Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm
1. Kĩ năng làm bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm
1.1. Tìm hiểu chung
a. Đối tượng
– Là một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó được đặt ra trong TPVH
-Vấn đề xã hội có thể lấy từ hai nguồn: Tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà học sinh chưa được học.
b. Mục đích chính của dạng đề nghị luận
– Dạng đề này liên quan và xuất phát từ tác phẩm văn học, nhưng tác phẩm văn học chỉ là “cái cớ” khởi đầu.
– Mục đích chính là yêu cầu người viết bàn bạc, nghị luận về một vấn đề xã hội , đạo lí, tư tưởng, nhân sinh, hiện tượng đời sống….
+ Nghĩa là nhân vấn đề đặt ra trong TP văn học đó mà bàn luận, kiến giải.
+ Trong trường hợp này, tác phẩm văn học chỉ được khai thác về giá trị nội dung tư tưởng, rút ra ý nghĩa xã hội khái quát của tác phẩm ấy. Tác phẩm nào cũng có một ý nghĩa xã hội nhất định. Điều quan trọng là vấn đề xã hội đó có mang tính thời sự, tính giáo dục sâu sắc, có phù hợp với tâm lí tuổi trẻ học đường hay không.
c. Đặc điểm
Bài viết cho dạng đề này, ở phần thân bài thường gồm hai nội dung lớn:
– Phần 1: Phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa vấn đề.
+ Nếu đề văn nêu sẵn vấn đề xã hội rút ra từ một tác phẩm, thì người làm chỉ cần phân tích qua vấn đề đó đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm.
+ Nếu đề văn chưa cho sẵn vấn đề xã hội, thì người viết cần đọc – hiểu, phân tích văn bản để rút ra vấn đề xã hội và ý nghĩa của vấn đề trước khi vào phần hai.
– Phần 2 (trọng tâm): Nghị luận (phát biểu) về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (câu chuyện). Khi đã có vấn đề (đề tài, chủ đề) cần bàn bạc rồi, thì mới bắt đầu làm bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm, nêu suy nghĩ của bản thân mình về vấn đề ấy.
d. Tác dụng
– Giải quyết về văn loại này, học sinh có cơ hội được bộc lộ năng lực đọc- hiểu tác phẩm, những hiểu biết, những kiến thức về xã hội.
1.2. Hướng dẫn cách làm bài
Tìm hiểu đề
– Dạng đề.
– Yêu cầu nội dung (đối tượng): Xác định vấn đề cần nghị luận.
– Yêu cầu thao tác lập luận.
– Yêu cầu phạm vi tư liệu, dẫn chứng.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
– Dẫn dắt vấn đề
– Nêu vấn đề cần nghị luận
b. Thân bài:
* Bước 1: Nêu hoàn cảnh xuất hiện vấn đề có ý nghĩa xã hội, phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa vấn đề (câu chuyện)
– Nhấn mạnh, khẳng định ý nghĩa nội dung từ văn bản văn học đó.
– Từ đó, khái quát chính xác vấn đề xã hội cần nghị luận
* Bước 2: Thực hiện các thao tác nghị luận (tùy thuộc vào vấn đề nghị luận là một tư tưởng, đạo lí hay một hiện tượng đời sống HS áp dụng phương pháp làm bài cụ thể).
– Giải thích vấn đề (nếu cần thiết)
– Phân tích – chứng minh:
+ Đối với vấn đề xã hội là vấn đề tư tưởng, đạo lí : Làm rõ các biểu hiện của tư tưởng, đạo lí ở những phương diện khác nhau trong đời sống…; dùng thực tế xã hội để chứng minh. Đặt câu hỏi để xác định ý: Như thế nào? Ở đâu? Bao giờ? Người thật việc thật nào?….
+ Đối với vấn đề xã hội là một hiện tượng đời sống: Xác định đó là hiện tượng tích cực hay tiêu cực, mô tả những biểu hiện của hiện tượng đó….
– Bình luận: Bình luận, chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay
+ Đánh giá:
. Quan niệm, tư tưởng ấy đúng đắn, sâu sắc như thế nào? Ý nghĩa đối với tâm hồn, nhân cách con người? (tư tưởng, đạo lí)
. Hiện tượng ấy có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống con người ?
