Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh (1942-1988) là nữ thi sĩ xuất sắc của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Ngay từ tập thơ Tơ tằm- Chồi biếc, Xuân Quỳnh đã thu hút được sự chú ý của bạn đọc bởi một hồn thơ trẻ trung, hồn nhiên, sôi nổi, chân tình.
Xuân Quỳnh sinh ra ở đời này như để yêu thương, chia sẻ, trao tặng, để chứng minh rằng tình yêu là hiện hữu, là vĩnh hằng, bất tử. Và suốt cả một đời chị đã ru, đã hát những lời yêu. Thơ tình của Xuân Quỳnh trong giai đoạn đầu tiên về sự cảm nhận cái đẹp, cái thơ mộng của tình yêu. Về sau, thơ của chị có những lo âu, trăn trở trong hạnh phúc gia đình và những hoài niệm da diết về quá khứ. Nhưng dù ở sắc thái nào, cung bậc nào, Xuân Quỳnh cũng sôi nổi, nồng nàn, chân thành say đắm, yêu thương trao tặng hết mình.
Sóng là một bài thơ biểu hiện rõ nét nhất bản sắc độc đáo của tâm hồn Xuân Quỳnh. Bài thơ này được chị viết năm 1967, khi chị đang hăm hở đi vào tuyến lửa, mảnh đất đầy bom đạn và đầy Gió lào cát trắng để hái những chùm thơ “dọc chiến hào”. Đến nơi chiến tranh khốc liệt, chị lại tìm ra sự sống mãnh liệt, đến nơi cát bỏng chị lại nghe lời ru của sóng cả đại dương. Sóng là sự gặp gỡ kì diệu, sự cộng hưởng nhịp nhàng của tâm hồn Xuân Quỳnh và sóng biển. Chị đã thấy tâm hồn mình qua sóng, để rồi nhờ sóng nói hộ tình yêu.
Trước đây, khi viết về tình yêu, Xuân Quỳnh đã từng tìm đến thuyền và biển để dạo bản tình ca đầu tiên của thời thiếu nữ. Tâm hồn của Xuân Quỳnh rất nhạy cảm, rất động nên chị đã nhận về mình biển cả. Biển dịu dàng trong đêm trăng đẹp, biển dữ dội khi bão tố nổi lên, biển khắc khoải ngày đêm, biẻn cồn cào nỗi nhớ. Xuân Quỳnh lại tìm đến với sóng. Sóng là gương mặt của biển, là phần động nhất của biển.Sóng là thế giới âm thanh ào ạt ngàn đời, sóng là thế giới cuồng phong dữ dội. Tâm hồn Xuân Quỳnh như thế, không bao giờ yên nghỉ trong sự phẳng lặng của cuộc đời.
Xuyên suốt bài thơ “Sóng” và “em”, hai nhân vật chữ tình cùng chung khuôn mặt. “em” hóa thân vào “sóng” , “em” soi gương qua “sóng”, “em” thấy mình trong “sóng”. Đến với “sóng” Xuân Quỳnh gặp gỡ tâm hồn mình, gặp gỡ tình yêu sôi nổi mãnh liệt, say đắm lòng mình:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, Xuân Quỳnh đã đưa người đọc vào thế giới của “sóng”, thế giới âm thanh nhịp điệu của tâm hồn Xuân Quỳnh trong biển lớn tình yêu. Sóng chứa đựng những trạng thái đối lập mà thống nhất “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ”. Tình yêu cũng mang nhiều gương mặt, nhiều dáng vẻ đa dạng. Với một tâm hồn nhạy cảm giàu nữ tính như Xuân Quỳnh thì thế giới tình yêu càng lắm sắc thái và cung bậc hơn. Trước đây trong bài thuyền và biển, chị đã từng bộc lộ:
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên)
Cũng như sóng trên biển cả, tâm hồn người đang yêu có bao giờ yên tĩnh. Bao xao động trong tâm tư làm hiện lên nhiều dáng vẻ, sắc thái tưởng chừng như đối lập. Nhưng nhiều khi vẻ ngoài bình lặng lại chứa đựng bao khát vọng mạnh mẽ bên trong, vẻ ngoài dữ dội nhưng bên trong lại là tấm lòng nhân hậu, đằm thắm bao dung. Sóng chứa đựng biết bao điều bí ẩn và những khát vọng lớn lao. Vì thế sóng vượt qua giới hạn chật chội của dòng sông để tìm ra biển cả rộng lớn. Ra tận biển mênh mông rộng lớn, sóng mới thể hiện được đầy đủ sự dữ dội về dịu êm, ồn ào và lặng lẽ” của mình. Ra tận biển, sóng mới hiểu được sức mạnh và khát vọng của mình. Hành trình của con người đến với tình yêu mới hiểu được tình cảm, khát vọng và giá trị của mình.
