Đặc điểm chung của các bài văn về tư tưởng, đạo lý đều có yêu cầu về nghị luận (đòi hỏi người viết phải nhận định, giải thích , bình luận, chứng mình). Thông thường các đề bài có thể đưa ra mệnh lệnh hay không nhưng vấn đề nghị luận thì nhất định phải có và chỉ tập trung vào một vấn đề. Lưu ý, Cần phân biệt giữa vấn đề tư tưởng, đạo lí với vấn đề là sự việc, hiện tượng đời sống.
Ôn lại Về cách làm bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lý: Gồm 4 bước
Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý
Xác định ba yêu cầu:
+ Yêu cầu về nội dung: Vấn đề cần nghị luận là gì? (Lí tưởng (lẽ sống); Cách sống; Hoạt động sống; Mối quan hệ trong cuộc đời giữa con người với con người (cha con, vợ chồng, anh em và những người thân thuộc khác). Ở ngoài xã hội có các quan hệ: tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bạn bè…) ? Có bao nhiêu ý cần triển khai? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?
+ Yêu cầu về phương pháp: Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng ? (giải thích, chứng minh, bình luận…).
+ Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong văn học, trong đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).
Bước 2: Lập dàn ý
* Mở bài:
Giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần nghị luận.
Nêu khái quart nội dung, ý nghĩa tư tưởng đạo lý
* Thân bài:
Cần trình bày các ý chính sau:
– Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận:
Lí giải từ ngữ, điển tích, khái niệm, đi vào nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hẹp, nghĩa mở rộng, đi vào những cách nói tế nhị bóng bẩy để hiểu được đến nơi đến chốn luận đề được đưa ra nhằm xác lập mộtcách hiểu đúng đắn, sâu sắc có tính biện chứng nhằm chống tránh cách hiểu sai, hiểu không đầy đủ, không hết ý. Bước kết thúc của thao tác giải thích là rút ra được ý nghĩa của luận đề.
– Phân tích, chứng minh vấn đề bằng những dẫn chứng cụ thể
+ Làm sáng tỏ chân lý bằng các dẫn chứng và lí lẽ.
+ Tìm hiểu điều cần phải chứng minh , không những chỉ bản thân mình hiểu, mà còn phải làm cho người khác thống nhất, đồng tình với mình cách hiểu đúng nhất
+ Lựa chọn dẫn chứng. Từ thực tế cuộc sống rộng lớn, tư liệu lịch sử rất phong phú, ta phải tìm & lựa chọn từ trong đó những dẫn chứng xác đáng nhất, tiêu biểu, toàn diện nhất (nên chỉ cần vài ba cái để làm sáng tỏ điều cần CM).
Dẫn chứng phải thật sát với điều đang muốn làm sáng tỏ và kèm theo dẫn chứng phải có lí lẽ phân tích – chỉ ra những nét, những điểm ta cần làm nổi bật trong các dẫn chứng kia.
Để dẫn chứng và lí lẽ có sức thuyết phục cao, ta phải sắp xếp chúng thành 1 hệ thống mạch lạc và chặt chẽ: theo trình tự thời gian, không gian, từ xưa đến nay, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong hoặc ngược lại… miễn sao hợp logic.
– Bình luận (bàn bạc, mở rộng vấn đề): phải bày tỏ thái độ, để khách quan và tránh phiến diện, ta phải xem xét kĩ luận đề để từ đó có thái độ đúng đắn.
– Bày tỏ thái độ: có 3 khả năng.
+ Hoàn toàn nhất trí.
+ Chỉ nhất trí 1 phần (có giới hạn, có điều kiện).
+ Không chấp nhận (bác bỏ).
– Sau đó, ta bình luận – mở rộng lời bàn để vấn đề được nhìn nhận sâu hơn, toàn diện hơn, triệt để hơn.
* Kết bài:
– Liên hệ thực tế bản thân.
– Rút ra bài học cho bản thân bài học nhận thức và hành động.
Bước 3: Tiến hành viết bài văn
– Dựa trên hệ thống các ý đã sắp xếp trong dàn ý, viết thành bài văn hoàn chỉnh.
– Triển khai bài viết theo hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng đã xây dựng (theo dàn ý)
– Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.
