Home Những bài văn mẫu hay Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

by admin

Dàn bài Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

I. Mở bài:
– XQ là gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ chống Mỹ. Thơ XQ là một tiếng thơ trẻ trung, tươi mát, đầy nữ tính.
– Đặc điểm đặc sắc trong thơ tình XQ là bày tỏ trực tiếp tình yêu của người phụ nữ một cách tự nhiện mà mãnh liệt, đằm thắm.
– “Sóng” bộc lộ khát vọng một tình yêu vĩnh hằng, cao thượng của trái tim người phụ nữ đang yêu.
a. Khổ 1 + 2: Trạng thái tâm lí đặc biệt của người phụ nữ đang yêu
– Khổ thơ mở đầu bằng một phát hiện về sóng:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
+ Nữ sĩ phát hiện ra hai sự đối lập trong con sóng muôn đời: Dữ dội, ồn ào, mạnh mẽ, cuồng nhiệt và dịu êm, lặng lẽ, sâu lắng, dịu dàng.
+ XQ thấy sóng mang trong mình tâm trạng, tính cách của người phụ nữ đang yêu, có sự hài hòa của các đối cực: vừa dịu êm, lặng lẽ nhất lại vừa dữ dội, ồn ào nhất.
-> Hai câu thơ mở đầu là lời tự thú, tự bạch táo bạo mà êm đềm. Táo bạo vì nó nhận ra sự mãnh liệt. Êm đềm vì sau những “dữ dội”, “ồn ào” tình yêu của người phụ nữ vẫn nghiêng đổ về phía cuối câu thơ để dịu dàng và sâu lắng.
– Mỗi con sóng lại mang trong mình một khát vọng lớn. Sóng luôn khao khát tự nhận thức, tự khám phá, tìm kiếm sự vô biên của tình yêu trong trái tim mình. Vì thế sóng trở nên quyết liệt, khi “không hiểu nổi mình” … “sóng tìm ra tận bể”, từ bỏ những nhỏ hẹp, chật chội để tìm đến với sự bao dung, rộng lớn.
– Biển là hình ảnh của sự bất diệt. Đối diện với biển, XQ liên tưởng tới sự bất diệt của khát vọng tình yêu. Biển ngàn đời cồn cào, xáo động như tình yêu muôn đời vẫn “bồi hồi” vỗ sóng “trong ngực trẻ”
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
b. Khổ 3 + 4: Nhu cầu phân tích, lí giải tình yêu
– Sóng từ đối tượng cảm nhận được chuyển thành đối tượng để suy tư. Từ cái nền mênh mông của thiên nhiên “muôn trùng sóng bể”, dòng suy tư của người phụ nữ cuộn lên như con sóng khôn cùng. Những câu hỏi trở thành cuộc đối thoại lớn với vũ trụ về tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Tự nơi nào sóng lên”
– Xúc cảm tình yêu là xúc cảm mạnh nhất trong trái tim con người. Vì vậy, bao đời nay tình yêu vẫn là câu hỏi lớn. XQ muốn cắt nghĩa về nguồn gốc của sóng để tìm lời giải đáp cho câu hỏi về sự khởi nguồn của tình yêu trong trái tim mình
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
-> Thiên nhiên bí ẩn còn có thể lí giải, nhưng không thể dùng lí trí tỉnh táo để xác định thời điểm chính xác bắt đầu một mối tình. Lời thú nhận của XQ thật hồn nhiên và chân thành, nó bộc lộ phần nữ tính mềm mại, đằm thắm trong trái tim người phụ nữ muốn sống và yêu nồng nhiệt, thiết tha.
c. Khổ 5 + 6: Nỗi nhớ tình yêu
– Tình yêu đi liền với nỗi nhớ. Nỗi nhớ cũng chính là điểm da diết, khắc khoải nhất của tình yêu. Tâm hồn người con gái đang yêu soi vào sóng, nhờ sóng diễn tả nỗi nhớ vô tận của lòng mình:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nghĩ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
+ Khổ thơ khác biệt (6 câu) là ẩn dụ cho chiều dài mênh mang của nỗi nhớ
+ Hai cặp hình ảnh so sánh độc đáo: Sóng vỗ bờ cả ngày lẫn đêm, em nhớ anh cả lúc thức lẫn lúc ngủ.
+ Thời gian sinh hoạt còn có giới hạn, thời gian tình yêu thống trị cả tiềm thức lẫn giấc mơ. Chỉ có trái tim yêu chân thành, mãnh liệt mới khiến tình yêu chiếm lĩnh cả thời gian và không gian, cả ý thức và tiềm thức như thế.
– Cuộc đời như đại dương mênh mông, vô cùng vô tận. Con sóng thì nhỏ bé. Nhưng giữa cái mênh mang của vũ trụ, sóng mới bộc lộ đầy đủ những khát khao cháy bỏng, những đam mê nồng nhiệt mà vẫn quá đỗi dịu dàng, đằm thắm. Đất trời có bốn phương nam – bắc – tây – đông, nhưng trong vũ trụ tình yêu của người phụ nữ chỉ có một phương duy nhất “phương anh”
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
d. Khổ 7 + 8 + 9: Khát vọng tình yêu vĩnh hằng
– Từ nỗi nhớ lúc “dữ dội – ồn ào”, lúc “êm đềm – lặng lẽ”, ý thơ dồn thành khát vọng sống mãnh liệt của sóng. Sóng tìm đến cái đích của tình yêu trong một niềm tin mạnh mẽ:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
+ XQ mượn quy luật của sóng biển, mây trời để diễn tả qui luật của lòng người. Là một phụ nữ nhạy cảm và đa đoan, XQ ý thức rất đời: cuộc sống là “dài, rộng”, là “muôn vời cách trở”
+ Càng thấp thỏm, lo âu, XQ càng cháy bỏng một niềm tin tha thiết, cảm động: tình yêu sẽ vượt qua mọi trở ngại để tới đích, như những con sóng “con nào chẳng tới bờ” và “mây vẫn bay về xa”
– Lời thơ cứ thế triền miên cùng sóng. Cuối cùng sóng hiện ra trong khát khao hạnh phúc mãnh liệt nhất: khát khao tình yêu vĩnh hằng, bất tử:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
+ Đứng trước biển, đối diện với cái mênh mông rộng lớn của thời gian và không gian XQ ý thức được sự hữu hạn của đời người và sự mong manh của hạnh phúc.
+ Nhà thơ muốn được có mặt mãi trên cõi đời để được sống và bất tử trong tình yêu. Khát vọng hóa thân và phân thân trong sóng thật mạnh mẽ. Hai chữ “tan ra” vừa cháy bỏng nồng nhiệt, vừa thăm thẳm nỗi niềm phụ nữ_ cái thăm thẳm của hai khát vọng hòa làm một: yêu hết mình và dâng hiến hết mình. Đó cũng chính là vẻ đẹp thánh thiện của người phụ nữ trong tình yêu.
III. Kết bài:
– “Ở XQ, tình yêu không bao giờ chỉ đơn thuần là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái cao quí của con người, tượng trưng cho niềm khao khát được hoàn thiện mình” (Lưu Khánh Thơ)
– “Sóng” là bài thơ bộc lộ đầy đủ trái tim yêu của XQ, đồng thời tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ XQ ở giai đoạn đầu. Bài thơ xinh xắn, duyên dáng; giọng thơ sôi nổi, thiết tha…

