Vậy là học kì I sắp kết thúc, chắc hẳn các em đang chuẩn bị cho kì thi này, để hổ trợ cho các em làm bài tốt trong kì thi này, onthitot sẽ tổng hợp một số đề thi học kì I của các trường để các em tham khảo.
ĐỀ 1-ĐỀ THI HỌC KÌ I MÔN VĂN LỚP 8 TỈNH BẠC LIÊU
I. PHẦN TIẾNG VIỆT (2 điểm)
Câu 1. (0,5 điểm)
Thế nào là tình thái từ?
Câu 2. (0,5 điểm)
Nói giảm nói tránh có tác dụng gì?
Câu 3. ( 1 điểm)
Đặt một câu ghép có sử dụng cặp quan hệ từ: “tuy… nhưng…..” Xác định chỉ ngữ, vị ngữ trong câu ghép vừa đặt.
II. PHẦN VĂN BẢN (3 điểm)
Câu 1. (1 điểm)
Theo em, nguyên nhân nào đã đẩy lão Hạc (“lão Hạc- Nam Cao) đến cái chết thê thảm?
Câu 2. (1 điểm)
Văn bản ” Bài toán dân số” thuộc loại văn bản nào? Vấn đề chính mà tác giả muốn đặt ra trong văn bản này là gì?
Câu 3. (1 điểm)
“Trời chiều phẳng lặng nước trong veo
Nhẹ lướt trên sông một mái chèo”
Câu thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN. (5 điểm)
Kể về một việc em đã làm khiến ba mẹ rất vui lòng.
—— HẾT ——-
Đáp án đề thi học kì 1 lớp 8 môn Văn Bạc Liêu
I. PHẦN TIẾNG VIỆT: (2.0 điểm)
Câu 1. (0.5 điểm)
Tình thái từ là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người nói.
Câu 2. (0.5 điểm)
Nói giảm nói tránh có tác dụng tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
Câu 3. (1.0 điểm)
– HS đặt đúng câu ghép có quan hệ từ “Tuy………nhưng……..”. (0.5 điểm)
VD. Tuy Nam đi học thường xuyên nhưng bạn ấy học rất kém.
– Xác định đúng chủ ngữ, vị ngữ trong câu ghép vừa đặt. (0.5 điểm)
II. PHẦN VĂN BẢN: (3,0 điểm)
Câu 1. (1,0 điểm)
Nguyên nhân dẫn đến cái chết thê thảm của lão Hạc là:
– Tình cảnh đói khổ, túng quẫn. (0,5 điểm)
– Xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao, từ lòng tự trọng đáng kính. (0,5 điểm)
Câu 2. (1,0 điểm)
– Thuộc loại văn bản nhật dụng. (0,5 điểm)
– Văn bản đặt ra vấn đề: Dân số và kế hoạch hóa gia đình. (0,5 điểm)
Câu 3. (1,0 điểm)
– Văn bản “Trời chiều bơi thuyền trên sông”. (0,5 điểm)
– Tác giả: Tạ Quốc Bửu. (0,5 điểm)
III. PHẦN TẬP LÀM VĂN: (5.0 điểm)
Hè năm ngoái, em đã làm được việc tốt là cứu một em nhỏ khỏi chết đuối trên đoạn sông chảy qua làng. Em còn nhớ rõ là nghỉ hè được vài ngày, em đăng kí học lớp võ Karate của Câu lạc bộ thể dục thể thao của huyện. Tuần ba buổi, em đạp xe đi tập từ sáng sớm, đốn trưa mới về. Karate quả là một môn võ hấp dẫn vô cùng, nhất là đối với lứa tuổi thiếu niên. Cũng bởi say mê tập luyện mà em không ngại đường xa, nắng nôi vất vả.
Một buổi trưa, em về đến gần đầu làng thì thấy mấy bé trai đang kêu thất thanh: “Cứu với! Có người chết đuối!”. Nhìn xuống mặt sông lấp loá, em thấy một em bé đang nhấp nhô, chới với. Quẳng vội chiếc xe đạp ven đường, em lao xuống nước, bơi nhanh về phía đó. Trong đầu em chỉ có một ý nghĩ là phải cứu bằng được em bé nọ.
Năm sải, mười sải vẫn chưa tới nơi. Khúc sông Ninh chảy qua làng em nước khá xiết. Em bé đã bị cuốn ra gần giữa dòng. Tình thế vô cùng nguy ngập, không nhanh không kịp. Em ngoi lên hít một hơi dài rồi gắng hết sức để bơi. Rất may, em đã nắm được tóc đứa bé. Cậu bé trong cơn kinh hoàng cứ túm chặt lấy em. Vất vả lắm em mới đưa được bé vào bờ.