Bước 4: Đọc lại và sửa chữa để hoàn chỉnh bài viết
2. Hướng dẫn luyện tập làm bài nghị luận về tư tưởng đạo lí
Đề số 1:
Anh (chị) hãy cho biết ý kiến của mình về câu ngạn ngữ: “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể ”. (Bài viết khoảng 600 từ).
Phân tích đề
– Yêu cầu về nội dung: con người cần chọn cách sống thực tế, phù hợp với khả năng của mình, để không rơi vào viễn vông.
– Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận.
– Yêu cầu về phạm vi tư liệu: đời sống xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
Giới thiệu câu ngạn ngữ: “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể ”.
b. Thân bài:
* Giải thích:
– “ Điều ta ước muốn” là những khát vọng, ước mơ của con người.
– “ Điều ta có thể” là những gì nằm trong khả năng của bản thân.
– Ý nghĩa của câu ngạn ngữ: Con người cần chọn cách sống thực tế, phù hợp với khả năng của mình, để không rơi vào viễn vông.
* Phân tích, chứng minh:
– Câu nói nêu ra một quan niệm sống tích cực đem lại niềm vui, niềm tin cho con người.
– Nếu “ước muốn” quá cao xa, không phù hợp với khả năng của bản thân thì việc làm không có kết quả. Từ đó, con người sẽ chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống.
– Sống theo những điều làm được trong khả năng của mình thì công việc có kết quả. Vì vậy, con người sẽ có niềm tin, phát huy năng lực đóng góp cho xã hội.
(Đưa dẫn chứng chứng minh).
* Bình luận (bàn bạc, mở rộng vấn đề):
– Khẳng định câu nói hoàn toàn đúng.
– Nêu ý nghĩa của câu nói.
+ Ước mơ có vai trò quan trọng trong đời sống con người.
+ Mơ ước, khát vọng tạo động lực cho con người phấn đấu vươn lên trong học tập và lao động.
+ Sống không có mơ ước, luôn vừa lòng với thực tại thì cuộc sống trở nên trì trệ.
=> câu ngạn ngữ: Là bài học cho con người trong cách chọn cách sống:biết ước mơ nhưng cần thực tế, phù hợp với khả năng của mình, để không rơi vào viễn vông.
c. Kết bài:
– Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức, hành động: Sống tích cục, phải có ước mơ cao đẹp và ước mơ phải phù hợp với năng lực của bản thân.
Đề số 2:
Suy nghĩ của anh (chị) về quan điểm của Éuripides: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại những tai ương của số phận”.
Phân tích đề
– Yêu cầu về nội dung: Bàn về câu nói của Éuripides: đề cao vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi con người trong cuộc sống.
– Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận.
– Yêu cầu về phạm vi tư liệu: đời sống xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
Giới thiệu câu của Éuripides: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại những tai ương của số phận”.
b. Thân bài:
* Giải thích câu nói
– “Gia đình”: tổ ấm của mỗi con người, nơi mỗi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên; “Chốn nương thân”: nơi che chở tin cậy, chỗ dựa vững chắc.
– “Tai ương của số phận”: những bất hạnh, rủi ro gặp phải trong cuộc đời; “Duy chỉ có …mới… ” : nhấn mạnh tính duy nhất.
–> Câu nói khẳng định giá trị, tầm quan trọng của gia đình với mỗi người: là chỗ dựa, điểm tựa duy nhất để chống lại những bất hạnh, rủi ro gặp phải trên đường đời.
* Phân tích, chứng minh
– Câu nói có ý nghĩa sâu sắc, là lời nhắc nhở thấm thía về ý nghĩa, giá trị to lớn của gia đình đối với mỗi người. Bởi vì:
+ Gia đình là cái nôi hạnh phúc của mỗi người. Nơi đó ta được nuôi dưỡng, chở che, bao bọc, được đón nhận tình yêu thương thiêng liêng vô bờ bến của những người thân, những người ruột thịt.
+ Truyền thống, lối sống và sự giáo dục của gia đình là môi trường hình thành nhân cách, phẩm chất cho mỗi con người – những hành trang cần thiết khi đối mặt với thử thách trên đường đời; Gia đình còn là nền tảng, là bệ phóng cho mỗi con người đến với những thành công sau này (điều kiện kinh tế, mối quan hệ xã hội… của gia đình …).