phan-tich-bai-tho-song-cua-xuan-quynh-lop-1

Tham khảo 5 bài văn mẫu “Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh”

Bài văn mẫu số 1:

Với bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh viết năm 1967 in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968) được nhều người tiếp cận từ các góc độ khác nhau: có người chú ý đến hình tượng song đôi sóng và em, có người lại cảm nhận âm điệu dạt dào như sóng vang ngân trong suốt bài thơ. Và có người lại tìm hiểu lời tự bạch “và lời tự hát” của một trái tim phụ nữ đắm say, khao khát tình yêu. Nhưng thơ Xuân Quỳnh hay không chỉ nhờ âm điệu, sự cấu tứ hình tượng, hình ảnh và ngôn ngữ thơ đặc sắc. Cái độc đáo trong thơ chị là sự giản dị chân thành, nỗi cháy bỏng đam mê, thẳm sâu.
Bài thơ có nhan đề Sóng, rất ngắn gọn, giản dị, nhưng hàm ẩn, gợi mở. Người đọc có thể tuỳ theo lứa tuổi, sự từng trải, óc tưởng tượng của mình để cảm hiêể chủ đề bài thơ ẩn chứa sau cái tên giản dị ấy. Sóng có thể là sóng biển, sóng lòng, sóng tình hay khát vọng dâng trào… Sóng với tính chất mãnh liệt trào dâng và âm vang trẻ trung muôn đời của nó, từ xưa đến nay luôn có mặt trong thi ca nhân loại.
Bài thơ được viết bằng thể thơ ngũ ngôn, vốn vô cùng thân thiết với những ai yêu thơ Xuân Quỳnh. Vẫn cái nhịp thơ vừa sôi nổi vừa đằm thắm ấy của Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… mà tiết tấu luôn luôn biến hoá theo sự phong phú của cảm xúc. Ngay từ khổ thơ đâầ, hình tượng sóng đã xuất hiện để rồi từ đó chiếm lĩnh toàn bộ bài thơ. Và cũng từ đấy âm điệu thơ xôn xao, ngân rung theo nhịp sóng. Nhà thơ đã dùng một loạt tính từ và thủ pháp đối với song hành để gieo vào lòng độc giả ấn tượng khó quên về tính chất của sóng:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”.
Đây là một nhật xét xác đáng, hiểu theo cả hai nghĩa tả thực và tượng trưng. Ai đã từng đến với biển hẳn không thể không suy ngẫm về trạng thái ngược kì lạ của nó: Biển trong giông bão, nhưng con sóng gầm gào sủi tung bọt trắng nổi bật trên nền trời và mặt nước xám xịt… Còn biển lúc đẹp trời, sóng nhấp nhô xanh, dịu dàng êm ả dẹt ren mềm vào chân cát. Hai đối cực ấy khiến cho ai đứng trước biển cũng phải ngỡ ngàng và băn khoăn liên tưởng tới tâm trạng con người, tới chính mình. Xuân Quỳnh chắc đã từng có những phút giây như vậy. Khí chất của Sóng mà chị miêu tả gợi độc giả liên tưởng đến tâm hồn người phụ nữ, đến những con sóng lòng dào dạt ở người phụ nữ đang đắm say yêu.
Cũng ngay ở khổ thơ này, có một câu thơ thường được hiểu theo hai nghĩa: “Sông” hoặc “Sóng” không hiểu nổi bình… Nhưng dù là “sông” hay “sóng” thì đều chỉ chung cái ước vọng khao khát kiếm tìm, vươn tới sự lớn lao, khoáng đạt, tự khám phá và khẳng định mình: “Sóng tìm ra tận bể”.
Nhưng nhà thơ miêu tả sóng có phải chỉ để nói về sóng, về biển cả thôi không ?
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ…”
Ố! Hoá ra không! Sóng ở đây đươc dùng như một hình ảnh ẩn dụ hay một về so sánh liên tưởng để diễn tả sự “dữ dội và dịu êm” của lòng người, của khát vọng tình yêu tuổi trẻ.
Biển vẫn ngàn năm cồnc ào, xáo động, dào dạt, không ngưng nghỉ, không đổi thay, vẫn trẻ trung và bất diệt thế. Ngực biển vẫn luôn rung nhịp đập phập phồng thuỷ triều. Điều này khiến nhà thơ không khỏi suy tư đến khát vọng tình yêu, tuổi trẻ của con người. Đời người là hữu hạn, nhưng tình yêu của con người thì mãi mãi trường tồn, bất diệt, trẻ trung, là mạch nguồn duy trì sự sống hết thế hệ này sang thế hệ khác, muôn đời như muôn nghìn lớp sóng kế tiếp nhau. Khát vọng tình yêu vượt qua thời gian, vượt qua khôn gian, là nhịp sóng dào dạt, bồi hồi của vô hồi vô hạn ngực trẻ. Lời thơ như một lời tâm sự giản dị mà thâm trầm, và nỗi niềm tác giả được bộc lộ. Đứng trước biển, nghĩ về mình, chị sẽ thể hiện điều chính yếu là khát vọng tình yêu của con người, chị phải mở lòng mình giữa biển trời bao la. Đến đây, có lẽ hình tượng sóng không đủ để nhá thơ giãi bày khát vọng của mình, chị muốn bộc bạch trực tiếp với nguời con gái – em – nhân vật trữ tình thứ hai xuất hiện:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Những lời thơ bình dị, chân thật như một lời tâm sự. Bao điều “em nghĩ”, “em nghĩ” ấy cứ dăng hàng kéo về như những đợt sóng nối tiếp nhau và thể thơ năm chữ dường như không ngắt nhịp đã chuyển tải thật đắc địa nỗi lòng ngày càng trào dâng ấy:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”.
Vẫn câu hỏi muôn đời của đôi lứa yêu nhau. Những câu hỏi dường như không có lời đáp. Điều bí ẩn khiến con người ta luôn khao khát lí giải, kiếm tìm. Nhưng đó cũng là điều giản dị của tự nhiên – chỉ tự nhiên trả lời được. Nó khiến tự nhiên linh thiêng, tình yêu linh thiêng. Có bao giờ người ta hết ngạc nhiên trước sự thẳm sâu của vụ trụ, của lòng mình ? Có bao giờ hết những bâng khuâng, trăn trở, khao khát kiếm tìm ở những trái tim yêu!
Cũng bắt đầu từ hai khổ thơ 3 – 4 này, hình tượng sóng và em luôn luôn sóng đôi nhau, tuy hai mà một, lúc tan trong nhau, lúc nâng nhau lên như những con sóng gối nhau vỗ bờ không ngưng nghỉ, thể hiện khát vọng tình yêu cháy bỏng. Và bởi vậy, lời thơ ngày càng sôi nổi, âm điệu dập dồn. Những con sóng ngày càng trào dâng như tình yêu của em, thiết tha, mãnh liệt:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được…
