Thay đổi cách xác nhận kết quả thi
Theo cách thức báo điểm truyền thống từ trước đến nay của kỳ thi “ba chung” (từ khi có điểm sàn), thí sinh không trúng tuyển NV1, nhưng có điểm thi cao hơn điểm sàn sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển các trường còn chỉ tiêu. Còn các thí sinh thi dưới điểm sàn cũng sẽ được cấp phiếu báo điểm chứng nhận tham gia kỳ thi, và có thể dùng phiếu này xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp nếu nhà trường đặt các điều kiện đi kèm.
Tuy nhiên, năm 2014 Bộ GD-ĐT quyết định bỏ điểm sàn, thay bằng điều kiện “bảo đảm tiêu chí chất lượng đầu vào”, nên cũng thay đổi phương thức cấp giấy xác nhận kết quả thi cho thí sinh. Cụ thể, thay vì in giấy chứng nhận kết quả để chỉ cấp cho thí sinh không trúng tuyển nhưng phải có kết quả trên điểm sàn như mọi năm thì năm 2014, bộ cho phép các trường in ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ, trong đó ghi rõ kết quả thi (có đóng dấu đỏ của trường) đối với tất cả các thí sinh không trúng tuyển NV1 để tham gia việc xét tuyển.
PGS.TS Lê Hữu Lập – phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông – cho hay với thay đổi bất đắc dĩ khi bỏ điểm sàn này, chắc chắn công tác xét tuyển của các trường sẽ phức tạp hơn. “Trước đây, thí sinh dưới sàn chỉ nhận phiếu báo điểm để đăng ký học trường nghề hay xét tuyển vào trường trung cấp thì nay lại nhận được giấy chứng nhận kết quả thi với nội dung ghi cả điểm thi và thông số đăng ký xét tuyển vào các trường. Thí sinh cứ có giấy là nộp, chứ không phải ai cũng biết “tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào”. Do đó, chính các trường sẽ phải lọc lại hồ sơ một lần nữa xem thí sinh nào đủ điều kiện. Nghĩa là cần thiết phải sửa cả phần mềm máy tính để phục vụ công tác xét tuyển. Nếu không công bố sớm các tiêu chí đầu vào, các trường sẽ không tránh được lúng túng” – ông Lập chia sẻ.
Song cho đến khi quy chế ban hành thì các “tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào” để các trường căn cứ làm điểm chuẩn vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT mới xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo. Tuy nhiên, ngay trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ công khai một số phương án đề xuất về tiêu chí thay thế điểm sàn. “Nguyên tắc xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào có thể sẽ được công bố trước kỳ thi. Nhưng để đánh giá chính xác năng lực của thí sinh phải dựa trên phổ điểm thực tế. Đó là lý do tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào được xác định và công bố sau khi có kết quả thi” – ông Ga lý giải.
Trường có tối đa hai lần tuyển sinh trong năm
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết hiện nay có 64 trường ĐH, CĐ gửi đề án tự chủ tuyển sinh về bộ. Sau khi ban hành thông tư sửa đổi quy chế tuyển sinh, bộ sẽ công bố các đề án phù hợp với quy chế để các trường triển khai thực hiện. Vì các trường được tuyển sinh riêng, nên bộ cũng điều chỉnh số lần trường được tổ chức tuyển sinh hằng năm từ một lần thành 1-2 lần trong năm. Theo đúng quy trình, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận và công bố nội dung dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh để xã hội góp ý hoàn thiện đề án. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định trách nhiệm trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày trường nộp đề án tự chủ tuyển sinh hợp lệ, bộ sẽ xác nhận bằng văn bản đề án tự chủ tuyển sinh của trường đáp ứng hoặc không đáp ứng các yêu cầu đã quy định.
Bộ GD-ĐT cũng đặt ra quy định kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Riêng thí sinh dự thi vào trường thi riêng sẽ phải bổ sung trong hồ sơ đăng ký dự thi thêm bản sao hợp lệ các giấy tờ theo yêu cầu của trường tổ chức tuyển sinh riêng so với thí sinh thi vào các trường “ba chung”.
Siết lại ưu tiên theo khu vực
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trước đây việc quy định hưởng ưu tiên theo khu vực 1 (KV1) với điểm cộng 1,5 điểm “khoanh vùng” khá rộng với tất cả thí sinh ở các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ. Theo đó, nhiều khi một xã khó khăn mà thí sinh cả huyện với những điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau cùng được hưởng ưu tiên. Tuy nhiên, từ năm 2014, thí sinh muốn được hưởng ưu tiên KV1 chỉ khi thuộc địa bàn hẹp hơn (không phải là “địa phương” chung chung mà quy về xã), gồm: các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 theo quy định hiện hành”. Cùng với đó, KV2 được điều chỉnh gồm: các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Thí sinh muốn hưởng ưu tiên KV1 sẽ phải có hộ khẩu thuộc xã khó khăn và học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên. Nếu thí sinh học tại huyện ngoài xã khó khăn đó sẽ chỉ được hưởng ưu tiên khu vực theo đơn vị trường THPT mà thí sinh theo học.