Chu Thị Bích Thảo (Lớp 11 Chuyên Anh)
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả,
Sống là cho đâu chì nhận riêng mình.”
Những câu thơ của Tố Hữu đã mang đến cho ta một triết lí rất đúng về lẽ sống ở đời là cho và nhận. Cho và nhận tưởng chừng là rất dễ nhưng đôi khi lại rắc rối đến tận cùng. Có một câu chuyện về cô gái mù đã làm cho ta hiểu rõ điều đó.
Chuyện kể: Có một cô gái nọ vì chẳng may đôi mắt bị mù, cô trở nên oán hận đời. Tuy bị mù nhưng may mắn thay bên cạnh cô luôn có một vòng tay che chở, một bờ vai vững chắc để cô tựa vào đó là bạn trai của cô. Giữa cô và người bạn trai ấy đã có một tình cảm sâu nặng. Họ hẹn ước với nhau rằng ngày cô gái mắt sang trở lại cũng chính là ngày kết hôn của họ. Đến khi cô gái nhìn thấy tất cả và thấy cả người yêu của mình, cô vô cùng sững sốt khi trên gương mặt kia đã thiếu đi đôi mắt. Rồi hẹn ước giữa họ cũng vỡ tan khi chàng trai ra đi chỉ để lại cho cô gái vẻn vẹn một tờ giấy. Trong tờ giấy có ghi: “Hãy chăm sóc đôi mắt ấy vì trước khi nó là của em thì nó đã là của anh”. Ở đây, chàng trai đã cho đi đôi mắt – cửa sổ tâm hồn của mình đến người yêu thương nhất. Một sự cho đi không cần trả lại. Một sự hi sinh lặng lẽ quên mình. Yêu thương đã khiến anh cho đi thứ quý giá của mình mà không hề tiếc nuối. Phải chăng lúc này đây sống bằng đôi mắt của người tình cô gái rất vui hay đang buồn? Có lúc nào cô chợt nhớ đến anh không? Nhận phải chăng là hạnh phúc?
Tất cả mọi thứ trên đời không có gì là rõ ràng cả. Chúng cứ đan cài móc nối lại với nhau.“Cho” rồi “nhận”, “nhận” rồi “cho” đâu chỉ đơn giản như thế. Có những sự cho đi là mãi mãi, là vô bờ bến như tình mẹ, tình cha trao cho con luôn tràn đầy, vẹn tròn theo thời gian. Mẹ luôn là người ở bên cạnh con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Luôn trao cho con những tình cảm ngọt ngào, thiêng liêng nhất. Trong suốt một quá trình dài “sinh – thành – dưỡng – dục”. Bởi:
“Dẫu con là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Người đàn bà bình thường không ai biết đến tuổi tên”
Mẹ cho đi, sự cho đi thầm lặng như “thân cò lặn lội bờ sông” không một tiếng kêu than. Mẹ và cha là những người tuyệt vời nhất:
“Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con”
Cha mẹ luôn muốn được cho đi những gì quý giá nhất của đời mình để con có thể sống tốt và tự tin trên đường đời. Bởi vậy mỗi chúng ta cần biết hài lòng với thực tại, quý trọng những hạnh phúc mà mình đang có dù đơn giản và nhỏ nhoi như những nụ cười hàng ngày, những lời yêu thương, những hành động đẹp gửi trao cho nhau để mai sau không phải nuối tiếc.
Cho đi không phải là khó nhưng cho đi phải thật lòng khi đó người nhận mới cảm thấy vui và thoải mái. Mọi người thường nói: cho đi là nhận lại gấp trăm lần bởi khi cho đi thì hạnh phúc và niềm vui của người ấy sẽ khiến mình vui lây và cảm thấy mọi thứ trở nên tươi đẹp hơn khi tạo ra sắc hồng cho cuôc sống.
Trong cuộc sống, nếu con người ta cạnh tranh để sống thì cho đi không được hiểu theo cái nghĩa đơn thuần nữa mà nó giống như một sự trao đổi. Cho đi thì ít nhưng muốn nhận lại thật nhiều. Vì danh lợi, vì tiền tài, vì những thứ vật chất tầm thường mà họ bóp méo hai chữ cho và nhận theo đúng nghĩa của nó. Mỗi chúng ta phải biết cho đi như chính cái nghĩa của chúng, luôn phải xuất phát từ tấm lòng, từ tình thương. Có thể thấy chương trình “ngôi nhà hạnh phúc” đã đem lại tổ ấm cho biết bao số phận éo le. Cho họ sức mạnh, niềm tin để họ bước tiếp, san sẻ với họ một chút ít khó khăn để họ thấy tự tin hơn. Hay các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những chú bộ đội đã cho đi tuổi trẻ để bảo vệ biên cương đất nước, mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người. Và còn rất nhiều sự cho đi thầm lặng đáng quý trọng và tôn vinh khác.
Qua đây ta có thể hiểu rõ thế nào là cho và nhận. Mỗi chúng ta không chỉ sống cho bản thân mà còn sống cho gia đình và xã hội. Vì vậy cần biết cho và nhận đúng nghĩa của nó; được vậy thế giới này sẽ tràn ngập tình yêu thương…