Nhịp sóng vang động cả bề sâu, về xa, bao trùm cả không gian, thời gian. Sóng không ngủ dù trong lòng sâu hay trên mặt nước, những con sóng dữ dội hay dịu êm, bộc lộ hay đằm sâu, nhưng đều là biển tràn dâng nỗi nhớ. Đọc những vần thơ ấy, không thể không nhớ đến Biển của Xuân Diệu, với làn sóng tình yêu biếc xanh – những nụ hôn nồng nàn của đất trời muôn đời dành cho bờ bãi – như tình yêu đắm say, mãnh liệt khôn cùng của tuổi trẻ. Và biết bao vần thơ khác nữa về nỗi biển nhớ dào dạt, cuồng si…
Chỉ bốn câu thơ mà Xuân Quỳnh đã để lại cho điệp từ “con sóng” trở đi trở lại, vang ngân như một điệp khúc, kết hợp cùng thủ pháp đối khiến lời thơ ngập tràn tiếng sóng, lắng sâu vào lòng người đọc.
Ngẫm về sóng để nghĩ, hiểu thêm mình, mượn sóng để nói lời tình yêu. Bởi vật nỗi nhớ của sóng cũng chính là nỗi nhớ của em, nỗi nhớ được nhân đôi càng cồn cào vời vợi:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Không chỉ nói “em nhớ anh” mà sâu hơn là “lòng em nhớ đến anh”. Tiếng sóng biển dạt dào, khắc khoải khôn nguôi ấy cũng chính là tiếng sóng của lòng em đó! Sóng không ngủ ư ? Lòng em cũng luôn luôn thao thức, trở trăn nỗi nhớ. Nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, “xáo trộn cả thực và mơ”. Xưa nay, có tình yêu nào không được đo bằng nỗi nhớ?
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”
(Ca Dao)
Cha ông ta xưa đã diễn tả thật hay về nỗi nhớ tương tư của những trái tim yêu. Từ nỗi nhớ bồn chồn khó lí giải đến nỗi nhớ có hình có khối:
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh,
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!”
(Tương tư chiều – Xuân Diệu)
Thơ ca đã làm ngân rung những sợi tơ lòng đang đắm say yêu. Xuân Quỳnh đã góp thêm vào bản nhạc tương tư những sóng đàn thăm thẳm, dịu em mà nồng nàn, dữ dội.
Những suy tưởng trước son sóng nhớ bờ ấy khiến người co gái (em) đằm sâu hơn trong nỗi nhớ thuỷ chung của chính mình:
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”.
Không còn em và sóng, chỉ còn em và anh với dấu nối tình yêu. Chỉ có con sóng lòng ngầm ẩn, không có con sóng thực. “Chỉ còn anh và em. Cùng tình yêu ở lại” (Xuân Quỳnh). Ta lại gặp thủ pháp đối ở đây và những lời bộc bạch chân thành, giản dị mà đinh ninh như một lời thề chung thuỷ. Lời thề ấy càng được khắc sâu bằng cách nói trái với lệ thường (xuôi Nam, ngược Bắc):
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam”
Dẫu có đi đâu về đâu giữa cuộc đời đầy biến động, dù đất trời có đảo lộn dữ dội đến đâu, em vẫn hướng về phương anh, chẳng đổi thay.
Em luôn hướng về anh dù ở đâu, đi đâu, về đâu; như trăm ngàn con sóng kia luôn hướng về bờ cát dù ở muôn trùng khơi xa vời, cách trở. Cũng như hành trình đến bến bờ hạnh phúc, dù khó khăn gian khổ đến đâu thì với tình yêu thuỷ chung, nhất định con thuyền tình yêu sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, cập bến bờ hạnh phúc! Lời thơ ở đây vẫn luôn chảy dạt dào theo mạch suy tưởng, vẫn trào dâng theo nhịp sóng:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng nhỏ
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”.
Dường như những con sóng ấy, chở cả niềm tin, niềm hy vọng lớn lao vào tình yêu, hạnh phúc tràn đầy của trái tim ngươờ phụ nữ. Trái tim ấy đang đắm say yêu, đang chất chứa một khát vọng khôn cùng về tình yêu bất diệt.
Sang khổ thơ thứ 8, nhịp hthơ chợt chùng lại, thấm đẫm suy tư:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa…”
Nỗi ám ảnh thời gian thường bảng lảng trong thơ Xuân Quỳnh ngay cả khi chị nói về tình yêu, hạnh phúc lại in bóng xuống những dòng thơ này. Có biết bao nỗi niềm ngẫm ngợi sâu xa về đời người, thời gian, không gian, khát vọng tình yêu, khát vọng sống ở bốn câu thơ thấm đậm nỗi buồn ấy.
Đời người là hạn hẹp, thời gian là vĩnh hằng, không gian vũ trụ thì vô tận… Còn con người, để đạt được sự vĩnh cửu hoàn thiện ấy chỉ có tình yêu, bởi chỉ có tình yêu là muôn đời trẻ trung, bất tử. Như sóng biển cồn cào không bao giờ ngưng nghỉ, nỗi khát vọng tình yêu mãi mãi bồi hồi trong ***g ngực thanh xuân. Xuân Quỳnh đã hơn một lần nói về điều này trong thơ mình. Ở Thơ tình cuối mùa thu chị viết:
“Thời gian như là gió
Mùa đi theo tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại”
Chị thường đặt tình yêu giữa không gian bao la (biển khơi, đất trời, mây gió…) và thời gian bất tận (mùa thu đi, ký ức, “thời gian trắng”, “thời gian ơi sao không đổi sắc màu”…) để đi đến tận cùng xứ sở, đến tận cùng đau đớn khổ đau của cuộc đời chị đã nếm trải. Cho nên, thật dễ hiểu cái khát vọng ngày càng dâng lên mãnh liệt khôn cùng trong trái tim người nữ thi sĩ của tình yêu và hạnh phúc đời thường:
“Làm sao đựơc tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.
Trái tim ấy không hề nhỏ nhoi, cô đơn trước sự vĩnh cửu mà rộng lớn, khao khát sẻ chia và hoà nhập vào cõi vĩnh hằng, vào mọi cuộc đời. Trái tim nồng nhiệt ấy ẩn chứa một khát vọng lớn lao được sống mãi trong tình yêu, bất tử với tình yêu. Bài thơ đã khép lại mà những con sóng dạt dào, khắc khoải vẫn vỗ nhịp trong lòng độc giả, vẫn cất tiếng ngân vang một tâm hồn, một tình yêu bất diệt. Sóng sẽ mãi mãi còn nổi sóng