+ Gia đình còn là hậu phương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc: nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã, tiếp thêm sức mạnh khi chúng ta gặp khó khăn, trở ngại, an ủi, chia sẻ khi chúng ta đau buồn (d/c)
– Gia đình không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với cuộc đời mỗi người mà còn có vai trò quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển của xã hội (gia đình là tế bào của xã hội)
* Bình luận (bàn bạc, mở rộng vấn đề):
– Câu nói đúng; ý nghĩa của câu nói: Nhắc nhở con người cần biết quý trọng gia đình. Phê phán những người không biết yêu quý, trân trọng giá trị của gia đình (sống thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến những người thân, chà đạp lên những giá trị truyền thống của gia đình…).
– Ý kiến của Éuripides đã tuyệt đối hóa vai trò của gia đình đối với mỗi người, song trong thực tế:
+ Ngoài gia đình, mỗi người còn có những điểm tựa khác để vượt qua những khó khăn, thử thách như: bạn bè, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp…
+ Những người không có được điểm tựa gia đình vững chắc vẫn biết vươn lên, trưởng thành, trở thành người có ích.
c. Kết bài:
– Yêu quý, trân trọng gia đình, nhận thức được vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi người và xã hội.
– Bằng những việc làm cụ thể góp phần xây dựng gia đình của mình hạnh phúc, bền vững, giàu mạnh; vận động những người xung quanh cùng chung tay xây dựng gia đình vì một xã hội tốt đẹp.
Đề số 3:
“Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ”
(Theo: Hạt giống tâm hồn – NXB Tổng hợp TP HCM, 2008)
Những suy ngẫm của anh /chị về quan niệm trên.
Phân tích đề
– Yêu cầu về nội dung: tâm hồn con người sẽ trở nên trong sáng, giàu đẹp hơn nếu biết lạc quan, sẻ chia và độ lượng với mọi người.
– Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận.
– Yêu cầu về phạm vi tư liệu: đời sống xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
Giới thiệu câu nói: “Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ”.
b. Thân bài:
* Giải thích câu nói:
– Tự làm giàu mình: tự nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn mình
Mỉm cười: biểu hiện của niềm vui, sự lạc quan, yêu đời
Cho đi: là biết quan tâm, chia sẻ với mọi người
Tha thứ: là sự bao dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác
– Ý cả câu: Tâm hồn con người sẽ trở nên trong sáng, giàu đẹp hơn nếu biết lạc quan, sẻ chia và độ lượng với mọi người.
* Phân tích, chứng minh:
– Lạc quan, yêu đời giúp con người có sức mạnh để vượt lên những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, có niềm tin về bản thân và hướng đến một khát vọng sống tốt đẹp (dẫn chứng, phân tích).
– Biết quan tâm, chia sẻ, con người đã chiến thắng sự vô cảm, ích kỷ để sống giàu trách nhiệm và yêu thương hơn (dẫn chứng, phân tích).
– Biết bao dung, độ lượng, con người sẽ trút bỏ đau khổ và thù hận để sống thanh thản hơn và mang lại niềm vui cho mọi người (dẫn chứng, phân tích).
– Ngoài sự lạc quan, sẻ chia, độ lượng con người còn có thể bồi đắp, và nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những ứng xử tốt đẹp khác (dẫn chứng, phân tích).
* Bình luận (bàn bạc, mở rộng vấn đề):
– Câu nói đúng. Sự giàu có về tâm hồn có ý nghĩa quyết định sự hoàn thiện nhân cách của mỗi người.
– Cần có ý thức gìn giữ và bồi đắp để đời sống tinh thần, tình cảm của bản thân không bị xói mòn và chai sạn bởi mặt trái của cuộc sống hiện đại.
– Để làm được điều đó, phải bắt đầu từ những thái độ sống tích cực, có ý nghĩa với mình và mọi người.