(Cần thể hiện thái độ đồng tình, biểu dương, trân trọng trước vấn đề xã hội có ý nghĩa tích cực; phê phán những biểu hiện sai trái, suy nghĩ, quan niệm lệch lạc so với quan niệm, tư tưởng, hiện tượng được nghị luận)
+ Mở rộng: Xem xét vấn đề ở những phương diện, góc độ khác nhau (phương pháp, góc nhìn, tính hai mặt của vấn đề nghị luận…)
* Bước 3: Rút ra bài học cho bản thân
– Về nhận thức: Vấn đề xã hội đó giúp ta hiểu sâu sắc về điều gì? Rút ra được điều gì có ý nghĩa?
– Về hành động: Xác định hành động bản thân phải làm gì? Việc làm cụ thể, thiết thực.
c. Kết bài:
Đánh giá ý nghĩa của vấn đề xã hội trong tác phẩm.
2. Hướng dẫn luyện tập làm bài nghị luận xã hội đặt ra trong tác phẩm
Đề số 1:
Từ truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, anh/chị hãy phát biểu suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình.
Gợi ý:
* Yêu cầu về kĩ năng
– Biết làm văn nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó được đặt ra trong tác phẩm văn học.
– Bài viết có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi các loại, chữ viết rõ nét, sạch đẹp.
* Yêu cầu về kiến thức
Huy động kiến thức từ thực tế đời sống xã hội cùng với những trải nghiệm của bản thân để làm rõ vấn đề.
Tìm hiểu đề
– Yêu cầu nội dung: Từ vấn đề người chồng đánh vợ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu bàn luận về nạn bạo hành gia đình.
– Yêu cầu thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận
– Phạm bi tư liệu: Thực tế xã hội
Lập dàn ý
a. Mở bài:
– Khái quát thực trạng nạn bạo hành gia đình trong xã hội hiện nay.
– Dẫn dắt vào tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu
b. Thân bài:
* Bước 1: Nêu hoàn cảnh xuất hiện vấn đề có ý nghĩa xã hội
– Nêu hoàn cảnh xuất hiện vấn đề có ý nghĩa xã hội: Sau khi chụp được bức ảnh “đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” phóng viên Phùng lại chứng kiến cảnh người đàn ông hàng chài đánh vợ một cách dã man, độc ác. Từ hành động vũ phu đó của người đàn ông hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã cho chúng ta suy nghĩ nhiều về hiện tượng bạo hành gia đình.
– Tóm tắt cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:
+ Người đàn bà sau một đêm kéo lưới mệt mỏi, quần áo ướt sũng, hai con mắt như đang buồn ngủ thì lại bị người chồng lôi lên bờ đánh tới tấp, lăng nhục đau khổ
+ Trước hành động vũ phu của chồng người đàn bà vẫn cam chịu, không van xin, luôn sống trong cảnh “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” từ người chồng thô bạo, vũ phu.
+ Nhìn thấy mẹ bị đánh, thằng Phác – đứa con trai đã lao thẳng vào đánh bố. Hành động thô bạo của hai cha con, người mẹ vô cùng thất vọng. Đó chính là hành động bạo lực.
* Bước 2: Thực hiện các thao tác nghị luận
– Giải thích vấn đề bạo hành gia đình: Bạo hành gia đình là hiện tượng hành động trấn áp người khác bằng lời nói, hành động, là sự khống chế, đàn áp về cả tinh thần và thể xác để xúc phạm tinh thần nhau của những thành viên trong gia đình.
– Phân tích, chứng minh
+ Thực trạng của hiện tượng bạo hành gia đình: Là vấn đề xã hội bức thiết của một quốc gia nhất là ở những nước kém phát triển và đang phát triển tình trạng này diễn ra thường xuyên.
. Theo số liệu điều tra dân số tỉ lệ bạo hành xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thông, trong đó bạo hành gia đình xảy ra ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn và miền núi.
. Bạo hành xảy ra dưới nhiều hình thức: vợ chồng đánh đập nhau, cháu, con chửi rủa ông bà, dùng những lời lẽ không tốt đẹp để nói về nhau…
+ Hậu quả của bạo hành gia đình: Bạo hành gia đình xảy ra để lại hậu quả đáng thương, con mất mẹ, cháu mất ông bà, cha mẹ con cái từ nhau… gây ra biết bao tệ nạn xã hội.