Bài văn mẫu số 2

Tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng… đó là đề tài vô tận được các thi sỹ, nhạc sỹ, nhà văn khai thác, thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau. Các nhà văn, nhà thơ thường thông qua những hiện tượng, qui luật tự nhiên trong cuộc sống hay nhưng vật gần gũi, thân quen để ví von, ẩn dụ khi nói về tình yêu. Như nhà thơ Nguyễn Trung Kiên dùng hình tượng “Đôi dép” để triết lý sâu sắc về sự gắn bó, thủy chung, son sắt trong tình yêu. Nhà thơ Vũ Cao thì ví tình yêu đôi lứa như “ Núi đôi” không thể chia lìa “ núi chồng, núi vợ đứng song đôi”; nhà thơ Trần Hòa Bình vô tình nhìn thấy một chiếc lá rụng giữa mùa thu cũng có bài thơ hay “ thêm một” để chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình yêu v.v… và v.v…

Nhưng có lẽ, hình tượng được nói đến khá nhiều và thể hiện được sự tinh tế, đằm thắm nhưng dữ dội, mãnh liệt của tình yêu đó là hình tượng Biển và Sóng. Và, một trong những nhà thơ có những bài thơ hay nói về tình yêu bằng sự liên tưởng đến khéo léo, tài tình có liên quan đến Biển và Sóng được nhiều người yêu thích đó là cố nữ thi sỹ Xuân Quỳnh ( 1942 – 1988)Xuân Diệu, nhà thơ tình nổi tiếng của phong trào thơ mới, với sự phóng khoáng đa tình cũng đã ” mượn hình tượng sóng” để nói lên tình cảm nồng nàn, mãnh liệt của mình:

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…

Còn với Xuân Quỳnh, nữ thi sỹ với nhiều bài thơ tình nổi tiếng như “ Thuyền và biển” thì con Sóng trong thơ của chị vừa “ Dữ dội’ lại vừa “ dịu êm” vừa “Ồn ào” lại vừa “ lặng lẽ “ như chính tính cách của người phụ nữ vậy. Bên ngoài có khi họ thật lặng lẽ, đằm thắm, dịu dàng nhưng bên trong lại ẩn chứa một tâm hồn khao khát yêu thương, với tình yêu mãnh liệt, dữ dội biết bao. Xuân Quỳnh đã rất tài tình khi đưa cặp đôi phạm trù nội dung có tính đối nghịch đi liền nhau nhằm tạo ra sự so sánh giữa cái mạnh mẽ, ồn ào và cái dịu êm, lặng lẽ qua đó nhằm diễn tả tính cách đan xen, đa chiều của người phụ nữ, nhất là khi họ đang yêu.Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nỗi mình
Sóng tìm ra tận bể

Chúng ta còn cảm nhận, đằng sau ý nghĩa ấy là thể hiện của sự giằng xé về tâm trạng của người phụ nữ, vì khi yêu phụ nữ thường phải hy sinh, chịu đựng nhiều hơn. Mà tình yêu thường cũng gặp nhiều trắc trở, không bao giờ bình yên, phẳng lặng, đôi lúc còn ẩn chứa nhiều dông bão.

Ôi con sóng ngày xưa
và ngày sau cũng thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Tình yêu đối với Xuân Quỳnh vượt qua cả khuôn khổ của thời gian và không gian, điều đó nói lên rằng, nếu đích thực là tình yêu chân chính thì nó luôn vĩnh cữu, sống mãi với thời gian, khắc sâu vào tâm khảm, trí nhớ của con tim cho dù đó là quá khứ, hiện tại hay tương lai. Và tuy có nhiều cung bậc tình cảm khác nhau nhưng, tình yêu thì muôn đời vẫn thế!

