So với dự kiến ban đầu là 34 cụm thi thì sau khi làm việc với các tỉnh ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất tăng thêm cụm thi ở các khu vực này với dự kiến khoảng 38 cụm thi.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện và tiến hành ban hành danh sách cụm thi và tài liệu hướng dẫn thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay có 38 cụm liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời có hơn 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp. Việc tổ chức ở các địa điểm theo quy trình giống nhau.Các cụm thi ở địa phương dành cho thí sinh chỉ lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ được xác định sau khi thí sinh đã kết thúc đăng ký dự thi.
Học sinh được xét công nhận tốt nghiệp phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn trong số Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Kết quả 4 môn này được sử dụng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh có thể đăng ký thêm các môn khác trong số tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển. Riêng học sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đề thi được bật mí sẽ theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Quy chế tuyển sinh tạo thuận lợi tối đa cho các em. Ngành giáo dục nhận khó khăn về phần mình”.
Đến nay, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt phương án tuyển sinh của 125 trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp của cụm tỉnh và liên tỉnh. Ngoài ra, 300 trường lấy kết quả thi tốt nghiệp ở cụm liên tỉnh.
Thí sinh sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ giúp các em có nhiều cơ hội, chủ động lựa chọn những khoa, ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình.