Đề bài: Nhân dân ta có câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen,gần đèn chưa chắc đã sáng. Em hãy viết bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.
Bài Viết bày tỏ ý kiến về câu tục ngữ ” Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách con người đó là môi trường sống.Bởi thế nhân dân ta đã có câu” Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng yếu tố con người còn quan trọng hơn cả môi trường sống. Bởi con người tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh chính con người đó. Vì thế gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã sáng.
” Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.Quả đúng như vậy,thường xuyên sử dụng bút mực bị mực dây ra tay là điều khó tránh khỏi.Ngồi gần đèn,được chiếu vào nhất định sẽ sáng sủa. Cũng như con người,nếu sống trong môi trường tốt sẽ dễ thành người tốt,còn sống trong môi trường xấu sẽ dễ trở thành kẻ xấu.”Gần mực thì đen”. Chí Phèo trong truyện của nhà văn Nam Cao là anh nông dân hiền lành, chất phác bỗng nhiên bị cường hào đổ tội phải đi ở tù.Sau bao năm, trở về quê cũ, Chí Phèo thay đổi hẳn. Hắn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chính nhà tù của xã hội thực dân phong kiến đen tối, khắc nghiệt đã đày đọa cuộc sống con người, tha hóa nhân cách con người như thế.Ngược lại, “gần đèn thì rạng”, câu chuyện Mẹ hiền dạy con là chứng minh rõ ràng nhất cho câu tục ngữ này. Mạnh Tử khi còn bé ở gần chợ thấy người ta buôn bán làm ăn điên đảo cũng học theo làm ăn điên đảo, chuyển nhà đến gần nghĩa địa cậu lại bắt chước người ta đào chôn lăn khóc, mẹ cậu thấy vậy bèn chuyển nhà đến trường học và cậu đã biết cắp sách đến trường, chăm chỉ học hành. Giả sử người mẹ của Mạnh Tử cho cậu bé ở gần nghĩa địa hay chợ thì chưa chắc Mạnh tử đã trở thành một vị hiền tài lỗi lạc của Trung Quốc.
Liệu câu tục ngữ” Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” có đúng cho tất cả mọi người hay không?
Có những minh chứng đã chứng minh cho câu tục ngữ: ” gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Nhưng cũng có lúc gần mực chưa chắc đã đen, bởi lúc đó ta cẩn thận.Lại có khi gần đèn chưa chắc đã rạng,bởi ta cố tình ngồi khuất.Bởi vậy, phẩm chất của con người nằm trong chính con người ấy.Sống trong môi trường xấu mà biết giữ mình thì cũng như viên ngọc quý sáng bừng trong đêm đen, cũng giống như bông hoa sen ” gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.còn sống trong môi trường tốt mà không chịu thường xuyên tu dưỡng thì cũng chỉ như những thanh thép, để lâu ngày sẽ bị han gỉ, trở thành vật vô dụng. trong cuộc sống hằng ngày, rất nhiều phụ huynh luôn tâm niệm câu tục ngữ ” gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” để áp dụng vào việc giáo dục con cái. Nhưng không phải lúc nào hiệu qủa cũng như câu tục ngữ trên. có những người được giáo dục trong môi trường tốt, xung quanh chỉ toàn những tấm gương sáng để học hỏi nhưng lại cảm thấy vô cùng áp lực vì bố mẹ quá kỳ vọng dần dần trở nên tự ti.cũng có những con người sống trong môi trường không tốt, xung quanh chỉ là những con người thấp kém, bần nông nhưng cũng vì như vậy họ cố gắng vươn lên để trở thành những con người thành đạt, được mọi người ngưỡng mộ.
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, có những chiến sỹ tình báo luôn hoạt động thầm lặng. Chiến trường của họ không đầy bom rơi đạn lửa nhưng cũng thật cam go, khắc nghiệt. Sống giữa sự xa hoa, sự tán dương của quân địch, liệu họ có phản bội tổ quốc? Làm thế nào để bên ngoài vỏ bọc lính ngụy, bên trong họ vẫn giữ vững phẩm chất của anh bộ đội cụ hồ? sống quanh những lời xì xầm,bàn tán, bị coi là việt gian, liệu học có dũng cảm tiếp tục công việc?trong môi trường ấy, đòi hỏi người chiến sỹ tình báo không chỉ cần bộ óc nhanh nhạy mà còn cần một bản lĩnh vững vàng để tự chiến đấu với bản thân. Những chiến sỹ tình báo vững vàng ấy chính là minh chứng cụ thể cho việc” gần mực nhưng chưa chắc đã đen”. Trong văn học, ta thấy hiện tượng gần mực chưa hẳn đã đen, gần đèn chưa hẳn đã sáng thể hiện càng rõ ràng hơn. ở truyện Những người khốn khổ( vichto huygo), cô bé Cô-dét dù sống trong tầng lớp dưới đáy xã hội Pháp nhưng tâm hồn cô luôn trong trẻo. chú bé Rê-mi dù chưa tìm được cha mẹ phải sống ngoài xã hội nhưng không bị nhiễm thói xấu ở đời. Và trong khi đáng buồn khi ngày nay có một số bạn trẻ sống trong những gia đình khá giả, nề nếp , được đi học nhưng lại nhiễm tệ nạn, trở nên hư hỏng.
Tóm lại, câu tục ngữ ” Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đã giúp chúng ta thấy rõ môi trường sống có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống mỗi người. Nhưng dù ở môi trường không tốt nếu bản thân có bản lĩnh vững vàng thì ta vẫn như đóa hoa sen thơm ngát” Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Bài viết là ý kiến của mình về vấn đề ” gần mực thì đen gần đèn thì sáng” các bạn tham khảo và làm bài tốt nhé!