Home Những bài văn mẫu hay Cách làm bài văn nghị luận về bài thơ, đoạn thơ

Cách làm bài văn nghị luận về bài thơ, đoạn thơ

by admin

Dưới đây là đề cương tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Ngữ văn Cách làm bài văn nghị luận về bài thơ, đoạn thơ Sở GD&ĐT Tuyên Quang mời các bạn tham khảo

I. Kĩ năng làm bài nghị luận về bài thơ, đoạn thơ
Đối tượng của kiểu bài này rất đa dạng (một bài thơ, đoạn thơ, hình tượng thơ…). Kiểu bài này cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, cấu tứ của bài thơ, đoạn thơ đó.
1.1. Yêu cầu về kĩ năng
– Có kĩ năng phân tích đề, lập dàn ý cho bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
– Nêu luận điểm, nhận xét, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của một bài thơ, đoạn thơ.
– Biết huy động kiến thức sách vở và những cảm xúc, trải nghiệm của bản thân để viết bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, hình tượng thơ…
– Vận dụng tổng hợp các thao tác nghị luận (phân tích, bình luận, chứng minh, so sánh, bác bỏ…) để làm bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
1.2. Yêu cầu về nội dung kiến thức
– Nắm được mục đích, yêu cầu, đối tượng của bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; so sánh tác phẩm thơ, đoạn thơ.
– Các bước triển khai bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ:
a) Bước 1: Xác định các yêu cầu của đề.
– Xác định dạng đề;
– Yêu cầu nội dung (đối tượng);
– Yêu cầu về phương pháp;
– Yêu cầu về phạm vi tư liệu, dẫn chứng.
b) Bước 2: Lập dàn ý – tìm ý, sắp xếp ý: Theo bố cục ba phần:
– Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, bài thơ, đoạn thơ (vị trí đoạn thơ).
– Thân bài: Bàn về những giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ để làm rõ vấn đề cần nghị luận.
– Kết bài: Đánh giá chung về bài thơ, đoạn thơ.
c) Bước 3: Viết bài.
d) Bước 4: Kiểm tra, chỉnh sửa (nếu có).

cach-lam-bai-van-nghi-luan-ve-doan-tho-bai-tho-1
II. Những nội dung ôn tập
1. Các bài: Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Trích – Tố Hữu); Đất Nước (Trích Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm).
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng viết để trình bày cảm nhận, phân tích về bài thơ (đoạn thơ) đáp ứng yêu cầu đề bài nêu ra; đáp ứng yêu cầu kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học.
* Yêu cầu về kiến thức:
– Nắm được những nét chính về nội dung và nghệ thuật của từng bài; thấy được hình ảnh hai cuộc kháng chiến và những tình cảm yêu nước thiết tha, những suy nghĩ, cảm xúc trong sáng, thiết tha của các tác giả; tính dân tộc và những sáng tạo trong thể loại, từ ngữ, hình ảnh.
2. Bài: Sóng (Xuân Quỳnh).
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng viết để trình bày cảm nhận, phân tích về bài thơ (đoạn thơ) đáp ứng yêu cầu đề bài nêu ra; đáp ứng yêu cầu kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học.
* Yêu cầu về kiến thức:
– Nắm được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ: về vẻ đẹp tâm hồn và niềm khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong tình yêu; thấy được những cảm xúc riêng tư, trong sáng của nhà thơ và nét đặc sắc về thể loại, từ ngữ, hình ảnh.
3. Bài: Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo).
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng viết để trình bày cảm nhận, phân tích về bài thơ (đoạn thơ) đáp ứng yêu cầu đề bài nêu ra; đáp ứng yêu cầu kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học.
* Yêu cầu về kiến thức:
– Nắm được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ: vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Lor-ca qua cách cảm nhận và tái hiện độc đáo của tác giả; cảm xúc và suy tư sâu sắc, mãnh liệt của nhà thơ cùng nét mới mẻ, hiện đại trong hình thức biểu đạt thơ mang phong cách tượng trưng.
2. Hướng dẫn luyện tập làm bài nghị luận về Bài thơ, đoạn thơ trong chương trình THPT

Đề số 1: – Nghị luận về đoạn thơ

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi…”
(Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2008, trang 88)
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”
(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2008, trang 112)
Gợi ý:
Tìm hiểu đề
(?) Nội dung vấn đề cần nghị luận:
– Giá trị nội dung của hai đoạn thơ trong bài Tây Tiến và Việt Bắc.
– Giá trị nghệ thuật của hai đoạn thơ.
(?) Kiểu bài và thao tác lập luận:
– Nghị luận văn học (Nghị luận về một đoạn thơ).
– Thao tác lập luận chính: Phân tích; Thao tác lập luận hỗ trợ: chứng minh, bình luận, so sánh.
(?) Phạm vi tư liệu và dẫn chứng:
Đoạn thơ trích từ bài Tây Tiến và Việt Bắc đã dẫn trong đề bài.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về hai tác giả, tác phẩm.
– Dẫn dắt và trích dẫn hai đoạn thơ.
b. Thân bài:
– Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Tây Tiến.
– Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Việt Bắc.
– So sánh về hai đoạn thơ (nét tương đồng và khác biệt).
– Nhận định chung về giá trị của hai đoạn thơ.
c. Kết bài:
– Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu.
– Nêu cảm nghĩ của bản thân (tình cảm của con người khi nghĩ về quá khứ).
Dàn ý chi tiết
a. Mở bài:
– Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài, tên tuổi của ông gắn liền với tác phẩm Tây Tiến. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ của tác giả về thiên nhiên và con người nơi tác giả cùng gắn bó khi tham gia trong đoàn quân Tây Tiến. Bốn câu thơ đầu đã thể hiện rõ nét nội dung cũng như cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của tác giả.
– Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của Tố Hữu. Bài thơ đã thể hiện tình cảm sâu sắc của người cán bộ kháng chiến với chiến khu và con người nơi núi rừng Việt Bắc. Bốn câu thơ thuộc phần một của bài thơ đã khắc họa phần nào đạo lí ân tình thủy chung đó.
b. Thân bài:
* Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
– Hai câu đầu bộc lộ nỗi nhớ da diết của tác giả về cảnh núi rừng Tây Bắc và người lính Tây Tiến. Những hình ảnh hiện về trong nỗi nhớ bao trùm lên cả không gian và thời gian.
– Tiếng gọi Tây Tiến ơi đầy tha thiết, trìu mến; điệp từ nhớ thể hiện nỗi nhớ cháy bỏng; từ láy chơi vơi vẽ ra trạng thái của nỗi nhớ, hình tượng hóa nỗi nhớ dàn trải, da diết.
– Hai câu còn lại khắc họa vẻ đẹp của người lính trên đường hành quân gian khổ. Thời gian từ sáng sớm đến đêm khuya cho thấy sự gian lao, vất vả và sự tinh tế trong cảm nhận của người lính Tây Tiến trên bước đường hành quân.
– Từ ngữ chỉ địa danh Sài Khao, Mường Lát gợi sự hoang sơ, vắng vẻ; Hình ảnh thơ có sự hài hòa giữa thực và ảo; Sự kết hợp hiệu quả giữa âm vần rồi, ơi, chơi vơi, hơi tạo âm hưởng thiết tha, bồi hồi.
* Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:
– Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ khôn nguôi về những trận đánh nơi chiến khu Việt Bắc. Thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc cùng gắn kết với con người trong chiến đấu với kẻ thù.
– Dưới con mắt nhà thơ, thiên nhiên, núi rừng nơi đây trở nên có ý chí, có tình người. Đoạn thơ góp phần khẳng định thiên nhiên và con người Việt Nam thật anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống lại kẻ thù.
– Sử dụng nghệ thuật nhân hóa, lặp từ mang hiệu quả biểu đạt cao; Hai từ che, vây đối lập làm nổi bật vai trò của núi rừng chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
* So sánh hai đoạn thơ:
– Điểm tương đồng: Hai đoạn thơ đều bộc lộ nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng về thiên nhiên và con người ở những nơi mà người linh đã từng đi qua và in dấu nhiều kỉ niệm.
– Điểm khác biệt:
+ Đoạn thơ trong Tây Tiến bộc lộ nỗi nhớ cụ thể của người trong cuộc, toát lên vẻ hào hoa, lãng mạn, hình ảnh thơ nghiêng về ý nghĩa tả thực.
+ Đoạn thơ trong Việt Bắc thông qua nỗi nhớ để thể hiện cái tình, lòng biết ơn sâu nặng của người cán bộ kháng chiến đối với đất và người Việt Bắc, hình ảnh thơ nghiêng về ý nghĩa khái quát, tượng trưng.
c. Kết bài
– Đánh giá chung: Nội dung chủ yếu của hai đoạn thơ là thể hiện nỗi nhớ về cảnh và người nơi núi rừng Tây Bắc và chiến khu Việt Bắc.
– Khẳng định: Hai đoạn thơ đã thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc của con người khi nghĩ về một thời quá khứ gian khổ mà hào hùng.
Đề số 2: – Nghị luận về bài thơ
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Gợi ý:
Tìm hiểu đề
(?) Nội dung vấn đề cần nghị luận:
Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
(?) Kiểu bài và thao tác lập luận:
– Kiểu bài: Nghị luận về một bài thơ (về khía cạnh giá trị trong bài).
– Thao tác lập luận chính: Cảm nhận (phân tích, chứng minh, bình luận); Thao tác lập luận hỗ trợ: Giải thích, so sánh.
(?) Phạm vi tư liệu và dẫn chứng:
Bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh).
Lập dàn ý
a. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu luận đề: Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện qua bài thơ.
b. Thân bài:
– Giới thiệu hình tượng sóng.
– Cảm nhận về bài thơ để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu (hệ thống luận điểm, dẫn chứng thơ và phân tích để làm rõ từng luận điểm).
– Bàn luận chung về vấn đề nghị luận.
c. Kết bài:
– Đánh giá chung về giá trị của bài thơ Sóng.
– Khẳng định giá trị nhân văn của bài thơ, cảm nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
Dàn ý chi tiết
a. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc, có sắc thái rất riêng, đậm chất nữ tính của một tâm hồn phụ nữ rất thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương. Sóng được sáng tác năm 1967, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
– Giới thiệu về luận đề: Bài thơ Sóng là tiếng lòng chân thành, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
b. Thân bài
– Giới thiệu hình tượng sóng: là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. Sóng là sự ẩn thân, hóa thân của nhân vật trữ tình “em”.
Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động những trạng thái, cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.
– Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu:
+ Thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng tình yêu muôn thuở (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ).
+ Khao khát khám phá sự bí ẩn của qui luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).
+ Bộc lộ một tình yêu sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, một nỗi nhớ cồn cào, da diết, chiếm lĩnh cả thời gian và không gian (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước … Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức… ).
+ Luôn hướng tới một tình yêu thủy chung, son sắt (Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương).
+ Ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng, bất tử để làm đẹp cho cuộc đời (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).
– Đặc sắc nghệ thuật: ẩn dụ (mượn hình tượng sóng để thể hiện tình yêu một cách sinh động, gợi cảm); thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi.
– Bàn luận chung: Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
c. Kết bài:
– Đánh giá chung: Sóng là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu.
– Khẳng định: Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

You may also like

Leave a Comment