Home Tin TứcTin tức thi cử Chỉ cần 1 kỳ thi chung

Chỉ cần 1 kỳ thi chung

by admin
“Từ năm 2015, thí sinh (TS) sau khi đỗ tốt nghiệp THPT sẽ tham dự kỳ thi quốc gia chung ngay sau đó để đánh giá chính xác kiến thức, tư duy của TS” – những dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đang nhận được rất nhiều ý kiến phản đối.
Căn cứ quan trọng để tuyển sinh ĐH
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức nhẹ nhàng, có thể giao cho các địa phương tổ chức, xem như “tập dượt” để TS tham gia kỳ thi quốc gia chung. Kết quả thi quốc gia chung sẽ là căn cứ quan trọng để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh.
chi-can-mot-ky-thi-chung
Bộ GD&ĐT cho rằng có thể áp dụng song song 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và thi quốc gia chung), hoặc chỉ thực hiện năm 2015, rồi sau đó sẽ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất. Đề thi quốc gia chung sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, không đánh đố để hầu hết TS đỗ tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi nâng cao sau đó sẽ đánh giá năng lực thật sự của TS để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Đa số các chuyên gia giáo dục đều đồng tình với dự kiến của Bộ là hướng tới một kỳ thi quốc gia chung. Kỳ thi này nên giao cho các Trung tâm khảo thí và kiểm định độc lập thực hiện mới đảm bảo sự đồng nhất và tính khách quan cho công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Ông Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho rằng: “Ở Việt Nam muốn làm được việc đó có lẽ phải mất nhiều năm vì liên quan nội dung, chương trình, cách dạy, cách học từ bậc tiểu học đến THPT. Bộ GD&ĐT nên tham khảo kinh nghiệm thế giới để có bước đi phù hợp với thực tế”.

Trong khi đó, lãnh đạo khối các trường phổ thông lại phản đối việc năm 2015, HS vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tham gia kỳ thi quốc gia chung ngay sau đó. Điều chỉnh này của Bộ GD&ĐT chẳng khác nào thi tốt nghiệp THPT và sau đó là thi ĐH “3 chung” gây căng thẳng cho TS và lãng phí về thời gian, tốn kém tiền của. PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh bức xúc: “Nếu năm 2015 Bộ GD&ĐT có điều chỉnh phương án thi, tôi đề nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vẫn làm như cũ, để nhà trường và TS có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ nên cho dư luận biết, thay đổi phương án thi trong năm 2015 sẽ thực hiện kéo dài bao lâu?

Thi tốt nghiệp là kỳ thi quốc gia chung

Thực tế, khi kết thúc một bậc học phải có thi để đánh giá trình độ kiến thức của TS. Do vậy với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu Bộ GD&ĐT tổ chức khách quan, nghiêm túc, đánh giá đúng trình độ thì đây sẽ là kỳ thi quốc gia chung để các trường ĐH, CĐ làm căn cứ để xét tuyển. PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và nhiều chuyên gia giáo dục khác đề nghị, thi tốt nghiệp THPT chỉ có 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ), được tổ chức trong 2 ngày (giảm 1 ngày so với hiện nay). Sở dĩ đưa ra 4 môn này bởi kiểm tra kiến thức phổ thông như thế là đủ. Trên cơ sở số điểm các em đạt được, sẽ đăng ký vào trường ĐH, CĐ cho phù hợp. Tất nhiên, các trường sẽ kiểm tra thêm nội dung gì đó phù hợp với từng ngành đào tạo.
Thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn bắt buộc còn cho thấy một phương án phù hợp và thuận lợi cho Bộ GD&ĐT, nhà trường và TS. Việc Bộ quy định thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có 4 môn, trong đó 2 môn tự chọn là Toán, Ngữ văn và 2 môn bắt buộc trong số 5 – 6 môn khác, thì thời gian thi vẫn diễn ra trong 3 ngày như năm trước. Đó là chưa tính đến sự phức tạp sẽ dẫn đến lộn xộn, nhầm lẫn trong tổ chức thi và gây tốn kém.
Với cách tổ chức thi tốt nghiệp như hiện nay, các chuyên gia đề nghị cần củng cố lại để kỳ thi khách quan, thực chất. Để làm được điều này, giám thị coi thi phải nghiêm và mỗi phòng thi đều lắp camera để theo dõi, giám sát. Tham gia kỳ thi này, TS sẽ không bị áp lực có đỗ tốt nghiệp hay không, bởi trước đó, các trường THPT đã xét tốt nghiệp trong cả quá trình học 3 năm theo đúng tiêu chí của Bộ GD&ĐT.

You may also like

Leave a Comment