+ Nguyên nhân:
. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa anh hàng chài vì phải lo toan, bươn chải gánh nặng gia đình, vì đói vì nghèo mà đánh đập vợ con để giải tỏa tâm hồn.
. Thực tế xã hội phức tạp hơn: Đó là do cái nghèo, cái khổ của cuộc sống xô bồ của xã hội, do ý thức, đạo đức biến chất tha hóa của một bộ phận người trong xã hội.
+ Giải pháp:
. Để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình cần có sự kết hợp của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức trong xã hội…Đảng và nhà nước cần có biện pháp tích cực như tuyền truyên vận động mọi người giáo dục mỗi công dân về hạnh phúc gia đình.
. Phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ có hành vi bạo lực gia đình.
. Đưa ra những chính sách bảo vệ cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
* Bước 3: Rút ra bài học cho bản thân
– Cần thẳng thắn lên án hành động bạo lực gia đình như nhân vật Phùng, Đẩu trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
– Hãy sống chan hòa, đầm ấm để không có bạo hành gia đình.
c. Kết bài:
Đánh giá ý nghĩa của vấn đề xã hội trong tác phẩm.
Đề số 2:
Trong Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12/2003, Cô- phi An- nan viết: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”.
(Ngữ văn 12 tập I – NXB Giáo dục 2008 – trang 83)
Anh chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
Gợi ý:
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Nắm được kỹ năng phân tích đề, lập dàn ý. Biết cách viết một bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm.
– Nhận diện được vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Huy động kiến thức và những trải nghiệm của bản thân để viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm.
* Yêu cầu về kiến thức:
Huy động kiến thức từ thực tế đời sống xã hội cùng với những trải nghiệm của bản thân để làm rõ vấn đề.
Tìm hiểu đề
– Yêu cầu nội dung: Từ lời phát biểu của Cô-phi An- nan, bàn luận về đại dịch HIV/AIDS và hành động của chúng ta trước đại dịch này.
– Yêu cầu thao tác lập luận: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
– Phạm vi tư liệu: Kiến thức đã học và thực tế xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
– Nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối, trong đó đại dịch HIV/AIDS là một thảm họa kinh hoàng.
– Mặc dù bận trăm công ngàn việc của một tổng thư ký Liên hiệp quốc, ngài Cô-phi-an-nan vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phòng chống HIV/AIDS.
– Trong Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12/2003, Cô-phi-an-nan nhấn mạnh: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”.
b. Thân bài:
Giải thích:
– Giải thích khái niệm AIDS: AIDS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh, nghĩa là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (còn gọi là bệnh liệt kháng hoặc SIDA).
– Chúng ta và họ:
+ Chúng ta: chỉ những người khỏe mạnh, may mắn không mắc hoặc chưa bị căn bệnh AIDS.
+ Họ: chỉ những người đang bị căn bệnh AIDS.
-> AIDS là đại dịch vô cùng nguy hiểm, là thảm họa của loài người. Nếu không tích cực phòng chống, AIDS sẽ gõ của từng nhà và đưa loài người đến chỗ diệt vong.
Phân tích, chứng minh:
* AIDS là thế giới khốc liệt.
– Thực trạng của bệnh dịch AIDS ở Việt Nam và thế giới: AIDS vẫn không ngừng phát triển và có chiều hướng gia tăng (DC).
– Những hậu quả của căn bệnh AIDS để lại:
+ Tuổi thọ bị giảm sút nghiêm trọng, thiệt hại về tính mạng.
+ Thiệt hại về của cải vật chất.
+ Băng hoại các giá trị đạo đức.
+ Ngăn cản sự phát triển của xã hội.
–> AIDS là một thế giới khốc liệt, là thảm họa đưa loài người đến chỗ diệt vong.
* Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ.
– Khái niệm chúng ta và họ đó là một thực tế đang xảy ra trong xã hội (Chứng minh).
– Chính thực tế xã hội đã vô tình tạo nên hai thế giới: chúng ta và họ. Ý kiến của Cô-phi An-nan không chỉ nêu lên thực tế mà là lời cảnh báo, nhắc nhở thái độ sai lầm đó.
* Im lặng đồng nghĩa với cái chết.