Những con sóng trên biển cả có tự ngàn xưa và sẽ còn tồn tại lâu dài cùng biển cả. Có biển là có sóng. Cũng như sóng và biển, khát vọng tình yêu là chuyện muôn đời của con người.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Đứng trước biển lớn và dạt dào sóng vỗ,Xuân Quỳnh nghĩ về sóng, về mình và về tình yêu đang xao động trong lòng. Câu hỏi về cội nguồn của sóng là câu hỏi về nơi tình yêu bắt đầu. Tình yêu bắt đầu từ nơi đâu, từ lúc nào? Đó là câu hỏi muôn đời của những người khi đến với tình yêu. Nhưng ai có thể cắt nghĩa được rõ ràng và đầy đủ:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa.
Tình yêu là truyện của trái tim, tình yêu chỉ cảm nhận được cứ làm sao giải thích được theo công thức và định lí nào mà biết được điểm khởi nguồn và nơi kết thúc của nó. Khát vọng nhận thức về tình yêu cũng là một phương diện của tình yêu, cũng như khát vọng sống thôi thúc loài người tìm về cội nguồn sự sống. Có những cái không thể truy nguyên, càng truy nguyên càng đi vào ngõ cụt. Tình yêu chân thành say đắm thật khó cắt nghĩa rạch ròi. Giải thích được rạch ròi thì đâu còn là tình yêu say đắm, sôi nổi. Trước sự bí ẩn của tình yêu, Xuân Quỳnh đã lắc đầu thú nhận “Em cũng không biết nữa” và chỉ biết “Khi nào ta yêu nhau” là tình yêu hiện hữu trong lòng. Tình yêu, thứ tình cảm khó có thể cắt nghĩa được ấy đã từng được nhà thơ Ta-go nhắc đến trong bài thơ tình số 28:
Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.
Tình yêu đến mang theo nỗi nhớ. Yêu tha thiết mãnh liệt bao nhiêu, nhớ nhung da diết cồn cào bấy nhiêu. Nỗi nhớ từ lòng mình tỏa ra vạn vật, tất cả đều chung tâm rạng với mình. Người xưa thấy khăn, thấy đèn, thấy đèn đều biết nhớ, còn Xuân Quỳnh đứng trước những con sóng chìm, những con sóng nổi mà thổn thức bồi hồi:
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.
“Con sóng nhớ bờ – Ngày đêm không ngủ được” là một phát hiện độc đáo của Xuân Quỳnh, phát hiện của một trái tim đang yêu thiết tha, say đắm. Nỗi nhớ thường trực trong mọi thời gian, đi vào mọi trạng thái của tâm hồn, trong ý thức, trong cả tiềm thức:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.
Nỗi nhớ không những biểu hiện qua mọi thời gian sống mà còn trải rộng tỏa ra mọi không gian tồn tại của con người. Thời gian dài lâu, nỗi nhớ thường trực, không gian rộng lớn, đa dạng, đa chiều, nỗi nhớ chỉ có một phương:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.
