Trong đề thi môn Địa lý, câu hỏi phần biểu đồ thường giữ khoảng 3 điểm. Đây là câu hỏi ăn điểm giúp thí sinh đạt điểm cao. Tuy nhiên, để làm tốt và lấy được số điểm tuyệt đối cho câu hỏi này thì thí sinh cần nắm vững những kiến thức cơ bản về các dạng biểu đồ để tránh trường hợp bị nhầm lẫn dẫn đến mất điểm hoàn toàn. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết cũng như cách vẽ đối với từng dạng biểu đồ:
Một: Biểu đồ tròn
Dấu hiệu nhận biết:
Chúng ta cần vẽ biểu đồ tròn khi đề yêu cầu vẽ biểu đồ mô tả về cơ cấu, tỷ lệ các thành phần trong một tổng thể. Đồng thời, số liệu của đề ra phải ít hơn hoặc bằng 3 năm.
Các bước để vẽ biểu đồ tròn
Bước 1: Xử lý số liệu. Bước này áp dụng đối với những đề bài có số liệu thô như: tỉ đồng, triệu ha, triệu người thì chúng ta cần xử lý số liệu về dạng %.
Bước 2: Xác định bán kính. Biểu đồ tròn có thể cùng bán kính những cũng có thể khác bán kính. Trong trường hợp khác bán kính thì ta cần thực hiện thêm bước tính bán kính của biểu đồ. Chú ý, bán kính của hình tròn cần phù hợp với khổ giấy để đảm bảo tính khoa học và mĩ thuật chô bản đồ.
Bước 3: Chia hình tròn thành từng nan quạt, mỗi nan quạt tương ứng với các số liệu của đề ra hoặc số liệu mà ta đã xử lý. Chú ý, cần bắt đầu chia từng phần từ kim chỉ 12 giờ, bắt đầu vẽ lần lượt từng phần theo chiều quay của kim đồng hồ. Thứ tự các thành phần của các biểu đồ cần giống nhau để tiện cho việc so sánh
Bước 4: Hoàn thiện biểu đồ. Thực hiện việc ghi số liệu % và kí hiệu riêng cho từng phần của biểu đồ. Lập bảng chú giải và cuối cùng là đặt tên cho biểu đồ.
Hai: biểu đồ miền
Dấu hiệu nhận biết:
Trên thực tế, bạn có thể sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa biểu đồ miền và biểu đồ tròn bởi cả 2 dạng biểu đồ này đều có yêu cầu vẽ biểu đồ miêu tả cơ cấu tỷ trọng. Tuy nhiên, nếu như biểu đồ tròn giới hạn từ 3 năm trở xuống, còn biểu đồ miền có số liệu trên 3 năm. Dạng biểu đồ này thể hiện được cả cơ cấu và sự biến động, phát triển của các đối tượng.
Các bước tiến hành khi vẽ biểu đồ:
Bước 1: vẽ khung tổng quát cho biểu đồ. Khung của biểu đồ miền là một hình chữ nhật, mỗi đối tượng là mỗi miền khác nhau và được chồng lên nhau, chiều cao của hình chữ nhật thể hiện đơn vị của biểu đồ còn chiều dài thường thể hiện thời gian. Thời điểm đầu tiên phải đặt trên cạnh bên trái của biểu đồ còn thời điểm cuối cùng phải trùng với cạnh bên phải.
Bước 2: Vẽ lần lượt từng miền
Bước 3: hoàn thiện. Điền tên, ký hiệu cho từng miền; tên của biểu đồ; lập chú giải cho biểu đồ.
Ba: Biểu đồ hình cột
Dạng biểu đồ này được dùng để chỉ ra sự khác biệt về qui mô, sô lượng, khối lượng… của một hay một số đối tượng địa lý hoặc sử dụng để thể hiện sự tương quan về độ lớn giữa các đại lượng.
Dấu hiệu nhận biết:
Ta cần vẽ biểu đồ cột khi yêu cầu của đề bài là vẽ biểu đồ thể hiện qui mô, sự phát triển, so sánh sự tương quan giữa các đại lượng của các thành phần.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Xác định tỷ lệ thích hợp trên giấy
Bước 2: Kẻ hệ trục vuông góc, trục tung thể hiện đơn vị của các đại lượng, trục hoành thể hiện các mốc thời gian hoặc các đối tượng khác nhau.
Bước 3: Vẽ lần lượt các cột tương ứng với các đối tượng. Chú ý, bề ngang các cột phải bằng nhau, khoảng cách giữa các cột phải bằng nhau (nếu là các đối tượng) hoặc phải chia theo đúng tỷ lệ phù hợp (nếu là các mốc thời gian)
Bước 4: Hoàn thiện, điền số liệu tương ứng trên đầu hoặc trong mỗi cột, lập chú giải, ghi tên biểu đồ.
Các dạng biểu đồ cột thường gặp: biểu đồ cột đơn, biểu đồ cột ghép, biểu đồ cột chồng, biểu đồ thanh ngang.
Bốn: Biểu đồ đường
Là dạng biểu đồ được dùng để thể hiện sự thay đổi của các đại lượng địa lý khi số năm nhiều và có sự liên tục hoặc thể hiện tốc độ tăng trưởng của một hay nhiều đại lượng địa lí có đơn vị giống hoặc cũng có thể khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết:
đề bài yêu cầu thể hiện sự phát triển hoặc tốc độ tăng trưởng qua các mốc thời gian.
Các bước vẽ biểu đồ đường:
Bước 1: Kẻ hệ trục tọa độ, trong đó: trục tung thể hiện đơn vị của các đại lượng địa lí, trục hoành thể hiện các móc thời gian. Nếu có 2 đơn vị thì cần kẻ 2 trục đứng 2 bên, mỗi trục thể hiện một đơn vị.
Bước 2: Xác định tỷ lệ thích hợp ở 2 trục, đánh dấu thành tọa độ. Chú ý về khoảng cách giữa các mốc thời gian cũng như sự tương quan giữa độ cao của trục tung và độ dài của trục hoành nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ của biểu đồ.
Bước 3: Hoàn thiện biểu đồ: ghi số liệu vào các tọa độ đã xác định ở bước trên, nếu đề kí hiệu thì cần lập bảng chú thích, đề tên biểu đồ.
Học sinh cần nắm vững các kiến thức cơ bản về các loại biểu đồ, học cách phân biệt giữa các dạng để tránh bị nhầm lẫn. Bên cạnh đó, việc rèn luyện vẽ biểu đồ thường xuyên để có thao tác thực hiện nhanh và có kỹ năng vẽ tốt để rút ngắn thời gian làm dạng câu hỏi này để giành thêm thời gian vào các câu hỏi lý thuyết.