– Khi mọi người không lên tiếng về đại dịch AIDS thì tốc độ lây lan càng nhanh hơn.
– Khi mọi người có thái độ kì thị, phân biệt đối xử về đại dịch AIDS sẽ tạo thành hàng rào ngăn cách đối với người nhiễm bệnh.
Bài học nhận thức và hành động:
– Nhận thức sự nguy hiểm của đại dịch AIDS trước cuộc sống của nhân loại
– Giải pháp để đẩy lùi đại dịch:
+ Mọi người cần công khai lên tiếng về AIDS.
+ Các quốc gia, tổ chức phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị và hành động thực tế.
+ Đầu tư ngân sách cho việc phòng chống AIDS.
+ Các tổ chức từ gia đình đến các cơ quan, đoàn thể phải giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.
– Trách nhiệm của thanh niên trong việc góp phần đẩy lùi căn bệnh AIDS.
+ Luôn tu dưỡng phẩm chất tốt, có lối sống lành mạnh.
+ Tham gia các hoạt động xã hội cùng cộng đồng phòng chống căn bệnh AIDS.
+ Khoan dung, nhân ái, đối xử tốt với người bị nhiễm HIV/AIDS.
c. Kết bài:
Khẳng định ý nghĩa của lời nói và ý thức bản thân trước đại dịch khủng khiếp này.
Đề số 3:
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp từ câu chuyện sau :
Một cậu bé nhìn thấy cái kén cùa con bướm. Một hôm cái kén hở ra một cái khe nhỏ, cậu bé ngồi và lặng lẽ quan sát con bướm trong vòng vài giờ khi nó gắng sức để chui qua khe hở ấy. Nhưng có vẻ nó không đạt được gì cả.
Do đó cậu bé quyết định giúp con bướm bằng cách cắt khe hở cho to hẳn ra. Con bướm chui ra được ngay nhưng cơ thể nó bị phồng rộp và bé xíu, cánh của nó co lại. Cậu bé tiếp tục quan sát con bướm, hi vọng rồi cái cánh sẽ đủ lớn để đỡ được cơ thể nó. Những chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Thực tế, con bướm đó sẽ phải bỏ ra suốt cả cuộc đời nó chỉ để bò trườn với cơ thể sưng phồng. Nó không bao giờ bay được.
Cậu bé không hiểu được rằng chính cái kén bó buộc làm cho con bướm phải cố gắng thoát ra là điều kiện tự nhiên để chất lưu trong cơ thể nó chuyển vào cánh, để nó có thể bay được khi nó thoát ra ngoài kén.
(Hạt giống tâm hồn, First New, NXB TP HCM, Tr 123)
* Yêu cầu kỹ năng:
Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
* Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần thể hiện những suy nghĩ chân thành làm nổi bật trọng tâm vấn đề
Tìm hiểu đề
– Yêu cầu nội dung:
Từ câu chuyện đặt ra hai vấn đề:
+ Những khó khăn thử thách trong cuộc sống chính là cơ hội cho con người tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên để khẳng định bản thân và tự hoàn thiện mình. ( ý chính)
+ Lòng tốt nếu không thể hiện đúng cách, đúng chỗ có thể gây ra những hậu quả, những hệ lụy nghiêm trọng (ý phụ).
– Yêu cầu thao tác lập luận: Giải thích, bình luận, chứng minh…
– Phạm vi tư liệu: Thực tế xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
Giới thiệu câu chuyện.
b. Thân bài:
Phân tích văn bản:
Câu chuyện đặt ra hai vấn đề:
– Những khó khăn thử thách trong cuộc sống chính là cơ hội cho con người tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên để khẳng định bản thân và tự hoàn thiện mình (ý chính).
– Lòng tốt nếu không thể hiện đúng cách, đúng chỗ có thể gây ra những hậu quả, những hệ lụy nghiêm trọng (ý phụ).
Bàn luận:
* Tại sao những khó khăn thử thách trong cuộc sống là những cơ hội cho con người vươn lên?
– Khó khăn thử thách buộc con người phái phấn đấu không ngững; khó khăn thử thách rèn cho con người bản lĩnh,ý chí; khó khăn nhiều khi là động lực khích lệ 1con người hành động… Khi vượt qua thử thách, con người sẽ trưởng thành hơn (dẫn chứng).