Người ta thường nói “xuôi vào nam, ngược ra bắc” nhưng ở đây, trong nỗi nhớ chất đầy, nhà thơ lại dùng cách nói ngược lại “xuôi về phương bắc, ngược về phương nam”. Phải chăng tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn và nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách. Và tình yêu trong sáng, lãng mạn bao giờ cũng là tình yêu duy nhất, tình yêu thủy chung trọn vẹn. Dù ai có tình yêu chủ trương “tình yêu giây phút”, “tình yêu thoáng qua”, “tình yêu một giờ”, “một ngày”, “một tháng”, “một năm” thì Xuân Quỳnh tha thiết hướng về tình yêu vĩnh hằng, bất tử, trọn vẹn thủy chung. Xuân Quỳnh táo bạo, chủ động, thành thật bày tỏ tình yêu của mình, không e dè giấu diếm, không tính toán thiệt hơn. Chị trao tặng hết mình mà không nghĩ nhiều về đón nhận, đền đáp. Phải có một tấm lòng bao dung, nhân hậu đến nhường nào, Xuân Quỳnh mới có được một tình yêu như thế.
Xuân Quỳnh đến với tình yêu bằng một tình yêu bất diệt. Niềm tin ấy xuất phát từ lòng tin ở chính mình, ở người, ở quy luật thiên nhiên,vạn vật. Triết lý của chị là triết lý của trái tim đang dạt dào yêu thương muốn hút mọi hiện tượng tự nhiên về mình để có thêm nhiều lý lẽ:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đón
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn ngàn cách trở.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Tìm đến cái lý chẳng qua để nói cái tình. Cái lí sao mà chông chênh mà cái tình thì rất thực, thực đến hồn nhiên, ngây thơ nhưcon trẻ. Chính cái thực ấy đã nói lên được gương mặt thật của tình yêu. Tình yêu không chấp nhận những kẻ nửa vời, hèn nhát, dối lừa. Hành trang đi đến tận cùng tình yêu hạnh phúc phải có lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn và đức hi sinh. Tình yêu mãnh liệt để sẽ vượt qua mọi khoảng cách không gian, mọi độ dài thời gian như những con sóng vượt qua “muôn vàn cách trở” để đến với bờ xa, như chòm mây mải miết bay qua biển rộng, như năm tháng nhẫn nại đi qua mọi cuộc đời. Niềm tin nuôi lớn khát vọng, Xuân Quỳnh khát vọng về một tình yêu vĩnh hằng bất tử:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Nói đến sóng, đến biển, nhà thơ chỉ nhằm đến cái đích cuối cùng đó là khát vọng tình yêu. Sóng và biển là cái cớ, là chất xúc tác để Xuân Quỳnh chất chứa vào đó tình cảm tha thiết của mình. Có lẽ nữ sĩ đã nhận ra được sự mong manh của tình yêu và cuộc sống nên chỉ ước một điều – tình yêu sống mãi. Điều này ngẫu nhiên trùng hợp với những vần thơ của thi sĩ người Đức- Hai-Nơ:
Chỉ một ước mơ thôi
Ngày ngày anh lặp lại
Sau khi anh chết rồi
Tình yêu còn mãi mãi
Bài thơ khép lại mà như vẫn nghe thấy tiếng sóng vỗ dịu êm, thổn thức trong lòng người. Ảnh hưởng của bài thơ là tiếng sóng, tiếng sóng trong lòng nhà thơ hòa nhập cùng tiếng sóng trên biển cả rộng lớn bao la. Nhẹ nhàng như một lời thì thầm, bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm dịu ngọt, mơn man nhưng đầy thì vị. Chắc chắn một điều là Sóng của Xuân Quỳnh sẽ còn làm nhiều người thao thức “ngày đêm không ngủ được”
Trên đây là bài phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh. Các bạn cùng tham khảo nhé.
Chúc các bạn học tốt!