=> Ý nghĩa của câu nói: Câu nói có tác dụng gợi mở, nhắc nhở mọi người phải luôn chú ý hoàn thiện bản thân
c. Kết bài:
Liên hệ thực tế bản thân về ý thức tu dưỡng, hành động: Phải biết nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn mình để tâm hồn trở nên trong sáng, giàu đẹp hơn bằng sự lạc quan, sẻ chia và độ lượng với mọi người….
Đề số 4:
Suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm sống sau đây của Ra-bin-đra-nát Ta-go:
“Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương
Và đòi hỏi tôi đáp lại bằng lời ca tiếng hát”.
Phân tích đề
– Yêu cầu về nội dung: bàn về thái độ sống, cách sống để đối mặt với “nỗi đau thương”.
– Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận.
– Yêu cầu về phạm vi tư liệu: đời sống xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
Giới thiệu quan niệm sống của Ra-bin-đra-nát Ta-go:
“Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương
Và đòi hỏi tôi đáp lại bằng lời ca tiếng hát”.
b. Thân bài:
* Giải thích câu nói
– Cuộc đời không phải chỉ có hoa hồng, thảm nhung, ánh sáng nó còn có những vực sâu, bóng tối. Cho nên, trong cuộc sống, mỗi người đều phải đối mặt với nỗi đau thương mà cõi đời đem đến cho tâm hồn, trái tim mình; đó có thể là sự thất vọng, nỗi buồn thương,…
Cuộc sống mang đến cho ta rất nhiều áp lực: công việc, sự nghiệp, gia đình, mối quan hệ đồng nghiệp, họ hàng,… “đôi khi cuộc sống trở nên không chịu đựng nổi”.
– Muốn sống có ý nghĩa, ta phải đáp lại những “nỗi đau thương” mà đời đem đến bằng “lời ca tiếng hát” tức là phải có thái độ sống lạc quan; yêu đời, sống bằng cả trái tim, tấm lòng.
–> Trước những đau buồn, bất hạnh mà cuộc đời mang lại, ta cần sống lạc quan, yêu đời, sống chân thành và hết mình để sự sống thêm ý nghĩa, đẹp tươi.
* Phân tích, chứng minh:
Lí giải vì sao “cõi đời hôn lên hồn ta nỗi đau thương” mà ta phải “đáp lại bằng lời ca tiếng hát”?
– Nếu con người nhanh chóng gục ngã trước những nỗi đau thương thì con người sẽ không tồn tại được, không thể sống một cách có ý nghĩa; khi đó ta chỉ như một kẻ hèn nhát, yếu đuối, bị động, buông xuôi trên dòng đời và tất yếu bị hủy diệt. (dẫn chứng chứng minh)
– Khi ta đáp lại bằng “lời ca tiếng hát”, ta sẽ có đủ tự tin, ý chí, nghị lực để vượt qua sóng gió cuộc đời, bởi tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống là những năng lượng tinh thần vô giá, có sức mạnh diệu kì giúp con người thoát khỏi những bế tắc, khủng hoảng trong cuộc sống. (dẫn chứng chứng minh)
* Bình luận (bàn bạc, mở rộng vấn đề):
– Đây là một quan niệm sống tích cực, một thái độ sống khỏe khoắn, một cách sống đúng đắn đem lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc.
– Phê phán những người bi quan, yếu đuối, thiếu bản lĩnh đã nhanh chóng bị sóng gió cuộc đời quật ngã, không thể đứng dậy sau thất bại, đau khổ.
– Sống lạc quan song không nên huyễn hoặc, ảo tưởng.
=> ý nghĩa của câu nói: Câu nói có tác dụng nhắc nhở mọi người cần có thái độ sống, cách sống tích cực khi đối mặt với “nỗi đau thương”.
c. Kết bài:
Liên hệ bản thân, rút ra bài học.
Một số ghi nhớ khi làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí
– So sánh đặc điểm của bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí với bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống. Từ đó rút ra nhận xét về điểm khác nhau giữa hai dạng bài nghị luận này.
– Bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng cuộc sống: Từ một sự việc, hiện tượng đời sống, người viết nêu ra vấn đề mang ý nghĩa tư tưởng, đạo lí.
– Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đao lí: Bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… làm sáng tỏ, một vấn đề tư tưởng, đạo lí, chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của nó; qua đó khẳng định tư tưởng của người viết.