Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong nền văn học 1945-1975
Cách mạng Tháng Tám thành công là “cuộc tái sinh mầu nhiệm” đã mở ra bước ngoặt lớn cho quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đồng thời nó cũng là động lực để tạo nên một cuộc cách mạng trong văn học. Đó là sự thay đổi của một cách nhìn, một cách cảm, một quan niệm sống trong sáng tạo nghệ thuật. Từ năm 1945 trở đi những người cầm bút đã ý thức sâu sắc được trách nhiệm trong các sáng tác của mình là phải phụng sự cho đất nước,các tác phẩm cần tập trung đề cập đến các vấn đề thời sự,liên quan đến vận mệnh dân tộc,tạo dựng và ca ngợi những con người của thời đại đã sống và phục vụ cho tổ quốc. Chính vì vậy mà văn học giai đoạn 1945-1975 mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Trước hết cần giải thích được về khái niệm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Khuynh hướng sử thi được hiểu là những tình cảm, cảm xúc tự hào, ngợi ca của tác giả về những vấn đề lớn lao quyết định vận mệnh chung của cộng đồng. Đây là cảm hứng chi phối mạnh mẽ đến các sáng tác của các thi nhân trong thời kỳ kháng chiến , đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm viết theo khuynh hướng sử thi là tác phẩm đề cập đến những đề tài có ý nghĩa lịch sử và mang tính dân tộc. Nhân vật chính là những người tiêu biểu cho lí tưởng và phẩm chất cộng đồng,và chiến đấu vì cộng đồng.Sử thi thì mang ý nghĩa lịch sử còn cảm hứng lãng mạn lại mang nội dung trữ tình sôi nổi, dạt dào và hướng về lý tưởng, hướng về tương lai.Cảm hứng lãng mạn không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi.Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút kí,tuỳ bút và cả kịch bản sân khấu đều rất giàu chất thơ.Hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn. Cảm hứng lãng mạn đó là cách nhìn thế giới mang đậm dấu ấn chủ quan, đầy mơ ước.Có khi đó là sự mơ ước bay bổng hướng tới cái chưa có trong thực tế bằng niềm tin,sự lạc quan.Có khi đó là những rung động về lí tưởng cao đẹp,khát vọng lớn lao của những con người có chí hướng, hoài bão cao cả…Văn học 1945-1975 đã thể hiện những cảm xúc lãng mạn tích cực đó.Hiện thực chiến tranh khốc liệt, phải đương đầu với hai kẻ thù hùng mạnh, một nửa đất nước tiến lên con đường Chủ nghĩa xã hội từ đôi tay trắng, phải “Dọn tí phân rơi nhặt từng mẩu lá” để “dựng cơ đồ”(Tố Hữu). Con người muốn đứng vững,vượt qua hiện thực ấy cần phải có niềm tin và tâm hồn lãng mạn.
Nền văn học 1945-1975 phát triển, vận động theo chặng đường lịch sử của dân tộc. Chính khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã làm cho văn xuôi tự sự gần với thơ ca và thơ ca giàu yếu tố tự sự. Vì vậy văn học bám sát vào cuộc sống hiện thực hơn.Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được biểu hiện ở các phương diện sau:
Thứ nhất, Cảm hứng sử thi trong việc lựa chọn Đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Tác phẩm thường đề cập đến những vấn đề chung của cộng đồng, của xã hội, của đất nước. Ví như cuộc đối đầu quyết liệt của đồng bào Tây Nguyên với Đế quốc và tay sai trong truyện ngắn Rừng xà nu. Các tác phẩm mang cảm hứng sử thi luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Thứ hai: trong việc xây dựng hình tượng.
Các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm mang cả hứng sử thi, dù là những con người bình dị, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, thành phần dân tộc… đều mang trong mình những phẩm chất anh hùng, thể hiện tầm vóc lớn lao, kết tụ sức mạnh, ý chí chung của cả cộng đồng. Đó là những Tnú, cụ Mết và dân làng Xô man, là hình ảnh đoàn quân hừng hực khí thế trong Việt Bắc: “Những đường Việt Bắc của ta…Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”. Cảm hứng chủ đạo khi xây dựng những hình tượng, nhân vật này là cảm hứng khẳng định, ngợi ca, tự hào… thường kết hợp với thủ pháp cường điệu hóa.Các nhân vật thường được đặt trong bối cảnh không gian rộng lớn, kì vĩ để tôn nổi tấm vóc của nhân vật…
Thứ ba: Ngôn ngữ tác phẩm
Ngôn ngữ thường có tính chất trang trọng, giàu hình ảnh, có tính biểu tượng cao và giàu giá trị gợi cảm. Giọng điệu tác phẩm thường mang âm hưởng hùng tráng, lay động và khích lệ mạnh mẽ tình cảm người đọc…
Thứ tư: Một số thủ pháp nghệ thuật.