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về Anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Đứng trước biển cả bao la, hùng vĩ nhà thơ thấy mình thật nhó bé và muốn được chiêm nghiệm lại cuộc sống, chiêm nghiệm về tình yêu. Từ những qui luật, hiện tượng tự nhiên của biển cả, nhà thơ đặt câu hỏi “Từ nơi nào sóng lên “ gió bắt đầu từ đâu?” và lại liên tưởng “em cũng không biết nữa, khi nào ta yêu nhau”. Như nhà thơ Xuân Diệu cũng đã nói: “ Nào ai định nghĩa được tình yêu”. Xuân Quỳnh cũng không thể cắt nghĩa nỗi Tình yêu. Chỉ biết rằng, tình yêu đến như một lẽ tự nhiên, thường tình. Đó là cơ duyên, là sự giao hoà, cộng hưởng về rung động cùng nhịp đập của hai con tim, mà không ai có thể sắp đặt hoặc cưỡng lại được.

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngũ được

Lòng em nhớ đến Anh
Cả trong mơ còn thức

Có lẽ đây là khổ thơ mà tôi tâm đắc nhất trong cả bài thơ, tình yêu của người phụ nữ tuy mãnh liệt, mạnh mẽ là thế nhưng cũng rất e ấp, sâu kín, có khi được che dấu, ấn chứa bên trong, như những con sóng ngầm dưới lòng đại dương, mà đã là sóng ngầm thì rất dữ dội, có thể gây nên dông bão!

Lòng em nhớ đến Anh
Cả trong mơ còn thức

Sức mạnh tình yêu đã vượt lên cả qui luật tự nhiên của con người, thường khi ngủ là lúc mà người ta quên đi tất cả. Nhưng, với Xuân Quỳnh vì nỗi nhớ người yêu quá lớn, quá mạnh mẽ, luôn thường trực trong lòng, nên ngay cả trong giấc ngủ, giấc mơ nhưng vẫn thức để nhớ về Anh! Cái hay, cái tài tình là ở chổ đó. Nếu như Xuân Quỳnh nói trong giấc mơ Em gặp Anh thì đó lại là chuyện thường tình, vì bất cứ ai cũng có thể làm được điều đó. Bởi lẽ, khi trong lòng người ta nghĩ nhiều đến một ai đó, nghĩ nhiều về một điều gì đó thì lúc ngủ người ta thường mơ thấy nó. Nhưng có lẽ , “trong mơ “ mà “ còn thức” vì quá nhớ Anh thì chỉ có mỗi Xuân Quỳnh!

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về Anh- một phương.

Đất có bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông; trời có bốn hướng: Bắc – Nam – Đông – Tây. Nhưng với người phụ nữ khi yêu thì chỉ có một hướng duy nhất, đó là: Anh! Dù làm gì, ở đâu,ở chân trời góc bể nào họ cũng luôn hướng về người mình yêu, sống tốt, sống đẹp cho nhau. Tình yêu của người phụ nữ thật cao thượng và bao dung, đó còn là sự hy sinh, thủy chung son sắt, đợi chờ khi xa người yêu.

Ở ngoài kia đại dương
Muôn vàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

Tình yêu dù mãnh liệt, dữ dội đến mấy cũng không thể vượt qua qui luật khắc nghiệt của cuộc đời, cũng có lúc gặp phải trắc trở, chia ly, đó là lẽ tất nhiên. Nhưng không vì thế mà tình yêu mất đi vẻ đẹp vĩnh hằng, hay sớm bị lãng quên; mà qua năm tháng, càng nhiều thử thách tình yêu ấy càng lớn lên, thắm thiết, sâu sắc hơn. Dù có thể, tình yêu ấy, như những con sóng ngoài khơi xa không thể đến được bến bờ của hôn nhân, hạnh phúc nhưng đó cũng sẽ là một ký ức, kỷ niệm đẹp trong đời của mỗi con người, nếu chúng ta biết nâng niu, trân trọng, gìn giữ, như một món quà quí giá mà cuộc sống đã ban tặng cho ta!

phan-tich-bai-tho-song-cua-xuan-quynh

Bài văn mẫu số 3

Một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi.” Thật vậy, từ ngàn đời nay tình yêu luôn là điều bí ẩn, là đề tài vô tận của văn chương. Nhiều văn nhân thi sĩ đã mượn văn chương để lí giải tình yêu nhưng chẳng ai cắt nghĩa trọn vẹn hai mĩ từ ấy. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng ví von “Yêu là chết trong lòng một tí”, Đỗ Trung Quân cũng từng thốt lên rằng “Anh đã thấy một điều mong manh nhất – Là tình yêu, là tình yêu ngát hương” và cũng không quên nhắc đến “Sóng” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. “Sóng” là nơi gửi gắm những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.

Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh sóng. Đó là một hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự phân thân của cái tôi trữ tình Xuân Quỳnh. Cùng với hình tượng sóng, bài thơ còn có hình tượng Em. Hai nhân vật trữ tình này có lúc phân đôi ra để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập vào nhau tạo nên một âm vang. Xuân Quỳnh thật tài tình khi sáng tạo hình tượng sóng giàu giá trị thẩm mĩ để diễn tả tâm trạng, tình cảm với nhiều cung bậc sắc thái của một trái tim phụ nữ khao khát tình yêu và hạnh phúc.

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Bắt đầu bài thơ là hình ảnh sóng nước. Đó là con sóng lúc thì dữ dội, ồn ào có thể phá tan tất cả trong những trận cuồng phong, nhưng lúc trời yên gió lặn thì sóng lại dịu êm, lặng lẽ. Sóng là vậy đấy, dữ đấy rồi êm đấy, chợt ồn rồi chợt lặng, sóng luôn biến đổi muôn hình vạn trạng. Nhưng có ai đã từng hỏi vì sao sóng lại thế? Vô ích thôi, đến ngay sóng cũng chẳng hiểu nổi mình, chỉ biết đó là những tâm trạng thường có. Sóng bối rối, trăn trở, sóng muốn hiểu được mình nên đã tìm ra tận bể, tìm ra tận nơi mênh mông rộng lớn, sâu thẳm vô cùng. Sóng nghĩ ở nơi như thế may ra sóng mới có thể hiểu mình.

