xác gầy còm, tàn tạ của mẹ mà tôi thấy đau lòng… Đầu óc tôi luôn kinh hãi ám ảnh bởi cách hành hạ của bố. Không chỉ hành hạ mẹ bằng kiểu “Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, mà bố tôi còn bạo hành mẹ tôi cả tinh thần bằng những lời nhục mạ, chửi rủa. Giờ trong đầu tôi vẫn còn nhớ như in bữa cơm hôm trước..
-Rượu ông đâu?
-Bố à! Hôm nay mẹ không đi chợ, không có rượu đâu bố ạ!
Thế là một trận đòn bắt đầu, một cuộc chiến tranh mà ba mẹ con tôi trở thành nạn nhân, trở thành đối thủ không cân sức. Bom đạn là những cái bát, cái xoong, cái nồi tan tành ngoài sân. “Tên phát xít” phủ xuống đầu người đàn bà khốn khổ cả chửi, cả đánh, cả đấm. Nhưng “Phát xít” chửi mà không biết tiếng bản địa còn đỡ đau. Đằng này, bố tôi là “Tên phát xít” nói được cả tiếng bản địa, tiếng của con người để lăng mạ, xỉ nhục mẹ tôi” (theo Nguyễn Thị Hoa lớp 12B1 – Quỳnh Lưu – Nghệ An): Điều đáng buồn là nạn bạo hành phụ nữ cũng đã để lại những hậu quả khủng khiếp. Người phụ nữ không chỉ bị sang chấn rất mạnh mẽ về tâm lý, mà còn bị đau đớn, tổn thương về thể xác. Có nhiều người bị gẫy tay, gẫy chân, thâm tím mặt mày thân thể, thậm chí bị thương tật suốt đời. Ấy thế mà theo thống kê của ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở tư pháp Đã Nẵng, nạn bạo hành trên thành phố đang gia tăng, trung bình mỗi năm có đến 600 vụ án liên quan đến bạo lực gia đình. Hầu hết nạn nhân (90%) là phụ nữ: Thật là những con số biết nói.
4. Bình luận: Bản chất của nạn bạo hành trẻ em, phụ nữ, hậu quả của nó và thái độ, trách nhiệm của mỗi chúng ta trước vấn nạn này.
Bạo hành là một hành động xấu xa cần phải lên án.
a. Bác Hồ đã từng viết “Trẻ em … là bầy con cưng”, «Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ. Biết học hành là ngoan». Thế mà có những búp non không những bị vùi dập một cách thô bạo, phũ phàng, mà còn bị rẻ rúng, khinh thường. Những người bạo hành con cái, trẻ em là những người không yêu con, không yêu trẻ và có cách giáo dục thiếu tình thương.“Phụ tử tình thâm” “Hổ báo cũng không ăn thịt con”; “Bầu ơi thương lấy bì cùng…”, mà nỡ đối xử với con thơ, trẻ thơ như thế sao? Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Đặc biệt ở nhiều gia đình thế hệ con, đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ nó được chứng kiến. Theo số liệu điều tra của Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em, có đến 80% em bỏ nhà hoặc phạm pháp là do hậu quả của nạn bạo hành.
b. Nạn bạo hành đối với phụ nữ là những hành động cũng rất cần kịp thời được lên án và loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Vì sự bạo hành phụ nữ là sự xúc phạm, làm tổn thương nghiêm trọng đến một tượng đài mà mọi người trên thế gian này đều phải biết ơn: Người Mẹ, người đã đưa lại cho ta tất cả sự sống, nuôi dạy ta lớn khôn, người đã đươc Bác Hồ trân trọng tặng cho 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”
c. Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hoà và ảnh hưởng lớn tới sự bền vững của gia đình và xã hội. Còn bạo hành ngoài xã hội thì ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, ứng xử của con người.
d. Dù bởi nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do áp lực của cuộc sống, do đói nghèo, do say rượu thiếu tỉnh táo… hay gì đi nữa, thì hành động bạo hành cũng là hành động của những con người gần như mất hết lương tri, suy đồi về đạo đức, tha hoá về nhân cách và đi ngược lại truyền thống đạo lý yêu thương nhân ái “Thương người như thể thương thân” vốn rất đẹp và quý báu của dân tộc ta.
Kết luận:
Việt Nam ta là nước đâu tiên ở Châu Á đã ký kết công ước về đảm bảo quyền trẻ em. Chúng ta hãy nỗ lực thực hiện bằng được cam kết ấy. Và pháp luật, báo chí, toàn xã hội phải góp sức, chung tay cùng lên án hành vi bạo hành trẻ em và phụ nữ để có thể mang lại sự bình yên cho gia đình và xã hội, làm cho mọi người được sống trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Đúng như điều mà Tố Hữu đã từng mơ ước “Có gì đẹp trên đời hơn thế! Người với người, sống để yêu nhau”; “Đảng cho ta trái tim giàu”, Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”.