Các thủ pháp nghệ thuật thường được tác giả sử dụng là thủ pháp cường điệu, so sánh nhằm khắc họa nổi bật hình ảnh những nhân vật tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp và ý chí, khát vọng của cả cộng đồng. Trong truyện Rừng xà nu, cách tổ chức kết cấu kiểu truyện trong truyện, đầu cuối tương ứng (kết cấu vòng tròn) cũng góp phần chuyển tải tư tưởng và cảm hứng sử thi của tác phẩm
Từ năm 1945 đến năm 1954 là thời kỳ chống Pháp của đất nước. Văn học gắn liền với khuynh hướng sử thi, tập trung phản ánh không khí hồ hởi, vui sướng khi đất nước giành độc lập và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Văn học gắn bó với cuộc sống kháng chiến. Cho nên mới có những lời mừng vui:
“Mẹ ! Cao – Lạng hoàn toàn giải phóng
Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn
Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
Người đông như kiến, súng đầy như củi”
( Dọn về làng_Nông Quốc Chấn)
Đó là thắng lợi của chiến dịch Biên Giới, là niềm vui của nhân dân Cao – Bắc – Lạng. Văn học cũng tập trung khám phá sức mạnh và những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân. Cảm hứng chủ đạo của giai đoạn này là cảm hứng lãng mạn. Các nhà văn, nhà thơ luôn hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng. Dù gian khổ,dù khó khăn nhưng trong trái tim các chiến sĩ luôn là niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng : “Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”
Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong nền văn học 1945-1975(bài thơ Việt Bắc)
Hơn nửa văn học còn ngợi ca những đổi thay của đất nước và con người trong bước đầu xây dựng Xã hội chủ nghĩa với cảm hứng lãng mạn. Đó là sự đổi đời của con người, miêu tả sự biến đổi số phận và tính cách nhân vật trong môi trường xã hội mới qua bài thơ “Đất nước”:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Đất nước_Nguyễn Đình Thi)
Rồi một ngòi bút như Nguyễn Khải và sự cảm thông với số phận thiệt thòi, với khao khát của những người phụ nữ như Đào trong “Mùa lạc”. Qua đó khẳng định hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ của ngày hôm qua và hôm nay, từ bàn tay lao động trong cuộc sống xây dựng mới. Đồng thời mỗi người cần có đủ sức mạnh, dũng khí để vượt qua những trở ngại, ranh giới đó cũng như Đào cuối cùng cũng đã xây đắp cuộc sống mới với ông Dịu.
Văn học giai đoạn 1945-1975 đề cao tinh thần yêu nước và ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tập trung phản ánh cuộc sống lao động, khắc họa thành công hình ảnh con người Việt Nam anh dũng, kiên cường, bất khuất. Tác phẩm”Những đứa con trong gia đình” kể chuyện chiến trường mà giống như tái hiện chuyện trong gia đình. Đó là chiến sĩ trẻ Việt với ý chí chiến đấu mạnh mẽ và tình yêu thương hồn nhiên, trong sáng. Đó là chị Chiến biết bao lo toan, nhường nhịn và khôn ngoan. Chị từng khẳng định với Việt:”nếu giặc còn thì tao mất”. Và “Quán rượu người câm” của Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa cuộc chiến đấu khóc liệt trong trận Đồng Khởi. Nhân vật chính thường tiêu biểu cho lí tưởng chung của dân tộc, gắn bó sản phẩm mình với sản phẩm đất nước, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cộng đồng. Lời văn mang giọng điệu ngợi ca, trang trọng và đẹp một cách tráng lệ.Cái đẹp của cá nhân là ở ý thức công dân, lẽ sống lớn và tình cảm lớn.