Sóng nước mà cũng có những tâm trạng như con người vậy sao? Phải chăng mượn sóng là để làm biểu tượng cho người con gái? Miêu tả sóng với những đặc điểm kì lạ cũng là để nói tới cái đa dạng phức tạp, khó giải thích của người con gái mà đúng hơn là của tình yêu. Thế là sóng nước đã dần chuyển thành sóng tình. Giống như sóng, tình yêu là một khái niệm khó giải thích cho minh bạch. Tình yêu là vậy và khát vọng tình yêu của con người thì muôn đời không thay đổi

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Sóng ngày xưa thế nào thì sóng ngày nay vẫn thế. Sóng nước là thế và sóng tình cũng chẳng khác gì. Tình yêu từ ngàn đời nay chẳng hề bất di bất dịch, đó là một quy luật của tự nhiên. Tình yêu không bó hẹp trong một phạm vi lứa tuổi nhưng tình yêu thường đi đôi với tuổi trẻ. Ở lứa tuổi mùa xuân của đời người, tình yêu phát triển mạnh mẽ nhất và mang đầy đủ ý nghĩa nhất. Tình yêu tràn đầy sức sống, làm bồi hồi trái tim trong ngực trẻ khiến trái tim lúc nào cũng thổn thức nhớ mong.

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
…………
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Sóng tìm ra tận bể để hiểu mình thì em đây cũng tìm đến tình yêu anh để hiểu sâu hơn về con người của em. Trước không gian bao la là biển cả, làm sao em không trăn trở với những câu hỏi có từ ngàn xưa, những câu hỏi vượt qua bao không gian thời gian, những câu hỏi giản dị, tự nhiên nhưng khó lí giải. Tất cả chúng như quấn lấy tâm hồn em làm cho em thao thức khôn nguôi. Em tự hỏi, giữa đại dương mênh mông ấy nơi nào là nơi bắt đầu của sóng? Khó mà trả lời cho chính xác nhưng vẫn có thể trả lời rằng “Sóng bắt đầu từ gió”. Vâng, không thể phủ định được điều đó, có gió mới có sóng thế nhưng “Gió bắt đầu từ đâu?” Lúc này thì khó mà trả lời được. Thế là ra tới tận bể rồi ấy vậy mà sóng cũng vẫn chưa hiểu nổi mình. Cũng như sóng, em đã hòa nhập vào biển lớn của tình yêu anh mà em nào đã hiểu được em. Em yêu anh từ đâu? Khi nào? Từ cái gì? Ánh mắt, nụ cười hay giọng nói? “Em cũng không biết nữa”. Mà biết để làm gì bởi anh và em chỉ cần hiểu rằng ta yêu nhau là đủ.

Trong tình yêu, ta vẫn thường thấy hai mặt yêu và nhớ, yêu say đắm thì nhớ thiết tha. “Con sóng dưới lòng sâu – Con sóng trên mặt nước” là những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ anh. Dù trên mặt nước hay dưới lòng sâu thì con sóng vẫn đều có bờ. Bờ là nơi đến của sóng, là đối tượng để sóng vuốt ve, vỗ về, là cái đích để đi đâu về đâu sóng lúc nào cũng nhớ đến, cũng không quên, ngay cả đó là ngày hay đêm: “Ôi con sóng nhớ bờ – Ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ có cái biểu hiện ra bên ngoài có cái ẩn chứa tự sâu trong đáy lòng. Vắng anh, em nhớ, khi thức, em nhớ đến anh. Đó là biểu hiện bình thường. Nhưng ở đây, trong mơ em vẫn nhớ. Đó là nỗi nhớ mới da diết, khắc khoải, thổn thức cứ trằn trọc không yên: “Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức”. Tình yêu là vậy đấy!

Xưa nay, nỗi nhớ luôn gắn liền với khái niệm thời gian vô tận và không gian vô cùng. Với thời gian, nó không có ngày đêm; với không gian, nó không có phương hướng. Không gian có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng tình yêu thì chỉ có một phương và đó chính là anh. Trong đời, em quen biết nhiều người, họ có thể hơn hẳn anh thế nhưng em lại chọn anh, yêu anh và chỉ biết có anh. Chỉ riêng anh là khiến em luôn nghĩ tới và hướng về: “Nơi nào em cũng nghĩ – Hướng về anh một phương”. Những người đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau, họ là mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho nhau.

Tình yêu đẹp là vậy, trong sáng là vậy, mãnh liệt bay bổng là vậy nhưng nó không tránh khỏi những dâu bể của đời thường. Chính vì thế những người đang yêu ngoài sự say mê còn phải có đủ nghị lực và lí trí để vượt qua mọi thử thách, giông bão của cuộc đời với niềm tin sẽ tới đích.

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Những con sóng ở đại dương dù gió xô bão táp tới phương nào đi chăng nữa thì cuối cùng sóng vẫn trở về với bờ. Em cũng như sóng, cho dù gặp bao khó khăn em cũng sẽ vượt qua hết để đến với anh, bởi tình yêu anh đã cho em sức mạnh như ông bà xưa có câu:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.

Đẹp là thế, thiêng liêng là thế nhưng tình yêu cũng lại là thứ ngắn ngủi, mong manh và khó giữ.

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Bởi thế khi yêu con người luôn khắc khoải, trăn trở. Nỗi trăn trở đã thành bức bách, thôi thúc: Làm sao được tan ra, thành trăm con sóng nhỏ trong đại dương bao la, vô tận kia để được tồn tại mãi, sống mãi và yêu mãi. Tình yêu bùng lên thành khát vọng. Khát vọng sôi sục mà vẫn khiêm nhường, đầy nữ tính.

Thơ Xuân Quỳnh là tiếng thơ vừa dịu dàng vừa sâu lắng vừa dữ dội lại vừa thiết tha. Nhớ tới chị chúng ta càng thêm trân trọng những thi phẩm đặc sắc của chị. Cùng với “Thuyền và biến”, “Sóng” là những bài ca không thể nào quên của tuổi trẻ và tình yêu. Xin cảm ơn nữ thi sĩ đã hiến dâng cho đời những vần thơ đẹp về tình yêu con người và cuộc sống.

