Thầy giáo Vũ Thanh Hòa – giáo viên môn Ngữ Văn sẽ chia sẻ cho các em học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc Gia sắp tới Bí kíp học tập để đạt điểm cao môn Văn với câu nghị luận xã hội.
Việc ôn tập và luyện thi môn Văn có gì đặc thù hay khác biệt so với việc ôn luyện những môn thi khác?
Việc ôn tập và luyện thi môn Văn có những nét đặc thù khác so với những môn học khác, lượng kiến thức của môn Văn tương đối nhiều và bắt buộc các em học sinh phải học thuộc lòng nhiều, phải đọc tác phẩm thì mới có thể làm được bài. Đối với những môn học xã hội khác có thể đơn thuần học thuộc lòng, nhưng môn Văn thì ngoài việc học thuộc các tác phẩm và nắm vững kiến thức cơ bản thì các em còn phải đọc hiểu văn bản, cảm nhận thơ văn hay những bài nghị luận xã hội. Nghĩa là để ôn tốt môn Văn đòi hỏi kết hợp cả yêu cầu học thuộc, kĩ năng làm bài tốt và tư duy logic.
Ngoài ra, môn Văn còn thiên về cảm nhận riêng vì mỗi người có một cảm nhận riêng về tác phẩm văn học. Đặc biệt, để đạt điểm cao môn văn còn đòi hỏi vốn kiến thức xã hội rộng để làm tốt câu nghị luận xã hội trong đề thi. Quả thật, môn Văn phức tạp hơn so với những môn Toán, Lý, Hóa hay Sinh.
Thầy có thể chia sẻ chiến thuật gì trong bài làm để các thí sinh đạt được điểm cao nhất không?
Theo tôi thì không có chiến thuật gì để đạt được một bài thi đạt điểm cao cả, nhưng tôi nghĩ một bài thi đạt điểm cao trước tiên phải có hình thức trình bày rõ ràng sạch đẹp. Rất nhiều người coi thường việc này trong khi hình thức trình bày sẽ giúp cho bài viết được sáng rõ, sạch đẹp và cẩn thận. Ngoài ra, muốn đạt điểm cao thì cần đi đúng trọng tâm của đề bài, trả lời ngắn gọn, xúc tích và đủ ý. Để làm điều đó, các em học sinh phải nắm chắc và đọc thật kĩ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, tránh việc “học đông học tây” nhưng cuối cùng không nắm được những điều cơ bản.
Trong đề thi thì có 60% là câu hỏi dễ và 40% là câu hỏi khó. Câu hỏi dễ thường nằm ở phần đầu, phần đọc hiểu, nghị luận xã hội. Tôi nghĩ việc đầu tiên để có được số điểm cao là rèn nhiều bài đọc hiểu, cảm thụ, nắm vững các kiến thức căn bản và rèn nhiều nghị luận xã hội. Lời khuyên dành cho các bạn là đừng nên học nâng cao ngay khi kiến thức cơ bản chưa nắm được.
Nhiều bạn thí sinh cho biết thường khá bị động khi làm câu nghị luận xã hội, thầy có phương pháp nào giúp các bạn thí sinh làm tốt câu nghị luận xã hội không?
Tôi cho rằng các thầy cô trên lớp đã chú ý rèn luyện cho học sinh kĩ năng làm bài nghị luận xã hội rồi, nhưng có thể các em chưa thực sự làm theo hướng dẫn của thầy cô nên mới có tình trạng bị động. Để đạt được điểm cao trong câu nghị luận xã hội, điều tiên quyết là phải đọc nhiều để có vốn kiến thức về xã hội. Các em phải đọc nhiều về cuộc sống xung quanh, kiến thức, có nhiều ngữ điệu. Các em có thể đọc những bài học kinh nghiệm hay khai thác nhiều hơn ở báo chí, thông tin đại chúng để có được dữ liệu thông tin tốt. Khi có được nguồn dữ liệu rồi thì bất cứ bài nào các em cũng có thể liên hệ để làm bài được suôn sẻ hơn, có độ sâu hơn.
Khi thực hiện một bài văn nghị luận, thứ nhất, các em cần phải có dàn ý cơ bản. Ví dụ như dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý chẳng hạn thì chúng ta cần phải lập dàn ý sao cho để khi chứng minh, giải thích vừa cặn kẽ vừa tránh lạc đề. Thứ 2, các em nên tham khảo thêm bằng cách luyện tập các đề trên mạng, tham khảo dàn ý của mọi người, tập cách lập luận sao cho chặt chẽ. Thứ 3 là phải đọc nhiều để tăng kiến thức và đưa ra những quan điểm của riêng mình. Nhưng quan trọng là những quan điểm đó phải phù hợp với quy chuẩn của đạo đức và xã hội. Có những bạn đưa ra quan điểm riêng trong bài làm nhưng lại mang tính cực đoan cá nhân, không phù hợp với bài nên điểm cũng sẽ không được cao.
Còn khoảng một tháng nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng, trong thời gian này thì ôn luyện môn Văn như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?
Trong những ngày cuối này vẫn kịp cho các bạn ôn tập và làm bài tốt. Về câu nghị luận xã hội, các bạn nên tham khảo, đọc thường xuyên, mỗi ngày làm 1 đề, nếu không làm thành bài thì làm dàn ý để luyện tư duy và sự nhanh nhạy. Còn về việc ôn thi những tác phẩm văn học thì nên có kế hoạch 2 ngày học 1 bài, mỗi ngày dồn 2 tiếng để học một cách tập trung thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.