Đuối sức, em nằm vật ra bờ sông thở dốc, chân tay rã rời. Lúc này, lũ trẻ cũng đã gọi bố mẹ em bé và một số dân làng ra tới nơi. Một cụ già nắm chân cậu bé dốc ngược, quay mấy vòng. Cu cậu ộc ra bao nhiêu là nước rồi dần dần tỉnh lại. Mẹ cậu bé ôm lấy con khóc nức nở. Tự nhiên nước mắt em cũng trào ra vì xúc động. Bố cậu bé nâng em dậy, vừa khóc vừa cảm ơn em.
Đám đông theo em về tận nhà. Thấy xôn xao ngoài ngõ, ông bà, bố mẹ em chạy cả ra. Nghe mọi người kể lại đầu đuôi câu chuyện, bố xiết chặt em vào lòng và nói: “Khá lắm, con trai bố khá lắm! Bố tự hào về con!”. Chuyện em cứu sống cậu bé Tùng lan nhanh khắp làng. Sau đó em trở thành “người hùng” của đám trẻ con trong xóm. Thỉnh thoảng được em dạy cho một vài thế võ, chúng thích mê, càng coi em là “thần tượng”.
Chuyện đó trở thành một kỉ niệm đẹp trong đời, mỗi lần nhớ đến em lại thấy vui vui. Còn cu cậu suýt chết đuối ngày nào, giờ cũng đã học lớp năm rồi đấy. Đương nhiên, cậu ta xin được làm “cái đuôi” rất dễ thương của anh “Nghĩa võ” – cái tên mà lũ trẻ yêu mến đặt cho em.
ĐỀ 2-ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I THCS NHUẾ DƯƠNG
Phần 1: Đọc – hiểu (4,0 điểm).
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 5:
“Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu. Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:
– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!
Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu. Chị Dậu nghiến hai hàm răng:
– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!
Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu…”
(Theo HDH Ngữ Văn 8, tập một, trang 27)
1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của ai?
2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn trên.
3. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên?
Từ văn bản có đoạn văn được dẫn ở trên, em rút ra được quy luật gì trong cuộc sống?
4.Đặt 1 câu ghép chỉ nguyên nhân vì sao chị Dậu lại phản kháng với bọn cai lệ như vậy?
5. Trong cuộc sống hôm nay, nếu chứng kiến cảnh người phụ nữ hay một bé gái bị chồng, cha ngược đãi, em sẽ ứng xử như thế nào? (Viết thành một đoạn văn từ 6 đến 8 dòng).
* Phần 2. Làm văn (6,0 điểm).
Thuyết minh về chiếc bánh chưng ngày Tết.
ĐỀ 3- ĐỀ TH HỌC KÌ I LỚP 8 MÔN VĂN QUẬN TÂY HỒ 2017-2018
Phần I (5.0 điểm):
Cho đoạn văn: (.. .) Làng tôi không thiếu gì các loại cây nhưng hai cây phong này khác hẳn– chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm chúng cũng nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm lửa vô hình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại thở dài một lượt như thương tiếc người nào. Và khi mây đen kéo đến cùng với bão dông, xô gãy cành, tỉa trụi lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực.
1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Của ai? Nêu xuất xứ của văn bản.
2. Nhân vật “tôi” trong đoạn là ai? Nhân vật đó có vai trò thế nào trong văn bản?
3. Xác định và phân tích cấu tạo của một câu ghép trong đoạn. Cho biết vị trí của câu ghép đó đối với đoạn văn.
4. Tìm ít nhất hai từ tượng thanh, hai từ tượng hình trong đoạn và nêu tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung.
5. Kỷ niệm tuổi thơ luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người. Với cảm hứng được khơi gợi từ văn bản có những câu văn trên, hãy viết một đoạn văn ngắn về một kỉ niệm sâu sắc của mình.
Phần II.. (5.0 điểm):
Văn bản “Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000” có viết: (… ) Việc sử dụng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường bởi đặc tính không phân hủy của pla-xtic. Hiện nay ở Việt Nam mỗi ngày thải ra hàng triệu bao bì ni lông, một phần được thu gom, phần lớn bị vứt bừa bãi khắp nơi công cộng, ao hồ, sông ngòi.
1. Hãy cho biết Ngày Trái Đất là ngày nào? Được khởi xướng năm nào và Việt Nam tham gia từ bao giờ?
2. Nêu nội dung của đoạn văn.
3. Thực tế hiện nay nhiều siêu thị, cửa hàng,… đã sử dụng túi giấy và các loại túi thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông. Hãy viết một văn bản thuyết minh để giới thiệu về một trong những loại túi đó.
Trên đây là 3 đề thi học kì I môn Văn lớp 8 của một số trường, các em tham khảo để ôn luyện tốt cho kì thi này nhé, chúc các em học tốt.