– Nêu không có khó khăn thử thách, con người sẽ ỷ lại, không có môi trường để rèn luyện, phấn đấu, không có động lực để vươn lên… (dẫn chứng).
* Tại sao lòng tốt không thể hiện đúng cách, đúng chỗ có thể gây ra những hậu quả, những hệ lụy nghiêm trọng?
– Lòng tốt rất cần trong cuộc sống…
– Những lòng tốt phải thể hiện đúng cách, đúng chỗ, đúng lúc, hợp hoàn cảnh thì mới có tác dụng… (dẫn chứng).
Bài học nhận thức và hành động:
– Mối quan hệ giữa khó khăn và sự trợ giúp…
– Liên hệ bản thân.
c. Kết bài:
Khẳng định ý nghĩa của vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm.
Đề số 4:
NGƯỜI ĂN XIN
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:
– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.
Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:
– Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy, tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được cái gì đó của ông .
(Tuốc-ghê-nhép, dẫn theo Ngữ văn 9, tập Một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005, trang 22).
Suy nghĩ của anh (chị) khi đọc xong câu chuyện trên.
* Yêu cầu kỹ năng:
Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
* Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần thể hiện những suy nghĩ chân thành làm nổi bật trọng tâm vấn đề.
Tìm hiểu đề
– Yêu cầu nội dung: Từ câu chuyện đặt ra vấn đề:
+ Vấn đề “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
+ Cách ứng xử cao đẹp, giàu lòng nhân ái của con người trong cuộc sống.
– Yêu cầu thao tác lập luận: Giải thích, bình luận, chứng minh…
– Phạm vi tư liệu: Thực tế xã hội.
Lập dàn ý
a. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận.
– Giới thiệu câu chuyện “Người ăn xin”
b.Thân bài:
Khái quát nội dung câu chuyện:
– Phân tích hành động, cử chỉ, thái độ, của 2 nhân vật (anh thanh niên, ông già ăn xin) trong truyện.
– Truyện “Người ăn xin” kể về việc “cho” và “nhận” của anh thanh niên và người ăn xin.
Bàn luận về ý nghĩa của câu chuyện:
* Lưu ý:
– Khi trình bày suy nghĩ về câu chuyện, cần chú ý đến các sự việc trong truyện.
– Từ các nhân vật trong truyện mà hiểu ý nghĩa của truyện, từ đó nêu lên những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống được gợi ra từ câu chuyện.
* Cụ thể:
– Ý nghĩa được gợi ra từ câu chuyện: từ hành động cho và nhận của anh thanh niên và người ăn xin, truyện đã ngợi ca cách ứng xử cao đẹp, nhân ái giữa con người với con người trong cuộc sống.
– Thái độ sống, cách ứng xử của con người với con người: Câu chuyện “Người ăn xin” là lời khuyên về cách sống, thái độ sống của mỗi con người trong cuộc đời:
+ Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành và cách ứng xử lịch sự là món quà quý giá mà ta tặng cho người khác.
+ Và khi trao món quà tinh thần ấy cho người khác thì ta cũng nhận được món quà quí giá như vậy.
– Bàn luận mở rộng (đặt câu hỏi nêu vấn đề): Câu chuyện gợi suy cho chúng ta suy nghĩ gì về cuộc sống và cách ứng xử của con người trong xã hội hiện tại?
+ Biểu hiện đẹp: Con người biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống (truyền thống tương thân, tương ái, đức hi sinh, biết sống vì người khác, có trách nhiệm…).
+ Bên cạnh đó có một bộ phận cá nhân trong xã hội còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, sống hưởng thụ hoặc có thái độ khinh miệt đối với những con người nghèo khổ trong xã hội -> cần lên án loại bỏ những hành động và suy nghĩ đó.
– Lời khuyên về cách sống và thái độ sống đối với mọi người:
+ Đồng cảm, sẻ chia, học cách quan tâm và ứng xử tốt đẹp, có văn hoá để cuộc sống tốt đẹp hơn.
+ Câu chuyện có tác dụng giáo dục lòng nhân ái cho mỗi chúng ta.
