Cô Tạ Thị Thanh Hiền, sẽ chia sẻ cho các em học sinh Bí kíp làm bài luận tiếng Anh ghi điểm cao với những lời khuyên vô cùng quan trọng trong việc học và làm bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi sắp tới.
Ôn thi tiếng Anh như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất? Làm thế nào để nhớ được hết các ngữ pháp và từ vựng quan trọng? Làm bài luận tiếng Anh cần phải lưu ý những gì?… Tất cả các câu hỏi thường gặp của các sĩ tử trong việc ôn thi môn tiếng Anh trước kỳ thi Tuyển sinh Đại học Cao đẳng sẽ được cô giáo Tạ Thị Thanh Hiền sẽ giải đáp cặn kẽ.
Theo cô, việc ôn thi tiếng Anh là khó hay dễ?
– Hiện nay, các em có rất nhiều nguồn tham khảo phục vụ cho việc ôn thi của mình, tuy nhiên các em cần biết chọn lọc nguồn uy tín. Việc ôn thi của các em đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ việc tiếp cận với các trang luyện thi hay hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia như Lize hay các trang học trực tuyến khác như tuyensinh247, hocmai, vv..
Các sĩ tử cần vượt qua những gì để có thể ôn tập tiếng Anh tốt nhất?
– Trước hết các em cần là người học chủ động, có thời gian biểu cho việc ôn thi khoa học và nguồn tài liệu hữu ích phục vụ việc ôn thi, cần sắp xếp thời gian hợp lý giữa học – giải trí, bớt thời gian Facebook nếu thấy việc đó không phục vụ cho việc ôn thi của mình, các em có thể tham khảo các nguồn tham khảo từ nhiều trang Fanpage cho việc học
Cô có thể chia sẻ cách ôn luyện như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất trong thời điểm hiện tại?
– Ngày thi sắp đến gần, đến thời điểm này, ngữ pháp của các em cần phải khá chắc để tập trung cho phần đọc hiểu và viết. Với phần ngữ pháp, các em chú ý theo các chuyên đề ngữ pháp quan trọng, phần này tuyệt đối không để mất điểm. Các nội dung ngữ pháp quan trọng: Các thì (tenses), sự hòa hợp giữ chủ ngữ và động từ, các cách chuyển đổi câu từ câu chủ động sang câu bị động (active – passive voices), các cách chuyển đổi từ câu trực tiếp sang gián tiếp (direct – reported speech), câu ước (wishes), câu điều kiện (the conditional sentences), cách sử dụng mệnh đề tính ngữ (relative clauses)…
Với phần đọc hiểu, các em cần tìm hiểu các dạng câu hỏi hay gặp để không bối rối khi gặp dạng câu đó trong bài thi, với các dạng câu đó, các em cần tìm cho mình một chiến lược để trả lời nhanh nhất và chính xác nhất, thường để tìm thông tin nhanh thì cần chú ý các từ khóa trong câu hỏi, các từ in hoa, các số… rồi định vị được thông tin đó nằm ở chỗ nào trong bài đọc. Chú ý cần đọc kỹ câu trước, sau thông tin đó để có thể chọn được câu trả lời chính xác.
Phần thi viết yêu cầu phải vận dụng kiến thức tổng hợp và sự hiểu biết, cô có lời khuyên gì để các thí sinh làm tốt phần này, đặc biệt là viết đoạn văn theo chủ đề để đạt hiệu quả cao?
– Với phần viết, được chia ra 2 phần: viết lại câu và viết đoạn, các em cần chú ý là các dạng viết lại câu thường tập trung vào các loại câu như: Chuyển một câu chủ động sang câu bị động; chuyển một câu trực tiếp sang câu gián tiếp (dạng câu hỏi nhưng tự mình rút ra mục đích của câu hỏi là gì: khuyên, gọi ý, đề nghị hay mời mọc…); Câu điều kiện hay câu ước; câu đảo ngữ; câu sử dụng các thành ngữ hay cụm động từ – giới từ; câu sử dụng các cấu trúc tương đồng; câu chứa các mệnh đề, thể giả định.
Vậy viết đoạn văn theo chủ đề cần lưu ý cấu trúc như thế nào?
– Đầu tiên bố cục bài luận phải rõ ràng mạch lạc, cần có câu chủ đề, các câu triển khai ý chính kèm các ví dụ, dẫn chứng, giải thích rõ ràng, trực tiếp và phải có câu kết luận. Các em cũng phải lưu ý các ý chính và các ví dụ, giải thích cần được liên kết với nhau bằng các từ nối, nên sử dụng câu ghép, câu phức để đạt điểm tối đa và giọng văn phải logic (không nên chủ quan cá nhân , trừ đề hỏi vế ý kiến cá nhân hay kể về vấn đề cá nhân, với đề bài về chủ đề xã hội tránh dùng “you”, “we” mà nên nói đối tượng chung chung “They”.
Ngoài kĩ năng viết, các sĩ tử nên tập trung ôn thêm phần nào để có thể làm bài thi tốt hơn?
– Các em cần tận dụng thời gian còn lại để đọc các bài đọc liên quan tới các chủ đề được học ở Phổ thông, cũng như các chủ đề xã hội khác, đặc biệt các chủ đề nóng đang được đề cập tới trên báo đài để có thông tin hay kiến thức từ vựng để không bị bỡ ngỡ khi làm bài đọc. Các em chú ý khi học từ mới thì cần có sổ từ để ghi các từ mới theo chủ đề, viết phiên âm và học cách đánh trọng âm, âm của từ, đọc to để nhớ âm, giải thích nghĩa của từ và tìm các từ hay được kết hợp với từ đó (Collocations) và cũng cần có ví dụ của riêng mình để nhớ từ vựng hơn.
Xin cảm ơn cô đã chia sẻ!