Bài văn mẫu số 4

“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản vào năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi đang yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.
Sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng vô hồi, bất tận. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hoá thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hoà nhập, lúc sự phân thân của “em” – người con gái đang yêu một cách say đắm. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, sôi nổi. Thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng của người con gái.

Sóng biến hóa, sóng vỗ liên hồi, triền miên và bất tận:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”

Trạng thái của sóng cũng là tâm trạng khi yêu, là khát vọng to lớn, mạnh mẽ về một tình yêu chân thành. Hành trình của sóng từ sông ra đại dương:

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Nơi mênh mông dạt dào, có đến nơi biển rộng trời cao sóng mới được vẫy vùng, mới thực sự tìm thấy mình trong sức sống mạnh mẽ với những khát khao to lớn. Sóng được làm biểu tượng của tình yêu. Miêu tả sóng biến hóa là cũng để nói lên cái phức tạp, đa dạng, khó hiểu của tình yêu. Cũng giống như sóng biển, tình yêu là một hiện tượng kỳ diệu của con người. Con sóng “ngày xưa” và con sóng “ngày sau” vẫn thế – triền miên, bất tận. Cũng như tình yêu mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, của đôi lứa, cuả anh và em:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Con sóng tìm đến biển, đến đại dương là để tự hiểu mình. Cũng như em “khát” được đến bên anh, đến với một tình yêu đẹp để hiểu rõ hơn về tâm hồn em về con người đích thực của em. Người con gái hỏi sóng hay đang tự hỏi chính mình:

“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Cái giây phút giao duyên của đôi lứa. “Khi nào ta yêu nhau” tìm được một câu trả lời thật khó, bởi tình yêu là một hiện tượng, một thứ tình cảm khó có thể cắt nghĩa được. Bởi vậy trong bài thơ tình số 21 của thi hào Tagor đã viết rằng:

“Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”

Câu thơ “khi nào ta yêu nhau” đã diễn tả đúng nỗi niềm điển hình của những trai gái đang sống trong tình yêu đẹp. Sóng vỗ “dữ dội – dịu êm” , “ồn ào – lặng lẽ”, sóng “dưói lòng sâu” “sóng” trên mặt nước”, sóng nhớ bờ, đó là biểu hiện của tình yêu và nỗi nhớ. Yêu chân thành tha thiết, nhớ bồi hồi triền miên. Nỗi nhớ ấy day dứt, dày vò, choán đầy cả không gian, thấm trong chiều sâu, bề rộng, trải trong chiều dài thời gian:

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”

Thật tự nhiên và thơ mộng, con sóng nhớ bờ nên ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng giống như bên đợi thuyền, thuyền nhớ bến, lúc nào lòng người con gái cũng bồi hồi nhớ thương:

“… Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức…”

“Còn thức” tức là lúc nào em cũng nhìn thấy rõ hình bóng anh, ánh mắt anh … Một tình yêu cuồng nhiệt, say mê. Con sóng khao khát được đến bờ để được vỗ về, ve vuốt:

“Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
(Xuân Diệu)

Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh. Tình yêu của người con gái thật mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi.

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng nhỏ
Con nào cũng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”

Người con gái đã bày tỏ lòng mình một cách chân thành, say đắm, thắm thiết. Chân thật và thuỷ chung là đặc tính của tình yêu:

“Dẫu xuôi về phương Bắc …
Hướng về anh một phương”

Sóng đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái, khát vọng được sống hết mình trong một tình yêu đẹp, sắt son thuỷ chung. Người ta thường nói xuôi vào Nam, ngược ra Bắc; nhưng ở đây, trong nỗi nhớ chất đầy nhà thơ lại dùng ngược lại. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn.

Cuối cùng sóng đã nói hộ nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông, muốn được hoà nhịp vào biển lớn của tình yêu cộng đồng:

“… Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.

Cả bài thơ, nếu kể đến nhan đề, thì tác giả đã mười một lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng vỗ như tâm tình xôn xao. Sóng cho ta nhiều ấn tượng về âm điệu của sóng, cũng như giọng điệu tâm tình, nhịp điệu của bài thơ. Thơ hồn nhiên, liền mạch về cảm xúc, trong sáng trong cách diễn đạt của tác giả. Sóng vỗ trên đại dương mênh mông cũng chính là sóng vỗ trong lòng người con gái.

Từ hình tượng “sóng” Xuân Quỳnh cho ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Với tình yêu chân thành, thắm thiết, người phụ nữ muốn sống hết mình, sống trọn vẹn trong tình yêu đẹp. Yêu là nhớ ngày mong đêm, người phụ nữ khát khao được hoà nhập gần gũi trong tình yêu ấy. Họ yêu thật nồng nàn, say đắm, thủy chung !

Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu.

“… Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được…”

Đọc xong bài thơ “Sóng” ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nền thơ học nước nhà.

Bài văn mẫu số 5

Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường . Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc đời thường . Trong các nhà thơ nữ Việt Nạm, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu . Bà viết nhiều , viết hay về tình yêu nhưng có lẽ Sóng là bài thơ đặc sắc hơn cả. Bởi nó nói lên được một tâm hồn khao khát yêu đương, một tình yêu vừa hồn nhiên chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ .

Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca . Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu với tất cả sự nồng nhiệt của một trái tim tuổi trẻ . Ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, đắm say và khát khao dâng hiến cho tình yêu, một Nguyễn Bính mơ màng tìm về tình yêu đồng nội, một Anh Thơ tha thiết nhưng thẹn thùng cái duyên con gái… nhưng chỉ đến Xuân Quỳnh, cái khát vọng rất đỗi đời thường của con người đó mới được bộc bạch , mà bộc bạch một cách chân thành như chính cuộc đời nhà thơ vậy : một thứ tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, đang khao khát yêu đương .

Sóng trong tác phẩm cùng tên của nhà thơ mang hình ảnh ẩn dụ . Nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình đầy mơ mộng của thi nhân . Sóng và em tuy hai mà một, có lúc phân đôi để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập để tạo nên âm vang cộng hưởng . Và có thể nói qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ một tình yêu dạt dào, mênh mông và một khát vọng vĩnh hằng về tình yêu đôi lứa .