Bài học nhận thức và hành động:
– Truyện gợi cho ta nhiều suy ngẫm về việc cho và nhận trong cuộc sống: Cái cho và nhận là gì? Đâu phải chỉ là vật chất, có thể là giá trị tinh thần, có khi chỉ là một câu nói, một cử chỉ hành động hoặc việc làm, một lời động viên chân thành nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao… nhưng quan trọng nhất chính là thái độ khi cho và nhận cần phải chân thành, có văn hoá.
– Liên hệ bản thân: Xác định thái độ sống và cách ứng xử của bản thân: tôn trọng, quan tâm, chia sẻ với mọi người…
c. Kết bài:
– Đánh giá nội dung câu chuyện: có ý nghĩa sâu sắc, như một thông điệp về cách ứng xử của con người trong cuộc sống.
– Mở rộng nâng cao vấn đề (nếu có): Câu chuyện là bài học về kĩ năng sống, hàng trang cho mỗi người về cách “cho” và “nhận” (đặc biệt là thế hệ trẻ – qua cách ứng xử của anh thanh niên trong câu chuyện).
Đề số 5:
“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”, (Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)
Suy nghĩ của anh ( chị) về vấn đề này?
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Vận dụng các thao tác lập luận: giải thích,chứng minh, bình luận, phân tích, bác bỏ…để viết bài văn nghị luận xã hội.
* Yêu cầu kiến thức:
– Giải thích khái niệm: bên ngoài, bên trong, toàn vẹn….
– Giải thích ý nghĩa của câu nói.
– Phủ định lối sống giả dối, chắp vá, mâu thuẫn “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp cho con người “tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Tìm hiểu đề
– Yêu cầu nội dung: Từ câu nói của nhân vật Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, bàn luận về mối quan hệ hài hòa giữa hồn và xác, giữa thế giới bên trong và biểu hiện bên ngoài con người và khát vọng sống chính đáng của một con người có nhân cách.
– Yêu cầu thao tác lập luận: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…
– Phạm vi tư liệu: Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt, thực tế đời sống (chủ yêu)
Lập dàn ý
a. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu vấn đề nghị luận
b. Thân bài:
Giải thích tư tưởng nêu trong nhận định:
– Giới thiệu ngắn gọn xuất xứ câu văn được trích từ vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ và là lời đối thoại của nhân vật Trương Ba với tiên cờ Đế Thích. Câu nói trên là lời giải thích của hồn Trương Ba khi từ chối cuộc sống vay mượn trong thân xác người khác. Nó thể hiện khát vọng sống chính đáng của một con người có nhân cách.
– Giải thích nội dung cần bàn luận: Bên trong, bên ngoài là những phương diện nào của con người? Thế nào là cuộc sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo? Mong muốn được là tôi toàn vẹn thể hiện khát vọng nào của nhân vật Trương Ba nói riêng và con người nói chung?
Bàn luận mở rộng ý nghĩa của vấn đề:
– Bi kịch của kiếp sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo: bên trong là những suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm… của mỗi con người; bên ngoài là lời lẽ, hành động, cách ứng xử với thế giới xung quanh. Bên trong còn là linh hồn, tinh thần, bên ngoài là thể xác… Sự trái ngược giữa bên trong và bên ngoài là bi kịch phải sống giả dối, trái với bản chất của mình. Có những nguyên nhân nào xô đẩy con người vào lối sống chắp vá này? Chú ý cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
– Khát vọng được là tôi toàn vẹn là mong ước được sống trung thực, được là chính mình, không phải tồn tại trong trạng thái vay mượn, chắp vá không phải sống theo người khác. Chỉ khi được sống hài hòa giữa hồn và xác, giữa thế giới bên trong và biểu hiện bên ngoài con người mới có hạnh phúc. Theo anh ( chị) cần phải làm gì để tạo nên cuộc sống đó?
Liên hệ với thực tế trải nghiệm của bản thân:
– Anh (chị) đã chứng kiến những hiện tượng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” nào? Suy nghĩ của bản thân trước những hiện tượng đó?
– Bản thân anh (chị) đã bao giờ trải qua nỗi khổ “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”? Anh (chị) đã làm gì để có một cuộc sống toàn vẹn, thống nhất?
c. Kết bài:
– Nhấn mạnh giá trị nhân văn trong quan niệm sống của Lưu Quang Vũ
– Trách nhiệm của mỗi con người trong việc hình thành, bảo vệ những khát vọng sống chính đáng, đẹp đẽ