Khuynh hướng sử thi giai đoạn này là khuynh hướng vươn tới những cái lớn lao, phi thường qua những hình ảnh tráng lệ. Ở Tố Hữu, cái tôi trữ tình ban đầu là cái tôi chiến sĩ, về sau là cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân dân Đảng và đất nước. Tuy đứng giữa thực tại đầy đau khổ, mất mát, đau thương nhưng tâm hồn họ luôn hướng về tương lai, về lí tưởng.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
(Tố Hữu_theo chân Bác)
Trong việc biểu hiện tâm hồn thơ, Tố Hữu luôn hướng đến cái ta chung:
Hồn thơ Tố Hữu luôn hường đến cái ta chung, lẽ sống lớn, niềm vui lớn của dân tộc và của Cách mạng. Cái tôi nếu có là cái tôi của người chiến sĩ, cái tôi nhân danh Đảng và dân tộc. Vì thế có ý nghĩa khái quát, rộng lớn. Cảm hứng thơ Tố Hữu thường bắt đầu từ cảm hứng chính trị, từ những tình cảm lớn cao cả, tiêu biểu: tình yêu lý tưởng, lãnh tụ, đồng bào đồng chí,….
Trong việc miêu tả đời sống, thơ ông luôn mang đậm chất sử thi:
Đối tượng thể hiện chủ yếu trong thơ Tố Hữu là những sự kiện lớn của dân tộc, những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tình chất toàn dân, những biến cố quan trọng tác động đến vận mệnh dân tộc cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lịch sử dân tộc, là vận mệnh của cộng đồng. Các nhân vật trữ tình thường mang phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc: anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân, người mẹ Việt Nam anh hùng….
Để dẫn ra một tác phẩm tiêu biểu có thể minh hoạ cho sự tồn tại của “nền văn học sử thi” trong văn học Việt Nam 1945 – 1975, tưởng không có tác phẩm nào tiêu biểu hơn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Quả đây là một truyện ngắn mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn. Tính sử thi của Rừng xà nu được biểu lộ trước hết ở những sự kiện có tính chất toàn dân được nhắc tới. Những chuyện xảy ra với làng Xô Man hoàn toàn không có ý nghĩa cá biệt. Chúng là chuyện chung của cả Tây Nguyên, cả miền Nam, cả nước trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mĩ.
Biểu hiện thứ hai của tính sử thi trong Rừng xà nu là truyện ngắn đã xây dựng thành công hình tượng một tập thể anh hùng. Những anh hùng được kể tới trong đó đều có tính đại diện cao, mang trong mình hình ảnh của cả một dân tộc. Tập thể anh hùng trong Rừng xà nu là tập thể đa dạng về lứa tuổi và giới tính từ cụ Mết, Tnú, Mai, Dít đến bé Heng. Mỗi gương mặt anh hùng đều có những nét riêng, thể hiện một số phận riêng trong cuộc đời chung. Tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản : gan dạ, trung thực, một lòng một dạ đi theo cách mạng. Biểu hiện thứ ba của tính sử thi ở truyện ngắn Rừng xà nu là nó đã miêu tả các sự kiện, các nhân vật anh hùng từ một cái nhìn chiêm ngưỡng, khâm phục.
Tính sử thi của Rừng xà nu còn thể hiện ở giọng văn tha thiết, trang trọng mà tác giả đã sử dụng khi kể về sự tích của làng Xô Man. Giọng văn ấy cũng thấm đượm trong việc miêu tả thiên nhiên, khiến cho hình ảnh rừng xà nu bỗng thổi tới trong lòng người đọc một cảm giác say sưa.
Sống giữa chiến tranh khốc liệt,luôn phải đối mặt với hy sinh mất mát song những người chiến sĩ vẫn ngời sáng phẩm chất anh hùng cách mạng,họ tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và tìm thấy niềm vui,sự lạc quan từ chính thực tại cuộc sống như nhà văn Anh Đức đã nói:”nơi dòng đời chảy xiết, nơi máu đổ, nơi tình huống khó khăn gian khổ nhưng lại là nơi có thể viết nên những trang đẹp nhất”.
Cảm hứng lãng mạn đã khẳng định cái tôi đầy cảm xúc và hướng tới lí tưởng, ca ngợi con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn làm cho văn học giai đoạn này thấm nhuần tinh thần lạc quan và đáp ứng được yêu cầu phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng. Suốt ba mươi năm văn học luôn là tiếng kèn xung trận, tiếng trống thúc quân góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước.
Trên đây là bài văn phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong nền văn học 1945-1975, các bạn tham khảo nhé !