Mở đầu bài thơ là trạng thái tâm lý đặc biệt của một tâm hồn đang khao khát yêu đương, đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Xuân Quỳnh diễn tả thật cụ thể cái trạng thái khác thường, vừa phong phú vừa phức tạp trong một trái tim cồn cào khao khát tình yêu. Tính khí của người con gái đang yêu, cũng như sóng vậy thôi, vốn mang trong nó nhiều trạng thái đối cực: “Dữ dội và dịu êm, Ồn ào và lặng lẽ” … Và cũng như sóng, trái tim người con gái đang yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp, luôn vươn tới cái lớn lao để có thể đồng cảm, đồng điệu với mình “Sông không hiểu nổi mình, Sóng tìm ra tận bể” . Có thể thấy, ngay trong khổ thơ đầu tiên này một nét mới mẻ trong quan niệm về tình yêu. Người con gái khao khát yêu đương nhưng không còn nhẫn nhục, cam chịu nữa . Nếu “Sông không hiểu nổi mình” thì sóng sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó “Tìm ra tận bể”, đến với cái cao rộng, bao dung. Thật là minh bạch và cũng thật là quyết liệt !

Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim con người, trong quan niệm của Xuân Quỳnh, là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ . Nó cũng như sóng, mãi mãi trường tồn , vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, con người đã đến với tình yêu và mãi mãi cứ đến với tình yêu . Với con người, tình yêu bao giờ cũng là một khát vọng bồi hồi:

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Khi tình yêu đến, như một tâm lý tự nhiên và thường tình, người ta luôn có nhu cầu tự tìm hiểu và phân tích . Nhưng tình yêu là một hiện tượng tâm lý khác thường, đầy bí ẩn, không thể giải quyết được bằng lý lẽ thông thường, làm sao có thể giải đáp được câu hỏi về khởi nguồn của tình yêu, về thời điểm bắt đầu của một tình yêu. Cái điều mà trước đó đã từng là Xuân Diêu băn khoăn “Làm sao cặt được nghĩa tình yêu? ” thì nay một lần nữa Xuân Quỳnh bộc bạch một cách hồn nhiên, thật dễ thương . Tình yêu cũng như sóng biển, như gió trời vậy thôi, làm sao có thể hiểu hết được. Nó cũng tự nhiên, hồn nhiên như thiên nhiên , và cũng khó hiểu, nhiều bất ngờ như tự nhiên vậy :

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đàu từ đâu
Em cũng không biết nưa
Khi nào ta yêu nhau

Tình yêu thường cũng gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách. Nỗi nhớ của một trái tim đang yêu được Xuân Quỳnh diễn tả thật mãnh liệt . Một nỗi nhớ thường trực cả khi thức, cả khi ngủ, bao trùm lên cả không gian . Một nỗi nhớ còn cào, da diết, không thể nào yên, không thể nào nguôi . Nó cuồn cuộn, dào dạt như những đợt sóng biển triền miên, vô hồi, vô hạn . Nhịp thơ trong suốt bài thơ này là nhịp sóng, nhưng rõ nhất, dào dạt, hăm hở, náo nức nhất , mãnh liệt nhất là ở đoan thơ này :

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được

Và, như trên đã nói, vẫn là hình tượng song hành của sóng và em bổ sung đắp đổi cho nhau nhằm diễn tả sâu sắc hơn, ám ảnh hơn tình yêu và nỗi nhớ cùng với lòng thủy chung vô hạn của một trái tim đang rạo rực yêu thương . Nỗi nhớ được diễn tả qua hình tượng con sóng nhớ bờ “ Ngày đêm không ngủ được” vẫn chưa đủ, chưa thỏa, lại được thể hiện một lần nữa qua nỗi nhớ của nhà thơ : “ Lòng em nhớ đến anh, Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ tràn đầy lòng yêu của thi sĩ. Nỗi nhớ thường trực trong mọi không gian và thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi trong ý thức, xâm nhập vào cả trong giấc mơ. Những đòi hỏi, khao khát yêu đương của người con gái được bộc lộ thật mãnh liệt nhưng cũng thật giản dị : sóng chỉ khao khát tới bờ cũng như em khao khát có anh ! Tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, vừa thủy chung duy nhất. Qua hình tượng sóng và em . Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo , không hề giấu giếm cái khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của mình, một phụ nữ, một điều hiếm thấy trong văn học Việt Nam .

Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà nhà thơ đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ hồn hiên tha thiết yêu đời này vẫn còn ấp ủ biết bao hi vọng, vẫn phơi phới một niềm tin vào hạnh phúc trong trương lai. Vừa tự động viên, an ủi mình, tác giả vừa tin vào cái đích cuối cùng của một tình yêu lớn như con sóng nhất định sẽ “tới bờ”, “dù muôn vời cách trở”. Tương lai hạnh phúc như đang còn ở phía trước . Và vì thế, ý thức về thời gian chưa làm nhà thơ lo âu mà chỉ làm tăng thêm niềm tin tưởng:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Xuân Quỳnh vừa thổ lộ trực tiếp, vừa mượn hình tượng sóng để nói và suy nghĩ về tình yêu. Những ý nghĩ này có vẻ tự do, tản mạn, nhưng từ trong chiều sâu của thi tứ vẫn còn sự vận động nhất quán . Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thủa:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ .

Người con gái mong muốn hòa mình vào bể đời rộng lớn , bứt mình ra khỏi những lo toan tính toán , để ngập chìm trong bể lớn tình yêu . Phải có mọt tình yêu như thế nào thì mới có được một mong muốn cao cả đến chừng ấy . Khát vọng tình yêu cũng là khát vọng sống mãnh liệt đủ đầy . Cuộc đời còn tình yêu thì cuộc đời còn tươi đẹp và đáng sống và sống trong tình yêu là một điều hạnh phúc . Xuân Quỳnh mong ước được sống mãi trong tình yêu, bất tử với tình yêu .

Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng, vừa mãnh liệt, sôi nổi, vừa hồn nhiên, trong sáng, vừa ý nhị sâu xa. Sau này khi đã nếm trải nhiều cay đắng trong tình yêu, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn tồn tại mãi mãi trong trái tim tràn ngập yêu thương của nhà thơ .
Xem thêm

Video tìm hiểu bài thơ “Sóng của Xuân Quỳnh”

You may also like

Leave a Comment